Người dân mua hàng tại chuỗi siêu thị Auchan ở Saint-Sebastien-sur-Loire, miền Tây Pháp. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trong tháng 2 vừa qua, giá lương thực thế giới đã lên tới mức cao nhất trong lịch sử 61 năm kể từ khi Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) bắt đầu công bố Chỉ số giá lương thực. Cụ thể, chỉ số giá lương thực của FAO đã đạt mức 140,7 điểm - cao hơn 3,9% so với tháng trước đó và cao hơn 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá lương thực tăng cao đã gây ra các vấn đề đối với an ninh lương thực toàn cầu. Trong khi đó, xung đột kéo dài ở Ukraine càng làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay, đồng thời làm gia tăng nguy cơ xảy ra nạn đói ở nhiều nơi trên thế giới.
Từ hai năm trước, Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) David Beasley đã cảnh báo, khoảng 270 triệu người trên toàn thế giới đang đứng bên bờ vực của nạn đói do đại dịch COVID-19. Tổng cộng, khoảng 811 triệu người bị suy dinh dưỡng vào năm 2020, cao hơn 161 triệu người so với năm 2019. Hiện chưa có dữ liệu tổng quát về năm 2021, nhưng đã có những dự báo đáng báo động cho năm 2022. Liên hợp quốc (LHQ) khẳng định, do cuộc xung đột ở Ukraine, một số quốc gia đang đứng trước bờ vực thảm họa thiếu lương thực - cụ thể là Haiti, Yemen. Giám đốc WFP Beasley nhận định, vào mùa Thu tới, thế giới sẽ nhận thấy rõ quy mô thực sự của vấn đề này.
Nga và Ukraine hiện là những nước sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 30% sản lượng lúa mì và 17% sản lượng ngô xuất khẩu, 32% lúa mạch và 75% dầu hướng dương. Xung đột khiến Ukraine phải đóng cửa các cảng biển, trong khi Nga gặp khó khăn trong việc xuất khẩu do các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh áp đặt. Sự gián đoạn nguồn cung các sản phẩm nông nghiệp này đang tàn phá an ninh lương thực của nhiều quốc gia. Các quốc gia Bắc Phi và Trung Đông phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn cung cấp ngũ cốc từ Nga và Ukraine, song các quốc gia phương Tây cũng gặp khó khăn. Trước đây, Ukraine đã xuất khẩu 5 triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng. Hiện nay, do khó khăn về hậu cần trên biên giới với Romania, Hungary, Slovakia và Ba Lan, Ukraine chỉ có thể xuất sang châu Âu 600.000 tấn ngũ cốc/tháng.
Ông Maximo Torero, nhà kinh tế trưởng của FAO, cho rằng một cuộc xung đột rộng hơn giữa Nga và Ukraine sẽ cắt đứt chuỗi vận chuyển ngũ cốc từ “rổ bánh mỳ” của châu Âu và đẩy giá lương thực tăng cao. Chuyên gia FAO nhấn mạnh các quốc gia nhập khẩu chính của hai nước trên hiện có đủ nguồn ngũ cốc dự trữ, nhưng khủng hoảng có thể xảy ra nếu cuộc xung đột kéo dài. Nga còn là nước xuất khẩu phân bón lớn, chiếm khoảng 17% nguồn cung toàn cầu. Việc thiếu phân bón cũng là một trong những vấn đề cấp bách, có thể ảnh hưởng cả ngắn hạn và dài hạn tới nguồn cung ngũ cốc và các loại thực phẩm khác trên toàn cầu trong năm tới. Theo ông Torero, “nếu cuộc xung đột phá hủy cơ sở hạ tầng, phần logistic, đường sá và mùa màng không được thu hoạch, chúng ta sẽ đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng vào năm tới”.
Theo ước tính của FAO, nếu xung đột khiến Nga và Ukraine phải kéo dài việc cắt giảm xuất khẩu lương thực, số người thiếu dinh dưỡng trên toàn cầu có thể tăng khoảng từ 8 triệu-13 triệu người. Thậm chí, tại một số khu vực như Đông Phi, nơi hứng chịu hạn hán trong suốt 3 năm qua, tình trạng thiếu lương thực sẽ càng trở nên trầm trọng hơn.
Giám đốc WFP David Beasley cũng cảnh báo rằng xung đột tại Ukraine đang đe dọa phá hủy thành quả mà WFP đã nỗ lực suốt nhiều năm qua để đảm bảo lương thực cho khoảng 125 triệu người cần hỗ trợ. Trước khi xảy ra xung đột, 50% lượng ngũ cốc mà WFP hỗ trợ các nước được mua từ Ukraine. Xung đột cũng khiến WFP không nhập được các sản phẩm phân bón từ Nga và Belarus. Do vậy, mùa màng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và sản lượng thu hoạch được dự báo sẽ giảm ít nhất 50%. Trợ lý Tổng Thư ký LHQ về các vấn đề nhân đạo Joyce Msuya cũng bày tỏ quan ngại rằng, xung đột tại Ukraine có thể khiến tình hình ở những nơi đang rơi vào khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới như Afghanistan hay Yemen sẽ càng thêm thê thảm.
Trong khi đó, bà Eugenia Serova, Giám đốc Viện Chính sách nông nghiệp của trường Đại học Kinh tế ở Moskva, cho rằng xung đột ở Ukraine hiện nay không phải là lý do duy nhất gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Bà Serova nhận định, “thế giới đã đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực trong hai năm qua và nó càng trầm trọng hơn nữa do xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, sẽ không đúng nếu nói rằng xung đột ở Ukraine gây ra cuộc khủng hoảng lương thực, bởi đã có những dấu hiệu rõ ràng về một cuộc khủng hoảng lương thực cả trước xung đột". Theo bà, một nguyên nhân quan trọng khác dẫn tới cuộc khủng hoảng này là việc nhiều nước chuyển sang sử dụng nhiên liệu sinh học, góp phần làm cạn kiệt khối lượng cây trồng được sử dụng làm thực phẩm. Dù cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến giá ngũ cốc trong tháng 3/2022 chạm mức cao nhất kể từ năm 2008, song trên thực tế, tình trạng này đã xuất hiện từ trước. Theo dữ liệu của LHQ, trong năm 2021, giá lúa mỳ và lúa mạch toàn cầu đã tăng 31% và các sự kiện ở Ukraine chỉ làm trầm trọng thêm tình hình.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dân số toàn cầu gia tăng, cùng với việc nhiều nước vẫn đang chật vật chống đói nghèo và nỗ lực phục hồi sau đại dịch, các chuyên gia cho rằng mục tiêu toàn cầu nhằm chấm dứt nạn đói vào năm 2030 khó có thể thực hiện. FAO dự báo nếu chỉ số giá lương thực tăng từ 8% đến 20%, sẽ có thêm khoảng 8 - 13 triệu người trên thế giới rơi vào tình trạng bị đói. FAO cũng chỉ ra rằng việc bù đắp hoàn toàn cho sự vắng mặt của Ukraine trên thị trường ngũ cốc bằng nguồn cung từ các nước khác là một nhiệm vụ không khả thi. Trong mọi trường hợp, chi phí sản xuất sẽ tăng và điều này sẽ gây ra một đợt tăng giá mới. Đối với các nước nhập khẩu lúa mì, điều cấp bách hiện nay là bảo đảm an toàn nguồn cung sắp tới.
Do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine đối với giá lương thực toàn cầu, các quốc gia chủ yếu dựa vào các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine và Nga sẽ cần phải tìm các nguồn thay thế cho nhu cầu lương thực. Hơn nữa, các quốc gia phát triển phải nhanh chóng ứng phó với các cuộc khủng hoảng. Ví dụ, Mỹ cần mở rộng nguồn cung lúa mỳ có sẵn để xuất khẩu, có thể bằng cách loại bỏ những quy định hiện hành về nhiên liệu sinh học - điều này sẽ giúp hạ giá lúa mỳ cũng như giá xăng dầu. FAO cũng khẳng định, “các tác động về an ninh lương thực của xung đột đối với các nhóm dễ bị tổn thương đòi hỏi phải có sự giám sát kịp thời và các biện pháp can thiệp bảo vệ xã hội đúng mục tiêu, nhằm giảm bớt khó khăn do xung đột gây ra và thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng”.
Đáng chú ý, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), bà Ngozi Okonjo-Iweala cảnh báo rằng giá lương thực tăng như hiện nay có thể dẫn tới bất ổn ở những nước nghèo. Theo bà, thế giới cần phải lo ngại về vấn đề này và không được phép đánh giá thấp ảnh hưởng của giá lương thực và tình trạng đói nghèo trong năm nay và năm sau. Lương thực và năng lượng là những vấn đề lớn nhất mà người dân nghèo trên thế giới quan tâm. Các nước nghèo và những người nghèo sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất nếu giá cả leo thang. Tình trạng mất an ninh lương thực ở các nước nghèo có thể gây ra bất ổn xã hội và chính trị, thậm chí có thể thúc đẩy xung đột, bạo lực và khủng bố, dẫn tới những hệ lụy khó lường đối với an ninh chung của cả thế giới.
Theo PHƯƠNG THỊNH (TTXVN)