Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở

19/06/2024 - 06:42

 - Có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, sớm hơn 6 tháng, Luật Nhà ở 2023 có nhiều quy định mới. Trong đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh Việt Nam được sở hữu nhà ở, nếu còn giữ quốc tịch sẽ được bảo đảm đầy đủ quyền như cá nhân trong nước.

Hội nghị tuyên truyền, phổ biến nội dung liên quan đến người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản

Quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam

Nhà ở là nhu cầu thiết yếu không chỉ đối với công dân Việt Nam mà cả với người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Luật Nhà ở 2023 tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân là công dân Việt Nam, người nước ngoài sinh sống, lao động, nhập cảnh vào Việt Nam có chỗ ở hợp pháp. Điều 161 quy định, điều kiện để tham gia giao dịch nhà ở đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và không bắt buộc đăng ký cư trú tại nơi có nhà ở được giao dịch. Về hình thức, luật không quy định cụ thể cách thức người Việt Nam định cư ở nước ngoài có nhà ở tại Việt Nam như Luật Nhà ở 2014, mà quy định theo hướng dẫn chiếu đến pháp luật đất đai.

Điều này bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, thể hiện nguyên tắc lập pháp là Luật Nhà ở 2023 chỉ tập trung quy định về nhà ở, trong đó có sở hữu về nhà ở của các tổ chức, cá nhân; còn vấn đề liên quan đến đất ở, quyền sử dụng đất (QSDĐ) sẽ do Luật Đất đai điều chỉnh. Qua đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh Việt Nam sẽ được sở hữu nhà ở gắn với QSDĐ ở theo quy định của pháp luật về đất đai. Điều 8, Luật Nhà ở 2023 quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch; điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam là phải được phép nhập cảnh Việt Nam.

Kiều bào giữ quốc tịch Việt Nam được tiếp cận đất đai

Theo Luật Đất đai 2013, trường hợp có nhu cầu sử dụng đất nhằm mục đích để ở, tất cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài nói chung (không phân biệt có quốc tịch Việt Nam hay không) chỉ được nhận chuyển QSDĐ thông qua các giao dịch về nhà ở gắn liền với QSDĐ ở hoặc nhận QSDĐ ở trong các dự án phát triển nhà ở. Tại Khoản 3, Điều 4, Luật Đất đai 2024 quy định, người sử dụng đất bao gồm cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam. Do đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn giữ quốc tịch Việt Nam (công dân Việt Nam) sẽ có đầy đủ quyền như cá nhân trong nước, trong đó, có quyền tiếp cận về đất đai.

Cụ thể, Điều 28, Luật Đất đai 2024 quy định, được nhận QSDĐ thông qua nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế QSDĐ. Đây là quy định mới so với Luật Đất đai 2013. Luật Đất đai 2024 mở rộng quyền tiếp cận đất đai cho nhóm đối tượng sử dụng đất là người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn quốc tịch Việt Nam. Chính sách này thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước trong đối xử bình đẳng giữa các công dân Việt Nam trong và ngoài nước, không phân biệt nơi cư trú, sinh sống, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của kiều bào muốn gắn bó quê hương, muốn huy động nguồn lực đầu tư về Việt Nam.

Nhu cầu sở hữu nhà ở của kiều bào

Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có gần 6 triệu người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại 130 quốc gia, vùng lãnh thổ. Mặc dù kinh tế toàn cầu khó khăn, nhưng dòng kiều hối về Việt Nam vẫn duy trì trong nhóm 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới. Đến cuối năm 2023, có 421 dự án của kiều bào tại 29 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 1,7 tỷ USD.

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, có khoảng 4 triệu người muốn mua nhà ở Việt Nam trong tương lai, bao gồm người nước ngoài và Việt kiều. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang đổ mạnh và người nước ngoài đến sinh sống, làm việc lâu dài tại Việt Nam cũng tăng lên hàng năm. Hiện nay,  có gần 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có hơn 1 triệu người là thế hệ F2, F3 mang quốc tịch nước ngoài có bố, mẹ hoặc ông, bà là người Việt Nam. Có khoảng 600.000 - 700.000 doanh nhân, trí thức có trình độ cao, trong đó rất nhiều người, đặc biệt từ 60 tuổi trở lên, muốn trở về quê hương sinh sống, đầu tư, kinh doanh, gắn bó với quê hương. Do vậy, nhu cầu muốn có nhà ở quê hương để đi về hoặc ở lại làm việc, kinh doanh, học tập của kiều bào là rất lớn.

Luật gia Trần Bửu Tài, Ủy viên thư ký Hội Luật gia tỉnh An Giang cho biết, kể từ Pháp lệnh Nhà ở năm 1991, Luật Nhà ở 2023 cơ bản điều chỉnh khá toàn diện. Trong đó, luật đã dành một chương quy định đồng bộ các cơ chế để phát triển nhà ở xã hội, trước hết là mục tiêu thực hiện chương trình phát triển tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030, có nhiều chính sách phù hợp. Cụ thể, luật quy định rõ UBND cấp tỉnh bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở mà cấp tỉnh phê duyệt. Đồng thời, cho phép các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định được cho vay ưu đãi với các đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội. Xác định các quy định của luật phù hợp với thực tiễn xã hội, đồng bộ với hệ thống pháp luật, thúc đẩy quá trình thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước trong phát triển nhà ở cho người dân, nhất là đối tượng đang cần nhà ở.

N.R