Phiên họp 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)
Các cơ quan của Quốc hội trả lời 62/62 kiến nghị cử tri được gửi đến. Nhiều vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, gắn kết chặt chẽ với hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Nhiều giải pháp hữu hiệu
Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, đã giải quyết và trả lời 2.057 kiến nghị; đang tiếp tục giải quyết, trả lời đối với 467 kiến nghị thuộc thẩm quyền. Các kiến nghị cử tri đã được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tập trung nghiên cứu giải quyết, có nhiều giải pháp hữu hiệu để nâng cao năng lực, chất lượng quản lý, điều hành trên các lĩnh vực quản lý nhà nước.
Với các cơ quan Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đã giải quyết, trả lời 32/32 kiến nghị; trong đó, đã trả lời về giải pháp để giải quyết các đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của pháp luật; hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự có vướng mắc ở một số địa phương…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc tập hợp, tổng hợp kiến nghị cử tri và giải quyết kiến nghị cử tri còn một số hạn chế. Báo cáo của Ban Dân nguyện cho thấy, về giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri, một số bộ, ngành trả lời còn chưa đúng thời hạn theo quy định như Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nội dung trả lời cử tri của một số bộ, ngành còn chưa đầy đủ, như việc cử tri Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Xây dựng cần tăng cường công tác kiểm tra cấp phép xây dựng công trình cao tầng tại trung tâm các đô thị nhưng khi trả lời cử tri, Bộ Xây dựng chưa đề cập các giải pháp cụ thể về tăng cường công tác kiểm tra cũng như việc tổ chức kiểm tra việc cấp phép xây dựng công trình cao tầng tại trung tâm các đô thị.
Các cơ quan của Quốc hội trả lời 62/62 kiến nghị cử tri được gửi đến. Nhiều vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, gắn kết chặt chẽ với hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành chưa chặt chẽ, không kịp thời cho nên một số kiến nghị cử tri chưa được giải quyết, như trường hợp cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị Bộ Tài chính sớm ban hành Thông tư quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với phí thẩm định các đồ án quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong quá trình triển khai thu, nộp, quản lý và sử dụng loại phí này.
Cần những Hướng dẫn rõ ràng
Cử tri tỉnh Bến Tre đề nghị làm rõ khái niệm “Khu dân cư” tại Thông tư số 02 của Bộ Công thương quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió để có cơ sở áp dụng.
Qua giám sát cho thấy, tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư số 02 quy định: “Công trình điện gió phải nằm cách xa khu dân cư ít nhất 300m”. Tuy nhiên, trong Thông tư này chưa giải thích khái niệm “Khu dân cư”, bên cạnh đó pháp luật cũng chưa có quy định thống nhất thế nào là “Khu dân cư” nên các địa phương gặp khó khăn khi triển khai thực hiện. Kiến nghị Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, hướng dẫn để các địa phương có cơ sở áp dụng thống nhất về khoảng cách an toàn giữa “Khu dân cư” và công trình điện gió...
Phát biểu tại phiên họp 16, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu cho biết, cử tri ở vùng nông thôn lo ngại các mặt hàng nông sản chủ lực vẫn còn gặp tình trạng giá cả không ổn định, giá vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón, thức ăn chăn nuôi duy trì ở mức cao, chi phí đầu vào tăng cao phụ thuộc lớn vào thị trường xuất khẩu, nhất là Trung Quốc; một số sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, thiếu đầu ra ổn định.
Cử tri, nhân dân mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là với những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền.
Ông Lê Tiến Châu cũng cho biết, cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội vẫn còn chậm do thời gian giao vốn chậm. Vấn đề quan trọng nữa là đề nghị Chính phủ sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phù hợp tình hình phát triển của xã hội và tình hình tăng giá, tránh tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng trong thời gian vừa qua.
Cử tri, nhân dân mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là với những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, pháp luật; đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để không thể tham nhũng, tiêu cực...
Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết: Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, trong tháng 9/2022, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng so với tháng trước. Tình hình khiếu kiện vẫn diễn biến phức tạp.
Qua thảo luận, các ý kiến của ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan ghi nhận và đánh giá cao: Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền sớm triển khai, thực hiện các nội dung kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”.
Qua đó, các cơ quan đã thực hiện nghiêm, đầy đủ các nội dung, nhất là những vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể, những vấn đề bức xúc trong xã hội được cử tri và nhân dân quan tâm đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị tại Báo cáo công tác dân nguyện hằng tháng. Bên cạnh đó, đã chủ động phối hợp các cơ quan chức năng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với thế lực phản động, lợi dụng một số vụ việc khiếu kiện đông người để lôi kéo, kích động, gây phức tạp về an ninh trật tự, vi phạm pháp luật.
Theo THÁI ANH (Nhân Dân)