Người tiêu dùng cần trang bị kiến thức gì?

22/03/2018 - 07:19

 - Đó là thói quen tìm hiểu kỹ thông tin trên nhãn mác, bao bì, thông tin nhà sản xuất (NSX), hướng dẫn sử dụng an toàn. Khi phát hiện quyền lợi của mình bị xâm hại hoặc ảnh hưởng không tốt đến cộng đồng, cần mạnh dạn phản ánh đến NSX, đơn vị có chức năng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) để trao đổi thông tin, tìm ra nguyên nhân và phương án giải quyết.

Cần công khai, minh bạch

Là tiến sĩ chuyên ngành Luật Tư pháp, ông Trần Lê Đăng Phương, Phó Trưởng khoa Luật và Khoa học chính trị (Trường Đại học An Giang) kể lại những câu chuyện cho thấy sự dễ dãi, “vô tư” đến đáng ngại của một bộ phận không nhỏ NTD.

“Tôi gặp một người quen, chị vừa ăn xong hộp sữa chua. Ngồi nói chuyện một lúc, chị cầm vỏ hộp lên coi thì phát hiện… hết hạn sử dụng. Chị cho biết, do mua chỗ quen nên chị không kiểm tra kỹ sản phẩm. Đây là minh chứng cho thấy nhiều NTD quá tin tưởng người bán, NSX”- TS Phương nhận xét.

Ông Phương cho biết thêm, ngoài lỗi vô ý, cả tin của NTD, có những NSX còn cố tình gian dối thông tin hoặc cung cấp thông tin mập mờ, không đầy đủ về sản phẩm nhằm thu lợi bất chính.

“Đa phần các loại sữa hộp đều là sữa hoàn nguyên nhưng một số NSX lại gắn mác sữa tươi 100%, kiếm lời cả chục lần. Nếu là sữa tươi 100%, phải được vắt trực tiếp từ bò sữa, sử dụng ngay hoặc bảo quản lạnh trong thời gian ngắn. Trong khi đó, sữa hộp được bảo quản ở nhiệt độ thường lên đến vài tháng.

Trường hợp khác, có NSX mì gói kèm ghi chú “Sử dụng an toàn cho trẻ em”. Tuy nhiên, NSX lại không có khuyến cáo trẻ em ăn bao nhiêu gói mì trong 1 tuần là ngưỡng an toàn. Khuyến cáo không đầy đủ có thể dẫn đến trẻ ăn mì gói vô tội vạ, ảnh hưởng đến sức khỏe và phát triển thể chất”- TS Phương phân tích và chia sẻ thêm.

"Khi nghe quảng cáo về sản phẩm, NTD cần bình tĩnh xem xét, tránh mua phải hàng kém chất lượng, giả thương hiệu nổi tiếng. Làm gì có chuyện đồng hồ Rolex giá 1-2 triệu đồng, mua 1 tặng 1. Hoặc làm sao loại “nước hoa cao cấp Paris” có giá cả triệu đồng tại Pháp mà về đến Việt Nam còn… 250.000 đồng?”.

Không để “chuyện bé xé ra to”

Đó là lời khuyên dành cho thương nhân, NSX khi nhận được phản ánh của NTD về chất lượng sản phẩm. TS Trần Lê Đăng Phương so sánh 2 câu chuyện xảy ra ở Hà Nội và Bến Tre để cho thấy hiệu ứng khác nhau trong cách hành xử của thương nhân và NTD.

“Ở Hà Nội, có trường hợp 1 anh mua sữa về cho con uống, đứa bé bị tiêu chảy. Anh mang hộp sữa ra khiếu nại nơi bán thì người quản lý cửa hàng không chịu giải quyết vì cho rằng sữa còn hạn sử dụng. Trong lúc giằng co, anh này nóng giận lôi 7 hộp sữa của cửa hàng đổ ra đường.

Kết quả, khách hàng bị truy cứu trách nhiệm về tội hủy hoại tài sản, còn cửa hàng bị NTD tẩy chay. Ngược lại, ở Bến Tre, có khách hàng mua thùng sữa Vinamilk về sử dụng, khi pha thì phát hiện sữa lên men.

Nhận được phản ánh của khách hàng, dù cửa hàng kiểm tra thấy sữa bình thường nhưng vẫn báo về NSX. Khoảng 5 giờ sau, đoàn công tác của Vinamilk đã tức tốc xuống tới, gặp khách hàng để tìm hiểu nguyên nhân.

Dù kết luận lỗi không phải do khâu sản xuất mà do quá trình bảo quản không tốt, đại diện Vinamilk vẫn xin lỗi, chấp nhận bồi thường cho khách hàng.

Trước thái độ cầu thị của NSX, khách hàng chấp nhận đổi thùng sữa khác và kết quả là được Vinamilk tặng thêm thùng sữa nữa để cám ơn vì đã phản ánh thông tin”- TS Phương chia sẻ.

Ông Tạ Minh Sơn, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh An Giang, kể lại câu chuyện tương tự về một doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia, khi nghe NTD phản ánh về chất lượng sản phẩm đã lập tức xuống tìm hiểu nguyên nhân, xử lý thỏa đáng, được khách hàng đồng thuận và tiếp tục ủng hộ sản phẩm.

TS Phương cho rằng, khi nhận được phản ánh của NTD, thương nhân và NSX cần cầu thị lắng nghe, tìm hiểu và giải quyết khéo léo, mềm dẻo.

"Khi gặp phải sản phẩm kém chất lượng, không vừa ý, NTD thường bực bội. Nếu người bán, NSX còn đổ lỗi cho NTD chỉ khiến họ thêm nóng giận, có thể phát tán thông tin bằng nhiều cách, thiệt hại thuộc về NSX nhiều hơn”- TS Phương phân tích.

Đối với NTD, ông cũng lưu ý, cần hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình để hành xử đúng mực. “Vụ án “con ruồi trong chai nước” là một bài học về cách hành xử. Khách hàng bị vướng vòng lao lý khi dùng chai nước có ruồi dọa NSX chi tiền, còn doanh nghiệp cũng mắc sai lầm khi dùng luật để “ăn thua đủ” với NTD.

Hậu quả là doanh thu của doanh nghiệp giảm mạnh, thiệt hại kinh tế rất lớn. Nếu NSX chịu khó lắng nghe phản ánh, giải thích rõ với NTD thì mọi chuyện đã tốt đẹp hơn”- TS Phương lưu ý.

Người tiêu dùng cần trang bị kiến thức gì?

Người tiêu dùng cần trang bị kiến thức gì?

Nên tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm trước khi mua sắm

“Ở Thái Lan, NSX tạo dựng niềm tin nơi NTD dựa vào uy tín thương hiệu, chất lượng sản phẩm, công khai, minh bạch về thông tin. Còn ở Việt Nam, không ít NSX lại dựa vào lòng trắc ẩn, sự bao dung, cả tin của NTD để bán hàng. Đó là vấn đề cần thay đổi nếu hàng Việt muốn đứng vững trước làn sóng hội nhập”- TS Trần Lê Đăng Phương nhận xét.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN