Mỗi giai đoạn phát triển của trẻ em, đặc biệt từ khi mới sinh tới lúc trưởng thành đều không thể vắng bóng sự quan tâm của cha mẹ. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái chính là động lực cơ bản thúc đẩy sự phát triển của trẻ nhỏ. Tuy vậy, hiện nay nhiều cha mẹ đang bối rối trong cách thức bày tỏ sự quan tâm của mình đối với con cái.
Chia sẻ về vấn đề này, TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội đã có những chia sẻ về quan điểm của mình. Theo bà, xã hội hiện đại kéo theo sự cô đơn của trẻ, đặc biệt, người lớn thường "bó tay" trước sự phát triển của xã hội và "ép khuôn" trẻ em bằng những thước đo cũ kỹ.
Trẻ em đang càng ngày càng cô đơn trong xã hội hiện tại. (Ảnh: IT)
"Trẻ em ngày càng cô đơn hơn, càng ngày phải tự mình học hỏi để thích nghi với một cuộc sống thay đổi cực kỳ nhanh chóng và thay đổi theo hướng mà bố mẹ cảm thấy không kiểm soát được, người lớn thì rất là hoang mang. Người lớn không học với cách để thích ứng với cuộc sống bây giờ, người lớn hay mang những giá trị cũ ra để dạy cho trẻ con, gây thất vọng cho trẻ con. Minh thấy như thế là không công bằng.
Bố mẹ thì lại không chịu học, người lớn không chịu học, đem cách sống cũ kỹ của mình để ép khuôn trẻ em vào những khuôn khổ. Người lớn cho trẻ em ăn sung mặc sướng rồi nghĩ là đã hết long vì nó rồi, trẻ em không chỉ đòi hỏi, không chỉ trông đợi vào vật chất. Sự giao tiếp hàng ngày, chia sẻ, hiểu biết của bố mẹ cũng giúp cho trẻ em có người đồng hành. Đó cũng chính là lý do càng ngày càng có nhiều trẻ em dính vào bạo lực, ma túy… Bởi không có người lớn đồng hành, trẻ em không biết phải làm như thế nào cả trong một xã hội đang biến đổi chóng mặt" - Bà Hồng nhận định.
TS Khuất Thu Hồng cho rằng hiện nay có nhiều bậc cha mẹ cảm thấy có lỗi vì đã không dành được thời gian cho con, nên con đòi hỏi gì đều đáp ứng ngay, cho tiền tiêu một cách thoải mái. Phụ huynh nghĩ như vậy thì mình một phần nào đỡ áy náy, nhưng thực sự cái trẻ em cần không phải là tiền bạc mà chính là sự quan tâm, gần gũi của cha mẹ.
"Nhìn ở góc độ vĩ mô, ở Việt Nam việc đầu tư cho trẻ em phát triển toàn diện là một điều rất là đáng bàn. Tôi thấy cả HN và HCM, thì việc đầu tư cho trẻ em đang cực kỳ thiếu. Đang rất thiếu các trung tâm thể thao, nhà văn hóa, trung tâm vui chơi cho trẻ em miễn phí hoặc chi phí thấp để cho sức lan tỏa tới toàn bộ các trẻ em dù cha mẹ chúng có là thành phần xã hội nào đi chăng nữa.
Ở nông thôn, chương trình nông thôn mới đâu nhắc gì tới trẻ em, những cái nhà văn hóa xây lên to đùng nhưng trẻ em lại không được tiếp cận, trẻ em thành phố thì phải đá bóng ở ngoài đường. Có rất nhiều các hoạt động dành cho trẻ em, nhưng vấn đề người lớn có nghĩ tới trẻ em hay không mà thôi" - Bà Hồng đặt vấn đề.
Theo ĐINH ĐANG (Dân Việt)