Kỷ niệm 150 năm Ngày sinh V.I.Lênin (22-4-1870 _ 22-4-2020)

Nguyễn Ái Quốc với Lênin - Cuộc gặp gỡ lịch sử!

21/04/2020 - 16:46

 - Bằng 1 trí tuệ và nghị lực phi thường, cùng với khát vọng cháy bỏng tìm đường cứu nước, sau nhiều năm bôn ba học tập, tìm kiếm, Nguyễn Ái Quốc đã đến được Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin. Đó là một cuộc “gặp gỡ” lịch sử. Nó “như một ánh sáng kỳ diệu” đã làm Nguyễn Ái Quốc “cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng”. Sau đó, Người muốn được đến nước Nga, được trực tiếp gặp Lênin. Giữa năm 1923, Bác đã tới Mát-xcơ-va, nhưng lúc đó, Lênin đang ốm nặng; Crúp-xcai-a, người bạn đời thân thiết của Lênin đã tiếp Bác - một đồng chí trẻ đến từ phương Đông xa xôi…

Nguyễn Ái Quốc với Lênin - Cuộc gặp gỡ lịch sử!

Ngày 22-1-1924, Lênin từ trần, ngày 27-1-1924, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Lênin và các dân tộc thuộc địa” đăng trên Báo Sự Thật (Liên Xô) khẳng định: “Lênin bất diệt sẽ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”. Trong một bài viết sau đó, Người khẳng định: “Nếu giai cấp vô sản phương Tây coi Lênin là một thủ lĩnh, một lãnh tụ, một người thầy thì các dân tộc phương Đông lại coi Lênin là một người còn vĩ đại hơn nữa, cao quý hơn nữa”. Theo Bác: “Lênin đã đặt tiền đề cho một thời đại mới, thật sự cách mạng trong các nước thuộc địa. Lênin là người đầu tiên đã kiên quyết lên án mọi thành kiến về vấn đề này còn âm ỉ trong đầu óc của nhiều nhà cách mạng Châu Âu và Châu Mỹ”…

Nhưng sau khi Lênin qua đời, những thành kiến nói trên vẫn còn rất nặng nề trong Quốc tế Cộng sản. Thấm dầy thực tiễn và nắm chắc lý luận, năm 1924, tại Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã “mạnh bạo” phát biểu: “… hình như, các đồng chí chưa hoàn toàn thấm nhuần tư tưởng cho rằng vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các thuộc địa. Vì vậy, tôi sẽ tận dụng mọi cơ hội có được, sẽ gợi ra những vấn đề và nếu cần tôi sẽ thức tỉnh các đồng chí về vấn đề thuộc địa”. Người còn nói: “Cách mạng ở phương Tây muốn thắng lợi thì nó phải liên hệ chặt chẽ với phong trào giải phóng chống chủ nghĩa đế quốc ở các thuộc địa và các nước bị nô dịch và vấn đề dân tộc, như Lênin đã dạy chúng ta”… Ngay từ năm 1921, Bác đã viết trên Tạp chí La Revue Communiste: “Người Châu Á - tuy bị người phương Tây coi là lạc hậu - vẫn hiểu rõ hơn hết sự cần thiết phải cải cách toàn bộ xã hội hiện tại…”. Và dự báo chính xác: cách mạng ở các thuộc địa có thể giành thắng lợi trước “chính quốc”; và với thắng lợi đó nó sẽ “giúp đỡ những người anh em ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”…

Vừa hăng hái hoạt động quốc tế, Người vừa tích cực chuẩn bị thành lập Đảng ta. Bởi theo Người, để làm cách mạng “trước hết phải có đảng cách mệnh... Đảng có vững cách mệnh mới thành công... Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt”. “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Kết quả, năm 1930, Đảng ta đã được thành lập. Qua 90 năm, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, nhân dân ta đã lập nên nhiều kỳ tích, cách mạng nước ta giành được những thắng lợi to lớn!

Bác Hồ tổng kết: “Chủ  nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi”. Nhưng cái “cẩm nang” đó phải được vận dụng sáng tạo, phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Bởi như Lênin đã từng nhắc lại một chỉ dẫn của Ph.Ăngghen: “Học thuyết của chúng tôi không phải là một giáo điều mà là một kim chỉ nam cho hành động”; và nếu quên điều đó “… sẽ làm cho chủ nghĩa Mác trở thành phiến diện, quái dị, chết cứng, sẽ vứt bỏ linh hồn sống của nó, sẽ phá hủy cơ sở lý luận cơ bản của nó - tức là phép biện chứng”. Lênin còn chỉ dạy: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống…”. Lý luận của Mác “… chỉ đề ra những nguyên lý chỉ đạo chung, còn việc áp dụng những nguyên lý ấy thì, xét riêng từng nơi, ở Anh không giống ở Pháp, ở Pháp không giống ở Đức, ở Đức không giống ở Nga”. Nắm chắc chủ nghĩa Lê-nin, Nguyễn Ái Quốc từng yêu cầu Quốc tế Cộng sản phải bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác. Sau này, Người thường khuyên dạy cán bộ không được “giáo điều - kinh viện”; có lần Người nói: “Ta không thể giống Liên Xô… ta có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Có những trường hợp: “Làm trái với Liên Xô, đó cũng là mácxít”…

Giống như là sự hò hẹn của lịch sử: khi Bảo tàng về Lênin ở  Điện Crem-li chính thức mở cửa, vị khách nước ngoài đầu tiên đến thăm là Nguyễn Ái Quốc - bây giờ là Hồ Chí Minh và Người đã viết trong Sổ cảm tưởng: “… Tinh thần Lênin muôn đời bất diệt”.

TRUNG THÀNH