Nghĩa tình trong đại dịch COVID-19

31/01/2022 - 06:09

 - Tháng 4-2021, chủng virus Delta chính thức xuất hiện tại Việt Nam, đánh dấu đợt bùng dịch lần thứ 4 trên cả nước. Một lần nữa, Chính phủ và người dân phải đối mặt với tình hình dịch bệnh căng thẳng và vô cùng phức tạp. Thêm một năm đối mặt với áp lực của suy giảm kinh tế, kinh doanh bị đình trệ, giáo dục bị gián đoạn, lực lượng tuyến đầu ngày đêm căng mình dập dịch… Giữa những bộn bề, lo toan khi dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, nhân dân vẫn bừng lên tinh thần lạc quan, phát huy nghĩa đồng bào “lá lành đùm lá rách”, lan tỏa những nghĩa cử ấm áp, cao đẹp.

Góp những câu chuyện đẹp

Đầu tháng 10-2021, TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) trở thành điểm tập trung tạm thời lớn nhất đón công dân từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh có dịch về quê. Trong ca trực cuối ngày tại điểm Trường Đại học An Giang, Trung tâm Chỉ huy tiếp nhận 2 trường hợp là anh em ruột, quê tại huyện Phú Tân đến trình bày cha vừa mới mất ở quê nhà, mong muốn được về kịp để vuốt mắt cha trước khi khẩm liệm.

Tuy nhiên, cách đó không lâu, toàn lực lượng Công an huyện Phú Tân đã xuất phát đưa bà con về quê. Qua xin ý kiến lãnh đạo, Công an phường Đông Xuyên dùng xe tải chở 2 anh em đến bến phà Năng Gù và đề xuất Công an huyện Phú Tân tạo điều kiện cho 2 em về nhà ngay trong đêm. Tâm nguyện hoàn thành, cả gia đình xúc động gửi lời cảm ơn các chiến sĩ.

Lan tỏa năng lượng lạc quan, tích cực

Suốt nhiều tháng chống chọi giữa tâm dịch ở tỉnh Bình Dương, anh Nguyễn Văn Khiêm (quê huyện Châu Phú) được tiếp thêm nghị lực từ những phần lương thực được các đoàn từ thiện gửi từ quê nhà. Sau khi trở về quê, dù nhiều người quay lại các tỉnh làm việc, riêng anh Khiêm quyết định tham gia tình nguyện viên phòng, chống dịch để đền đáp ân tình của quê hương.

Thấy ba mẹ là bác sĩ làm nhiệm vụ quá vất vả rồi lần lượt nhiễm COVID-19, em Kim Yến (sinh viên năm thứ 2 ngành y) đăng ký vào khu điều trị F0 hỗ trợ các y, bác sĩ. Nhiều lần là F1 phải cách ly theo dõi nhưng vừa đủ thời gian thì cô gái trẻ tiếp tục xông trận.

“Sát cánh với những người gánh trọng trách nơi tuyến đầu, em được biết có chiến sĩ công an đã hơn 4 tháng chưa về nhà, kể cả khi vợ sinh con đầu lòng. Có người dân không ngại nguy cơ mà tự nguyện vào khu điều trị F0 chăm sóc người già yếu, người khuyết tật… thì sự góp sức của bản thân là nhỏ bé” - Kim Yến tâm sự.

Thanh niên An Giang hưởng ứng chương trình “Góp triệu ngôi sao” giúp đỡ những hộ kinh doanh nhỏ lẻ gặp khó khăn tại TP. Hồ Chí Minh

Dù không phải người địa phương, gia đình ông Lê Văn Nhàn (quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) đã dành tổng cộng 325 triệu đồng hỗ trợ TP. Long Xuyên tặng quà cho người lao động nghèo, lao động trong các xóm trọ và những hộ dân đang gặp khó khăn. Nguồn kinh phí trên còn được trích để tặng quà lực lượng thanh niên trực Chốt kiểm soát Vàm Cống và trao 3 căn nhà cho hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, gia đình ông Phạm Bình Tây (xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân) liên tục tổ chức các đợt cấp phát quà nhu yếu phẩm và gạo ở các xã, thị trấn, với tổng kinh phí 500 triệu đồng.

Tình người còn mãi

Trong dịch bệnh căng thẳng, chúng ta đã thấy những nghĩa cử tử tế, tình người dành cho nhau và yêu thương không ngừng lan tỏa. Những “Phiên chợ 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng”, bếp ăn dã chiến phổ biến ở từng phường, xã. Và đâu chỉ có chuyện cứu người, chữa bệnh, lo thực phẩm, thuốc men trong khu phong tỏa giữa đại dịch.

Anh Nguyễn Văn An (một tình nguyện viên) chia sẻ: “Để bệnh nhân COVID-19 lạc quan, vui vẻ, bác sĩ ở huyện Chợ Mới đã bày trò chơi lô tô vui nhộn trong khu điều trị khiến ai cũng thích thú. Giữa trời nắng gắt vùng biên giới An Phú, một phụ nữ đứng chờ lấy mẫu test vẫn với tay quạt cho cán bộ làm nhiệm vụ. Trên những đoạn kênh hay đường đồng vắng vẻ, không mấy ai biết những bô lão dẫn bộ chiếc xe đạp hay trầm mình dưới dòng nước kéo xuồng chở các loại thuốc nam về bào chế hỗ trợ bệnh nhân xông điều trị… Cái đẹp ở khắp nơi và hiện hữu giản dị như thế”.

Hỗ trợ tiêu thụ nông sản giúp nông dân và gửi tặng khu phong tỏa

Những ngày giãn cách xã hội, đối với bà Huỳnh Kim Trang (một viên chức về hưu ở TP. Long Xuyên) vẫn bận rộn vì liên tục soạn nguyên liệu giúp nhóm từ thiện phát cơm. Bà Trang dành sự quan tâm đặc biệt với truyền thông, nhất là tìm đọc và chia sẻ những thông tin tích cực.

“Ngày nào tôi cũng theo dõi tình hình từ Cổng thông tin của tỉnh, Báo An Giang, rất kịp thời và đầy đủ. Giữa bức tranh u ám, truyền thông đã góp phần vực dậy sự lạc quan trong lòng mọi người, đưa những câu chuyện đẹp ở khắp mọi nơi để lan tỏa tình đoàn kết, việc nhân văn. Người già may khẩu trang, người khỏe mạnh làm từ thiện, vào vùng phong tỏa. Đến trẻ em cũng vẽ tranh cổ vũ tinh thần, nhà chùa trở thành bếp ăn lớn phục vụ các điểm cách ly, còn cán bộ, công chức đẫm mồ hôi khuân vác nông sản gửi đến tâm dịch… Có thể thấy, không một ai đứng ngoài cuộc chiến này. Mỗi người sẽ chiêm nghiệm về một năm qua theo cách riêng, bao gồm từ góc nhìn và thông điệp từ những người làm báo”.

Giữa muôn ngàn nỗi đau mà cả nhân loại đã phải trải qua năm 2021, có thể thấy một điểm chung, đó là sự đồng cam cộng khổ, đùm bọc lẫn nhau. Không chỉ riêng tỉnh An Giang hay một vùng, miền nào trên đất nước hình chữ S, mọi người cùng dìu dắt nhau vượt qua cơn dịch bệnh. Khoảng thời gian COVID-19 hoành hành khốc liệt nhất là lúc chúng ta được chứng kiến thật nhiều những hình ảnh đẹp của nhân dân cả nước. Không biết khi nào đại dịch COVID-19 đi qua và sẽ kết thúc trong ngữ cảnh nào nhưng sau giông bão, tình người, tình thương là thứ sẽ ở lại, tồn tại mãi mãi.

MỸ HẠNH