Đám tang một hành khách thiệt mạng trên chuyến bay JT610. Ảnh: Xinhua.
"Tôi nghe nói chuyến bay trước đó từ Bali đã có vấn đề, tại sao chiếc máy bay vẫn được phép cất cánh", Fendy, 43 tuổi, ngồi bên lề đường một bệnh viện cảnh sát ở Đông Jakarta, Indonesia, bày tỏ nỗi bức xúc với hãng hàng không Lion Air, theo Guardian.
Lần cuối Fendy gặp vợ là Mawar Sariarti khi anh chở cô tới sân bay vào sáng 29-10, trước khi Sariarti đáp chuyến bay JT610 của Lion Air. Chiếc máy bay chở 189 người lao xuống vùng biển Java chỉ 13 phút sau cất cánh.
"Ngành hàng không Indonesia không thèm quan tâm tới mạng sống của mọi người, không coi tính mạng ai ra gì", Fendy nói. "Họ không nên cố bào chữa rằng đó là lỗi của máy bay mới. Đáng nhẽ họ không được phép cho máy bay cất cánh".
Chiếc Boeing 737 MAX mới được hãng hàng không giá rẻ Lion Air của Indonesia đưa vào vận hành từ giữa tháng 8. Trước khi gặp nạn, chiếc máy bay này đã thực hiện hành trình từ Bali tới Jakarta vào đêm 28-10 và phi công đã thông báo về trục trặc kỹ thuật của phi cơ. Sau khi máy bay hạ cánh xuống Jakarta, kỹ thuật viên của Lion Air đã kiểm tra và kết luận máy bay đủ điều kiện bay tiếp.
Năm ngày sau vụ tai nạn, nỗi đau mất đi thân nhân của các gia đình Indonesia đã chuyển thành sự giận dữ, khi nhà chức trách vẫn chưa đưa ra câu trả lời về nguyên nhân và người chịu trách nhiệm cho thảm họa.
Trong cuộc họp báo được tổ chức hôm 2-11, họ có cơ hội lần đầu tiên đối mặt với đại diện của Lion Air, khi người này thông báo về việc tìm thấy hộp đen và kêu gọi thân nhân kiên nhẫn.
"Các anh có thể công bố thông tin hộp đen, nhưng đó không phải cái chúng tôi muốn nghe", một người thân nạn nhân lên tiếng. "Nếu thực sự quan tâm đến chúng tôi, đừng có tỏ ra quá tự hào về việc tìm thấy hộp đen".
"Kết quả điều tra không quan trọng với chúng tôi. Điều quan trọng là khi nào sẽ kết thúc việc này?", người tiếp theo lên tiếng. "Chúng tôi được phép nhìn thấy tình trạng xác không? Không. Chúng tôi chỉ biết quanh quẩn ở đây".
Tính đến hôm qua, trong số 73 túi đựng mảnh thi thể được chuyển tới bệnh viện, các chuyên gia pháp y mới nhận dạng được 4 nạn nhân, chủ yếu nhờ dấu vân tay, dấu vết sinh trắc học và vật dụng trên người họ.
"Các anh có ghép được các mảnh thi thể với nhau không?", một người nhà một nạn nhân lo lắng hỏi. "Tất cả chúng tôi chỉ muốn quá trình này nhanh hơn".
Theo Hồi giáo, tôn giáo lớn nhất ở Indonesia, thi thể người chết là thiêng liêng và phải được tắm rửa, chôn cất càng sớm càng tốt, điều bất khả thi đối với những phần thi thể tìm được dưới biển.
Hải quân Indonesia nghỉ ngơi sau khi trục vớt bánh xe chiếc Boeing 737 MAX từ đáy biển hôm 2-11. Ảnh: AFP.
Hôm 2-11, Bộ Giao thông Indonesia cho biết đã tìm thấy lỗi nhỏ trên hai chiếc máy bay Boeing 737 MAX khác, bao gồm vấn đề ở phần hiển thị tại buồng lái. Cơ quan này đang kiểm tra 10 máy bay mới của Lion Air.
Các nhà điều tra cho hay có thể mất vài tuần hoặc có thể lâu hơn nữa để xác định nguyên nhân thực sự của vụ tai nạn, bởi hộp đen ghi dữ liệu hành trình bay mà họ tìm được đã bị hư hỏng nặng và cần xử lý đặc biệt để bảo tồn dữ liệu.
Trong lúc đó, những người như Marsudi, bố của cô Cici Ariskia, vẫn phải chờ đợi. Cô mới 24 tuổi, cùng chồng mới cưới là Chandra đi nghỉ mát ở Bali và Jakarta trước khi đáp chuyến bay JT610 về Bangka. Những hình ảnh cuối cùng trên Facebook của CiCi là hai vợ chồng trong áo sơ mi đôi màu hồng, đứng trước máy bay Lion Air trên đường băng.
Theo HỒNG HẠNH (VnExpress)