Người trẻ mang giấc mơ nâng cao giá trị nông sản

08/02/2024 - 07:53

 - Giàu tiềm năng, thế mạnh nhưng chịu “áp lực” cạnh tranh, tính liên kết còn hạn chế là hiện trạng của mặt hàng nông sản. Đã có nhiều người trẻ tâm huyết sáng tạo ra sản phẩm chất lượng góp phần nâng tầm nông sản Việt. Không khó để thấy ngày càng nhiều bạn trẻ chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao nhằm mang lại giá trị kinh tế cao hơn trên cùng một loại nông sản.

Bỏ phố về quê trồng nấm rơm

Từng có công việc với mức lương ổn định tại TP. Cần Thơ nhưng với ước mơ lập thân, lập nghiệp trên mảnh đất quê hương, vợ chồng chị Nguyễn Hoàng Ngọc Yến (sinh năm 1990, ngụ xã Phú Hưng, huyện Phú Tân) đồng lòng về quê mở trại trồng nấm rơm.

Trải lòng về quyết định lập nghiệp của mình, chị Ngọc Yến tâm sự: “Thời gian làm việc tại TP. Cần Thơ, vợ chồng tôi đã học, tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ nghề trồng nấm rơm. Quê tôi, nguồn rơm dồi dào vì là xứ nếp và lúa. Hơn nữa, bà con theo đạo Phật giáo Hòa Hảo thường ăn chay nên tôi nghĩ, trồng nấm rơm rất thuận lợi”.

Nấm rơm được trồng bằng công nghệ cao của chị Nguyễn Hoàng Ngọc Yến

Ban đầu, người thân của chị không tán đồng vì cho rằng, đã có quá nhiều người trồng nấm rơm ở xứ này. Song, chị Ngọc Yến vẫn tin vào quyết định bản thân. Bởi, ở quê chị, đa phần nông dân đều trồng nấm rơm theo cách truyền thống. Còn chị thì trồng nấm rơm công nghệ cao. Nhà nấm được xây kín, bên trong có giá 3 tầng bằng sắt để trồng nấm, cùng nhiều thiết bị máy móc hiện đại nhằm duy trì độ ẩm, nhiệt độ thích hợp giúp nấm phát triển.

“Nấm trồng trong nhà khắc phục hầu hết các nhược điểm của cách trồng truyền thống. Đó là ít tốn diện tích, giá thể rơm, khống chế nấm bệnh và điều chỉnh được nhiệt độ, độ ẩm thích hợp, có thể trồng được 15 - 16 vụ mỗi năm (nhiều năng suất và rút ngắn thời gian hơn so với cách trồng truyền thống)…

Hiện, tôi có 2 trại trồng nấm, với diện tích 500m2. Nấm rơm trồng khoảng 20 - 22 ngày có thể thu hoạch. Mỗi ngày, tôi thu hoạch từ 10 - 15kg nấm. Những đợt rộ, nấm thu hoạch đến 20 - 25kg/ngày. Đầu ra của sản phẩm rất ổn định. Ngoài bán cho khách quen tại các chợ truyền thống, tôi còn bán theo đơn đặt hàng của khách ở xa, với giá 70.000 - 85.000 đồng/kg” - chị Ngọc Yến chia sẻ.

Không dừng lại ở đó, ước mơ nâng tầm nông sản từ nấm rơm đã thôi thúc chị Nguyễn Hoàng Ngọc Yến nghiên cứu, cho ra thị trường sản phẩm bánh phồng nấm rơm. Theo chị Ngọc Yến, sau những lần đi tham quan mô hình làm bánh phồng từ mít, khoai… ý tưởng làm bánh phồng nấm rơm lóe lên trong cô gái trẻ, nhiều năng lượng và đầy nhiệt huyết.

Nghĩ là làm, chị Ngọc Yến bắt đầu tận dụng nguồn nấm rơm nhà trồng để làm ra loại bánh phồng, nhằm đa dạng sản phẩm phục vụ những người ăn chay. Những ngày đầu thử nghiệm, sản phẩm không như mong đợi. Sử dụng bột không đúng, tỷ lệ bột và nấm rơm chưa tương xứng, canh lửa sai cách… là hàng loạt khó khăn chị Ngọc Yến phải vượt qua. Đã không ít lần có ý định bỏ cuộc song được sự khích lệ, động viên từ gia đình, bạn bè, chị Ngọc Yến tiếp tục con đường chinh phục sản phẩm “độc quyền” - bánh phồng nấm rơm.

Hiện, chị Ngọc Yến đã đầu tư thêm mấy sấy bánh phồng nhằm chủ động và rút ngắn thời gian trong quá trình làm bánh. “Trước đây, bánh phồng nấm rơm được phơi ngoài trời khoảng 1 ngày. Song, khi thời tiết không thuận lợi, mẻ bánh phồng tươi không đủ nắng sẽ bị hư. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư máy cắt và máy trộn để rút ngắn công đoạn làm bánh, giúp sản phẩm đồng đều, đảm bảo chất lượng, nhất là an tâm về độ an toàn, sạch sẽ” - chị Ngọc Yến mong muốn.

Hiện, Ngọc Yến đang xúc tiến đăng ký độc quyền cho sản phẩm. Giá bánh phồng nấm rơm được chị Yến bán với giá 25.000 đồng/100gr. Trong Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang lần thứ VII/2023 do Tỉnh đoàn phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh tổ chức, dự án “Bánh phồng nấm rơm” của chị Nguyễn Hoàng Ngọc Yến đã xuất sắc đạt giải nhất. Đó là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực nâng tầm giá trị nông sản của cô gái trẻ.

Mới mẻ quà tặng từ… lá sen

Bén duyên với các sản phẩm khởi nghiệp từ gỗ (làm tranh, quà lưu niệm), nay tên tuổi chàng trai Nguyễn Vũ Linh (sinh năm 1994, ngụ phường Thới Sơn, TX. Tịnh Biên) được nhiều người biết đến hơn. Nắm bắt nhu cầu sản phẩm quà tặng trên thị trường, anh Vũ Linh sáng tạo sản phẩm quà tặng, logo lưu niệm, văn phòng phẩm từ gỗ. Được Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh hỗ trợ vốn, anh Vũ Linh đầu tư máy móc, thiết bị.

Nhờ đó, từ chỗ chỉ bán vài sản phẩm lúc khởi nghiệp, đến nay anh đã lập xưởng bán hàng với doanh thu ổn định. Không muốn đi vào lối mòn, Vũ Linh luôn làm mới với những ý tưởng lạ, độc đáo. Và, quà tặng từ lá sen là sản phẩm mới, hứa hẹn được thị trường ưa chuộng trong thời gian không xa.

Nguyễn Vũ Linh ôm ấp giấc mơ khởi nghiệp với nhiều ý tưởng độc đáo

Những lần dạo chơi trên những cánh đồng sen quê hương, Vũ Linh thoáng nghĩ cây sen có nhiều công dụng, biểu tượng cho làng quê yên bình, sao không thử làm sản phẩm từ lá sen. Vũ Linh bắt đầu tìm hiểu thông tin về tranh lá sen. Vậy là, chàng thanh niên trẻ “tầm sư học đạo” ở thủ đô Hà Nội. Tại đây, Vũ Linh được người hướng dẫn, truyền đạt “công thức” chế biến, xử lý, bảo quản lá sen. Mang theo nhiều ước mơ, dự định về tranh lá sen cho vùng quê Bảy Núi, Vũ Linh bắt tay vào công đoạn đầu tiên đó là sơ chế lá sen. 

“Thực tế rất khác trên lý thuyết. Khi bắt tay sơ chế những lá sen đầu tiên, tôi thất bại rất nhiều. Ban đầu, tôi không xử lý được màu lá sen, bảo quản không tốt, lá sen hao hụt rất nhiều. Những bức tranh được làm từ lá sen hái vào buổi sáng sớm - lúc sen còn đọng sương và có gân lá tươi xanh. Tùy theo lá sen to, nhỏ mà tranh có kích cỡ khác nhau. Trải qua nhiều công đoạn, như: Tẩy màu lá sen, ngâm lá, pha màu mới, sấy… lá sen dùng làm tranh mới cơ bản hoàn thiện. Sau khi chọn được lá sen như ý cho bức tranh, là công đoạn vẽ bằng laser. Tùy vào yêu cầu của khách mà những bức tranh phong cảnh, chân dung, con vật sẽ được hình thành trên lá sen” - Vũ Linh cho biết.

Theo Vũ Linh, mỗi lá sen khi làm tranh được xử lý cầu kỳ, tỉ mỉ. Vì vậy, tranh có thời hạn sử dụng rất lâu, không mối mọt. Tùy vào kích thước và yêu cầu của khách hàng, tranh lá sen có giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng. Không dừng lại ở đó, Vũ Linh đang nghiên cứu thêm sản phẩm nón lá, quà lưu niệm nhằm đa dạng các sản phẩm từ lá sen. Thời gian tới, Vũ Linh sẽ kết nối các điểm du lịch ở Tịnh Biên, như: Khu du lịch núi Cấm, rừng tràm Trà Sư… để trưng bày, quảng bá sản phẩm, góp phần thu hút du khách. Hiện, những tác phẩm tranh từ lá sen của Vũ Linh đã được tiêu thụ và nhận được phản hồi khá tốt. Tín hiệu vui đó càng “tiếp thêm lửa” để những ý tưởng từ lá sen vươn xa.

“Những ý tưởng/dự án khởi nghiệp tuy còn ít so với tiềm năng của tỉnh, nhưng đã có sự sáng tạo, nhiều ý tưởng/dự án có giá trị kinh tế - xã hội, có thể ứng dụng rộng rãi, mang lại lợi ích cộng đồng. Qua đó, tạo động lực, khích lệ tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên, giúp các bạn tự tin và tiếp tục sáng tạo” - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Đỗ Minh Sang nhận định.

PHƯƠNG LAN