Ngày lễ của hiếu đạo

29/08/2023 - 06:53

 - “Tháng 7 về, lá vàng rơi/ Đây mùa hiếu hạnh đất trời nở hoa/ Con chiều nay, trở lại nhà/ Lòng thành dâng mẹ tách trà Vu Lan”. Nghe cô bạn thân ngân nga mấy câu thơ, tôi bần thần. Mùa Vu Lan báo hiếu nữa lại về. Lòng thầm cảm ơn vì vẫn còn được cài bông hồng đỏ, được nghe than thở, dặn dò, trách mắng của mẹ, để thấy mình thật may mắn và hạnh phúc!

Vu Lan báo hiếu là một trong những ngày lễ truyền thống của người Việt, được tổ chức vào ngày 15/7 (âm lịch), để tưởng nhớ, tri ân công ơn cha mẹ, tổ tiên. Đây là cơ hội để người con dành cả lòng thành báo hiếu công ơn sinh thành, dưỡng dục của người lớn. Có thể là món quà bằng vật chất hay tinh thần, hoặc đơn giản là sự thay đổi nhỏ trong hành động hàng ngày, để cha mẹ không cảm thấy muộn phiền.

“Ơn cha nặng lắm ai ơi/ Nghĩa mẹ bằng trời 9 tháng cưu mang”. Cha mẹ yêu thương, chăm sóc con vô điều kiện. Đó không chỉ là trách nhiệm, bổn phận, mà hơn hết là tình yêu thương với những đứa con mình đã mang nặng, đẻ đau. Hiếu thảo với cha mẹ là chuẩn mực đạo đức xã hội, để đánh giá con người. Hiếu thảo còn được quy định là quyền và nghĩa vụ của con đối với cha mẹ.

Theo Luật Hôn nhân và gia đình, con cái có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.

Những năm gần đây, trong nhiều ngôi chùa, Vu Lan được tổ chức bằng lễ bông hồng cài áo. Người được bông trắng sẽ không khỏi tủi thân, xót xa, không quên cha mẹ đã khuất, để phấn đấu sống tốt hơn từng ngày. Người được bông hồng đỏ sẽ thấy vô cùng hạnh phúc, vì mình còn cha, còn mẹ, cố gắng để làm vui lòng đấng sinh thành.

“Trong tiếng kinh Vu Lan da diết ở nhiều ngôi chùa lớn nhỏ, đã có biết bao giọt nước mắt tuôn rơi khi nghe: “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ/ Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha/ Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ/ Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha…”.

Lễ Vu Lan mang ý nghĩa là báo ân cha mẹ, đồng thời còn dạy con người nhớ về cội nguồn. Tôi thường đi chùa vào lễ Vu Lan, cầu mong người trong gia đình có sức khỏe, luôn bình an” - chị Bé Ba (33 tuổi, ngụ xã Cần Đăng, huyện Châu Thành) bày tỏ.

Lễ Vu Lan ở các chùa được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh hiếu đạo, lan tỏa giá trị của đạo hiếu trong lòng mỗi người dân Việt Nam, hướng con người tới giá trị chân - thiện - mỹ. Với nhiều người, đây là một ngày ý nghĩa, đánh dấu sự trân trọng và tôn vinh tình cảm gia đình.

“Những nhọc nhằn trên đôi vai gầy rộc, phơi nắng đội sương, cha mẹ âm thầm gánh vác qua bao tháng năm. Nhưng chúng ta, những người con lại luôn hờn trách mỗi khi không đòi được thứ mình thích, để được bằng bạn, bằng bè. Tôi không đi chùa ngày lễ Vu Lan, vì sợ không kiềm nén được cảm xúc khi phải cài trên ngực bông hồng màu trắng. Để tỏ lòng thành kính, tôi thường bày mâm cúng đạm bạc ở nhà, nhắc nhở con cái hiếu kính tổ tiên” - anh Nguyễn Vinh Hải (ngụ xã Bình Hòa, huyện Châu Thành) tâm tình.

Ngày nay, nhiều người quan niệm rằng, làm việc phước lành mùa Vu Lan vừa tạo phúc cho người nghèo khó, vừa tạo phước cho cha mẹ, con cái. Những ngày này, nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau làm từ thiện. Họ đi tặng sách vở, quần áo cho học sinh chuẩn bị vào năm học mới; làm cầu giao thông nông thôn. Nhiều tổ chức, cá nhân tặng quà cho trung tâm nuôi dưỡng người già, trẻ mồ côi... Dù rằng ở chùa hay ngoài đời, thì ý nghĩa của mùa Vu Lan báo hiếu cũng rất đáng trân trọng. Vì vậy, mùa Vu Lan còn được nhiều người gọi là mùa của lòng nhân ái.

PHƯƠNG LAN