Đội viên tổ công binh Đại đội 912 TNXP tỉnh Bắc Thái luyện thao tác hệ thống kíp bom điện (năm 1966). Ảnh: Trần Phác/TTXVN
Ông Phạm Huy Giang, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (Bộ Nội vụ) cho biết, để pháp luật về thi đua, khen thưởng có thể triển khai thi hành ngay khi Luật Thi đua, khen thưởng có hiệu lực (ngày 01/01/2024), việc xây dựng và ban hành nghị định quy định chi tiết trình tự, thủ tục xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” và việc khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến là cần thiết và phù hợp với các quy định của pháp luật.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, lực lượng Thanh niên xung phong đã phục vụ trực tiếp trên các chiến trường, các địa bàn khó khăn, gian khổ, vùng có chiến sự ác liệt để làm các nhiệm vụ mở đường, đảm bảo giao thông, phục vụ chiến đấu, tham gia chiến đấu, tháo gỡ bom, mìn; cõng thương binh, tử sĩ, vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thu dọn chiến trường, tham gia làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào, Campuchia và tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam.
Theo báo cáo của Hội cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, đến nay, số lượng Thanh niên xung phong tham gia các thời kỳ kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc đã xác nhận được khoảng 420.000 người (bao gồm cả liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc hóa học).
Luật Thi đua, khen thưởng đã bổ sung thêm hình thức khen thưởng: “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” tại Điều 96 để tặng cho Thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc đến ngày 31/12/1989.
Đây là hình thức khen thưởng mới được quy định trong Luật Thi đua, khen thưởng, chưa có các văn bản quy định chi tiết. Vì vậy, việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết trình tự, thủ tục xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” và việc khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến là cần thiết.
“Việc bổ sung hình thức khen thưởng ‘Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang’ cho Thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc nhằm ghi nhận những đóng góp của lực lượng Thanh niên xung phong trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc”, ông Giang cho hay.
Nghị định 28 quy định chi tiết trình tự, thủ tục xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” cho đối tượng là Thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính khả thi, tạo thuận lợi trong quá trình nghiên cứu, triển khai thực hiện trong thực tiễn. Thanh niên xung phong được nhận Huy chương, Bằng Huy chương và tiếp tục hưởng các quyền lợi theo quy định của khen thưởng kháng chiến.
Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương lưu ý về các mốc thời gian tính khen thưởng trong 3 thời kỳ: Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và bảo vệ Tổ quốc.
Theo đó, thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp từ ngày 15/7/1950 đến ngày 20/7/1954.
Thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ từ ngày 21/71954 đến ngày 30/4/1975, bao gồm chống đế quốc Mỹ ở miền Bắc, miền Nam và làm nhiệm vụ giúp nước bạn Lào từ tháng 5/1972 đến tháng 12/1975.
Thời kỳ bảo vệ Tổ quốc có các mốc: Chiến tranh biên giới Tây Nam từ tháng 5/1975 đến ngày 7/1/1979; chiến tranh biên giới phía Bắc từ tháng 2/1979 đến ngày 31/12/1988; làm nhiệm vụ giúp nước bạn Lào từ tháng 5/1975 đến ngày 31/12/1988; làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia từ tháng 1/1979 đến ngày 31/8/1989; truy quét Fulro từ tháng 5/1975 đến tháng 12/1992.
Theo ông Phạm Huy Giang, Thanh niên xung phong có thành tích trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ, có thời gian tại ngũ từ đủ 24 tháng trở lên được tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”. Thanh niên xung phong hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, đã được công nhận liệt sỹ thì được truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”.
Thanh niên xung phong được xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” 1 lần; khi xét khen thưởng được cộng dồn thời gian tham gia công tác trong các mốc thời gian quy định tại Điều 5 Nghị định 28 để đảm bảo đủ tiêu chuẩn xét tặng, truy tặng.
Không tặng, truy tặng Huy chương này đối với những trường hợp bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác bị áp dụng hình phạt tù hoặc tham gia chống phá chế độ, Đảng, Nhà nước, đào ngũ, phản bội, chiêu hồi mà bị chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.
Cũng theo Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, việc khen thưởng thành tích kháng chiến là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đã được triển khai và thực hiện kéo dài qua nhiều năm (khen thưởng thành tích kháng chiến chống Pháp từ năm 1961; khen thưởng thành tích kháng chiến chống Mỹ từ năm 1980), đến nay đã cơ bản hoàn thành.
Để thực hiện việc khen thưởng thành tích kháng chiến, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện việc khen thưởng đối với cá nhân, tập thể có thành tích trong các thời kỳ kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc. Đến nay, các văn bản nêu trên vẫn có hiệu lực thi hành, được thực hiện có hiệu quả và không mâu thuẫn với các văn bản pháp luật hiện hành. Do vậy, Nghị định 28 quy định tiếp tục thực hiện theo các văn bản pháp luật đã ban hành và hiện đang có hiệu lực thi hành.
Theo TTXVN