Ngọt ngào bông lan đường

12/03/2023 - 08:52

 -  Dường như, đây là món bánh độc nhất vô nhị ở xứ Thạnh Mỹ Tây (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang). Trên mạng Internet cũng không hề có thông tin về loại bánh dân gian này. Mấy chục năm nay, bánh được nhiều nơi ưa chuộng, nhưng chủ yếu vào dịp đám hỏi, đám cưới.

Ngày hội “Bánh dân gian” đang được diễn ra ở xã Thạnh Mỹ Tây. Trong hàng trăm món bánh, chúng tôi bị những chiếc bánh sặc sỡ này níu chân lại. Chúng giống bánh kem, nhưng không phải. Người bán giải thích, tên gọi của chúng là bánh bông lan đường.

Tên gọi đơn giản ấy khái quát cơ bản thành phần của chiếc bánh. Phần đế là bánh bông lan như bao loại bánh bông lan khác. Còn phần sặc sỡ giống như kem lại là đường, đã cứng lại sau khi trang trí.

Khu vực trưng bày của gian hàng bánh có hạn, người bán dặn chúng tôi ghé tiệm bánh cách đó không xa, để xem nhiều loại bánh bông lan đường khác. Tiệm bánh ở miền quê cũng nhỏ xíu, nhưng ngập tràn màu sắc của những chiếc bánh bông lan đường.

Bánh được tạo hình từ những chiếc khuôn mới lẫn cũ, đủ kích thước như thế này. Ngoài ra, tiệm còn làm chiếc bánh hình con rồng, được nặn bằng tay, chứ không có khuôn mẫu.

Đường dùng để trang trí bánh là hỗn hợp đường, trứng và phẩm màu thực phẩm xay nhuyễn, nhìn thoáng qua y hệt như kem trên bánh kem. Tất cả được đánh bằng máy, nhằm đảm bảo tỷ lệ phù hợp. Đường lỏng quá hoặc đặc quá đều không thể trang trí bánh.

Người làm ra bánh bông lan đường là bà Phạm Thị Trúc (sinh năm 1975). Bà không rõ loại bánh này xuất xứ từ đâu, do ai nghĩ ra, nhưng khi bà về làm dâu, thì bà ngoại chồng đã truyền nghề cho mẹ chồng. Mẹ chồng mất, bà Trúc trở thành người kế thừa món bánh “gia truyền” này.

Chiếc bánh có tạo hình thế này gọi là “giỏ lam”. Bà Trúc khẳng định, hầu như món bánh do gia đình bà “độc quyền” thực hiện và cung cấp cho thị trường. Người dân xa gần đặt bánh số lượng lớn, dùng vào dịp đám hỏi, đám cưới, đám giỗ… mang lại nguồn thu nhập ổn định cho tiệm.

Cách “bắt bánh” tương tự như bắt bánh kem, nhưng khó ở chỗ, phải đều tay để kịp tốc độ khô của đường. Còn về màu sắc, tạo hình trang trí đều phụ thuộc thẩm mỹ của người thợ, không có bất kỳ quy định cụ thể nào.

Mỗi chiếc bánh nhỏ được bắt trong vài phút, chờ thêm vài phút nữa đường khô lại, có thể đóng gói giao cho khách. Cặp bánh cá có giá chưa đến 200.000 đồng, còn những chiếc bánh nhỏ chừng 10.000 – 20.000 đồng/chiếc.

Màu sắc tươi sáng giúp bánh bông lan đường khẳng định “vị thế” trong đám tiệc. Gia đình bà Trúc có khi làm đến mười mấy mâm bánh mỗi ngày.

Theo quy ước, 1 mâm bánh gồm 12 chiếc bánh nhỏ, 1 cặp cá và 1 "giỏ lam",  giá 250.000 đồng. Nếu được bảo quản ở nhiệt độ thường, bánh sẽ hết hạn sau 1 tuần. Vị ngọt mềm của bánh bông lan hòa quyện cùng vị ngọt ngào cứng cáp của đường tạo thành hương vị nửa lạ nửa quen, khá quện đầu lưỡi.

27 năm về làm dâu, cũng là 27 năm bà Trúc theo nghề. “Cực khổ lắm, tôi làm bánh suốt ngày suốt đêm mới kịp giao. Bù lại, vừa có thể trông coi nhà cửa, đỡ đi làm thuê mướn. Muốn gắn bó với nghề lâu dài thì phải thật sự yêu nghề. Giờ, con dâu tôi bắt đầu làm bánh cùng tôi, xem như thế hệ thứ 4. Gia đình không truyền nghề cho người ngoài, nên tôi mong, con cháu vẫn tiếp nối, để bánh bông lan đường vẫn xuất hiện đều đặn trên thị trường” – bà Trúc chia sẻ.

KHÁNH ĐĂNG