Người dân làng bè đón Tết ở vùng đất mới

04/02/2022 - 07:50

 - Gió chướng hanh hanh thổi vào từ sông Hậu mang theo hơi lạnh mơn man. Một mùa xuân nữa lại về… Người dân làng bè Cồn Cát (xã Phước Hưng, huyện An Phú, tỉnh An Giang) chộn rộn biết bao nỗi niềm, vừa lo toan cho cuộc mưu sinh, vừa kỳ vọng năm mới sẽ có thêm điều mới mẻ nơi vùng đất mới.

 

Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang động viên người dân làng bè di dời để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19

Di chuyển làng bè từ xã Khánh An về Cồn Cát (xã Phước Hưng)

Chính quyền địa phương kéo điện lưới để người dân làng bè thắp sáng, sinh hoạt

Gia đình ông Thành tụ họp xem tin tức giải trí trên truyền hình

Người dân làng bè hy vọng cuộc sống trong năm mới sẽ sung túc hơn

Di dời chống dịch

Từ tháng 8-2021, tình hình dịch bệnh ở xã Khánh An và thị trấn Long Bình diễn biến rất phức tạp. Trong đó, làng bè trên sông Hậu (ấp An Hòa, xã Khánh An) được xem là một trong các “ổ dịch” nguy hiểm. Để đảm bảo sức khỏe cho người dân, hạn chế dịch bệnh lây lan, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện An Phú với sự hỗ trợ của Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức di dời giãn cách các hộ sinh sống trên ghe, bè đến nơi an toàn để đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch và ổn định đời sống dân sinh. Đa số hộ dân đồng thuận với chủ trương di dời và tích cực phối hợp để việc di dời đến Cồn Cát (xã Phước Hưng) để đảm bảo công tác dập dịch.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện An Phú Ngô Công Thức yêu cầu lực lượng làm nhiệm vụ, trong quá trình di dời đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản nhân dân. Khi phương tiện đến nơi neo đậu an toàn, nhanh chóng kéo điện và hỗ trợ nước sạch, lương thực, thực phẩm để người dân sử dụng… Đại tá Đinh Văn Nơi (Giám đốc Công an tỉnh An Giang) trực tiếp có mặt chỉ đạo công tác di dời làng bè, yêu cầu phải tập trung hỗ trợ người dân di dời về nơi ở mới để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch…

Do mỗi chiếc bè (ghe) là tài sản, như ngôi nhà của hộ gia đình, nên việc di chuyển phải đảm bảo an toàn trên suốt khúc sông từ Khánh An về Quốc Thái. “Quãng đường di dời hơn 10km, qua nhiều khúc sông, nhiều khi gió đổi hướng rất nguy hiểm. Chúng tôi phải phối hợp chặt chẽ, tiến hành lai dắt cẩn thận, để đảm bảo di chuyển phương tiện và tài sản người dân đến nơi neo đậu an toàn”- một cán bộ công an chia sẻ.

Đón Tết ở vùng đất mới

Qua cầu khỉ xuống bè, tôi đã nghe vang vang tiếng nhạc sập sình từ chiếc ti-vi trên bè đậu cách đó không xa. Mấy em bé ngồi trước “phòng khách” của chiếc bè đang mở tivi nghe nhạc giải trí làm rộn vui khúc sông quê!

Sắp bước qua cái tuổi “Thất thập cổ lai hy” nhưng ông Nguyễn Văn Thành có hàng chục năm sống kiếp thương hồ “gạo chợ, nước sông”. Trước đây sinh sống, làm ăn ở Campuchia rồi về Khánh An sống hơn 5 năm nay. Do làm thuê, mướn kiếm sống qua ngày, nên gia đình ông với 8 nhân khẩu phải sống trên 2 chiếc ghe làm nhà để ở. “Về đây, chúng tôi được chính quyền gắn điện đầy đủ để sinh hoạt. Trên bè có đủ ti-vi, quạt điện, nồi cơm điện để sử dụng. Hầu hết tất cả các hộ dân đều sống bằng làm thuê, mướn”.

Hỏi về chuyện Tết nhứt, đôi mắt ông Thành đượm buồn: “Dịch bệnh thiệt ngặt, đã nghèo rồi còn mắc thêm cái eo! Bình thường đi làm kiếm tiền sống qua ngày. Dịch bệnh, không làm được gì. May nhờ có địa phương cho gạo, thực phẩm, nếu không có thiệt chẳng biết phải làm sao!”. Một số hộ ở đây có con cháu đi làm ăn ở các tỉnh gửi tiền về hàng tháng. Nhưng do dịch bệnh nên công việc rất bấp bênh, nghỉ nhiều ngày mà không có việc làm. Đứa đi làm hồ thì 1 ngày làm, 3-4 ngày nghỉ. Cuộc sống vì thế càng thêm khó!

“Mấy năm trước, Tết nhứt vui lắm. Cũng chưng mai, cúc, hạnh, vạn thọ… mua bánh, mứt đủ thứ. Ai nghèo gì cũng mua được mớ thịt ba rọi về kho hột vịt. Anh em, con cháu tụ họp mừng Tết bên chung trà, ly rượu. Đám trẻ thì đi chơi với bạn bè trên bờ. Còn người lớn thì ai muốn đi lòng vòng cứ đi, còn không thì tới lui trong làng bè chúc Tết. Tết trên sông nước không đủ đầy, nhưng cũng trọn vẹn, nghĩa tình lắm” - ông Trần Văn Phong kể lại.

Ngồi trên bè trò chuyện, bên dưới sóng vỗ oàm oạp vào mạn ghe. Ông Tám (một người dân ở làng bè) cho biết, trước đây, ở Khánh An ít sóng gió hơn, do nhiều bè đậu, xung quanh còn có bè cá. Về đây, chỉ đậu 2-3 bè, lòng sông rộng nên sóng gió nhiều hơn. “Mùa này sóng gió nhiều hơn một tí. Nhưng tụi tôi cũng ráng, để đảm bảo an toàn dịch bệnh và chấp hành chủ trương mình phải di dời. Tình hình dịch bệnh nên khó khăn chung mà. Năm đầu tiên về đây xem như “vạn sự khởi đầu nan”. Chờ dịch bệnh ổn định rồi đi mần kiếm tiền, phục hồi trở lại. Mình còn khỏe làm được hết”!

Bà con ở làng bè vui mừng khi đã được địa phương tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19. Để chia sẻ khó khăn, MTTQ và các tổ chức, đoàn thể thường xuyên hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm để bà con vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo UBMTTQVN huyện An Phú, làng bè hiện có 71 hộ (3 hộ cận nghèo), gồm: 26 bè ở và 54 ghe ở với 143 nhân khẩu. Bước đầu, đã hỗ trợ 5,2 tấn gạo, gần 3 tấn rau, củ, quả, với tổng trị giá trên 83 triệu đồng… Hướng tới, huyện An Phú dự kiến có phương án đầu tư Khu dân cư khu vực mương Tám Sớm (xã Quốc Thái), có thể xem xét bố trí cho người dân làng bè Phước Hưng và cả người dân có bè trên tuyến biên giới.

HỮU HUYNH