Từ niềm đam mê bon-sai
Đến thăm gia đình anh Phan Chí Linh, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước những chậu bon-sai đủ màu sắc, kiểu dáng, kích thước được anh bày trí cẩn thận trên bàn. Điều đặc biệt là những sản phẩm này được làm chủ yếu bằng dây đồng, được anh dày công kết lại. Càng bất ngờ hơn khi biết anh Linh đến với nghề làm bon-sai bằng dây đồng chỉ trong 1 lần xem trên mạng internet. “Khoảng 3 năm trước, trong 1 lần xem trên mạng internet, thấy có người làm cây bon-sai từ dây đồng, bản thân có niềm đam mê với những cây bon-sai, nên từ đó tôi bắt đầu tìm tòi, học hỏi, theo đuổi công việc này” - anh Linh chia sẻ.
Anh Linh đặt cả tâm huyết của mình trong từng tác phẩm
Anh Linh mua các vật dụng cần thiết như: kềm, dây đồng, hạt cườm… và bắt đầu mày mò làm cây bon-sai. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm cũng như kỹ thuật nên công việc rất khó khăn. Tác phẩm đầu tay của anh Linh phải mất gần 1 tháng mới xong, dần dần “lên tay”, những chậu bon-sai được làm nhanh hơn, có độ tỉ mỉ cao hơn, sản phẩm làm ra đẹp mắt, thời gian rút ngắn so với trước. “Công việc này khá mới mẻ, ở TP. Long Xuyên chưa có ai làm nên tôi lên các trang mạng xã hội để trao đổi thông tin, tích lũy thêm kinh nghiệm. Cũng may những người trong nghề nhiệt tình hướng dẫn nên công việc dần trở nên suôn sẻ” - anh Linh tâm sự.
Theo anh Linh, làm bon-sai bằng dây đồng không khó, mất thời gian nhất là việc lên ý tưởng cho sản phẩm. Đôi khi phải mất cả ngày mới định hình được nội dung, hình dáng; sau khi ý tưởng được hình thành, công việc tiếp theo là cắt dây đồng, làm lá, sau đó là tạo cành, tạo tán, tạo thân, rễ...
Để tạo lá, anh Linh uốn một phần đầu dây thành những vòng tròn nhỏ liên tục, sau khi tạo xong lá trên từng sợi dây, anh Linh bắt đầu xoắn nhiều sợi lại với nhau để tạo tán, thành cành. Tiếp tục xoắn nhiều cành với nhau để tạo thành nhánh, thân. Sau khi đã làm xong phần thân rồi bắt đầu tạo bộ rễ. Cuối cùng, khi đã làm xong các phần của cây gần như hoàn chỉnh, anh Linh tiến hành đặt cây vào chậu, bỏ thêm đất (hoặc xốp) lên trên. Sau đó phủ rêu nhân tạo lên bề mặt để tạo cảm giác tự nhiên nhất cho cây.
Sẵn sàng chia sẻ
Để làm phong phú cho các tác phẩm của mình, anh Linh thường hay lên các trang mạng để sưu tầm tư liệu về hình dáng, các thế của cây bon-sai, từ đó áp dụng cho các sản phẩm của mình. Tác phẩm của anh Linh rất đa dạng, nhiều kích thước, chủng loại và dáng thế cây như: dáng trực, dáng hoành, dáng xiên, dáng thác đổ… Ngoài ra, anh Linh còn đặt thêm một số vật trang trí như những hòn đá hoặc gỗ; các bức tượng mục đồng, ngư ông… để làm sinh động thêm tác phẩm. Bên cạnh đó, anh Linh còn sử dụng các loại hạt cườm có màu sắc khác nhau, cũng như các loại dây đồng có màu khác nhau để đáp ứng nhu cầu muốn làm những sản phẩm riêng biệt, phù hợp với phong thủy và sở thích của khách hàng.
Hiện nay, các sản phẩm của anh Linh được tiêu thụ chủ yếu từ bạn bè, người thân và một số khách hàng ở Hà Nội thông qua mạng xã hội facebook. Ngoài ra, anh Linh còn ký gửi sản phẩm ở một cửa hàng trên địa bàn TP. Long Xuyên. Do tác phẩm làm ra có tính tỉ mỉ cao, nên mặt hàng này có giá khoảng 200.000 - 1.800.000 đồng/sản phẩm. “Lúc trước, các sản phẩm chỉ để thỏa mãn đam mê cá nhân và làm quà tặng bạn bè. Dần dần, nhiều người biết đến nên số lượng đơn hàng nhiều hơn. Nhiều khách hàng gửi mẫu cây ngoài đời để thực hiện” - anh Linh thông tin.
Mặc dù hiện nay các sản phẩm bon-sai bằng dây đồng dần được thương mại hóa, nhưng anh Linh không giấu nghề. Đối với những người có cùng đam mê, anh Linh đều nhiệt tình hướng dẫn. Chia sẻ những dự định trong thời gian tới, anh Linh cho biết: “Hiện nay, đầu ra của sản phẩm còn hạn chế nên mình chưa thể sắp xếp thời gian được, chỉ có thể làm vào buổi tối. Nếu đầu ra ổn định và sản phẩm được nhiều người đón nhận thì mình sẽ tạm gác công việc hiện tại để chuyên tâm phát triển loại hình nghệ thuật này, bởi đây là niềm đam mê của bản thân”.
Bài, ảnh: ĐỨC TOÀN