Một thời hưng thịnh
Men theo con lộ Bắc Cần Thảo, chúng tôi đến cơ sở đan lưới 3 màng của chú Lê Văn Vy (còn gọi là chú Sáu Vy, ngụ tại ấp Mỹ Thành), đây là một trong những hộ có thâm niên trong sản xuất lưới 3 màng tại địa phương. Chia sẻ với chúng tôi, chú Sáu Vy cho biết, nghề đan lưới 3 màng được gia đình chú phát triển ở địa phương trên 30 năm. Và nghề này sản xuất quanh năm, thời điểm được xem là tất bật nhất là vào mùa nước nổi về.
Trước đây, gia đình chú Sáu Vy sống ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp), năm 1978 chuyển hẳn đến địa phương làm ăn và sinh sống đến nay. Khi mới đến vùng đất này, do điều kiện kinh tế của gia đình còn nhiều khó khăn, tranh thủ thời gian chú Sáu Vy đi giăng lưới để kiếm thêm thu nhập, nhằm góp phần trang trải cuộc sống hàng ngày. “Hồi đó, cá dưới sông rất nhiều, chỉ cần mang lưới ra sông giăng một chút là đủ ăn cho cả nhà trong 1 ngày. Dần dần, thấy nghề giăng lưới phát triển, chú chuyển sang nghề đan lưới 3 màng. Cũng nhờ nghề này mà kinh tế gia đình chú từng bước được cải thiện, có điều kiện để xây dựng nhà cửa khang trang hơn, cũng như mua sắm được những vật dụng thiết yếu phục vụ sinh hoạt trong gia đình”- chú Sáu Vy chia sẻ.
Nghề làm lưới 3 màng được gia đình chú Sáu Vy phát triển trên 30 năm
Theo chú Sáu Vy, để có được những tay lưới 3 màng theo ý, phải trải qua 6 công đoạn, như: cắt lưới, luồn dây, đóng phao, đạp chì… Các công đoạn này chủ yếu làm bằng thủ công nên rất công phu và thường chỉ có người phụ nữ đảm nhận. Lưới có nhiều loại, tùy kích cỡ thì sẽ đánh bắt các loại cá khác nhau. Đặc biệt, do lưới 3 màng được kết hợp từ 3 loại lưới nên đánh bắt được nhiều loại cá. Giá mỗi tay lưới 3 màng khoảng 180.000 đồng, dài 50m. Sản phẩm lưới 3 màng ở đây có tiếng về chất lượng nên được nhiều bạn hàng gần xa, cũng như người dân đánh bắt cá đến tận nơi để mua hàng. Hiện nay, mặt hàng này được tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh và các địa phương ngoài tỉnh, như: Tân Hồng, Hồng Ngự (Đồng Tháp); Long An… thậm chí bán sang cả thị trường Campuchia.
“Ăn” theo con nước
Nước lũ về cũng là lúc nguồn lợi thủy sản trở nên dồi dào hơn. Đây là mùa làm ăn của nhiều hộ dân ở miệt sông nước, nên nhu cầu sử dụng các công cụ đánh bắt thủy sản từ đó tăng cao. Chính vì vậy, nghề làm lưới 3 màng của chú Sáu Vy như được mùa và trở nên tất bật, các hoạt động sản xuất trở nên nhộn nhịp hơn. “Nghề này chủ yếu “ăn” theo con nước. Năm nào nước dâng cao thì lưới bán được nhiều hơn. Còn năm nào nước ít, số lượng lưới bán ra chỉ bằng một nửa so với những năm nước lên cao” - chú Sáu Vy thông tin.
Những năm gần đây, tình hình sản xuất lưới của Cơ sở Sáu Vy có phần chậm lại, nguyên nhân là mực nước lũ mỗi năm mỗi thấp; các địa phương đã có hệ thống đê bao khép kín để sản xuất vụ 3 dẫn đến nguồn lợi thủy sản dần ít đi. Bên cạnh đó, thu nhập của công việc này không ổn định, bấp bênh theo con nước nên nhiều lao động, đặc biệt là lao động nam đã bỏ địa phương đi nơi khác làm ăn hoặc tham gia các công việc khác để có nguồn thu nhập ổn định hơn.
“Nghề này đang có dấu hiệu đi xuống. Cách đây chừng 10 năm, vào mùa nước nổi, cơ sở của tôi làm không kịp để bán, có mùa tiêu thụ mấy thiên lưới. Đơn hàng nhiều, cơ sở phải thuê gần 20 lao động mới đủ số lượng cung cấp cho khách hàng. Còn hiện nay, cơ sở chỉ khoảng 5-6 lao động, chủ yếu là lao động nữ” - chú Sáu Vy chia sẻ.
Ấp Mỹ Thành (xã Mỹ Đức) chỉ còn 3 hộ làm lưới 3 màng, với sự tham gia của khoảng 20 lao động, thu nhập từ 150.000-200.000 đồng/ngày.
|
ĐỨC TOÀN