Chú Lê Văn Bá, thành viên Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) xã Vĩnh Trạch phấn khởi chia sẻ: “Gần 10 năm nay, chúng tôi luôn phấn khởi khi chứng kiến biết bao học sinh ăn những suất cơm trưa, có chỗ nghỉ trưa để yên tâm học hành. Các em dần trưởng thành qua các cấp học. Cả ngàn em ăn cơm thường xuyên tại nhà ăn nay đã đậu tốt nghiệp THPT. Trong đó có nhiều em đi học nghề hoặc đại học, cao đẳng, một số em có được việc làm ổn định, luôn nhớ về những ngày gắn bó nơi đây đã quay trở về thăm các cô, chú. Đáng trân quý hơn, các em còn biết sẻ chia, đóng góp tiền và hiện vật để các cô, chú tiếp tục chăm lo cho các em học sinh khó khăn hiện tại”.
Các cô, chú tự nguyện góp công sức tại Nhà ăn tình thương
Em Nguyễn Thị Khánh Ngân (học sinh lớp 11A3, Trường THPT Vĩnh Trạch) bộc bạch: “Nhà xa trường, vấn đề ăn, nghỉ buổi trưa là điều chúng em ngán ngại nhất mỗi khi có tiết học buổi chiều. May mắn thay, với sự tương trợ của các cô, chú trong Nhà ăn tình thương, chúng em luôn có được bữa ăn đủ đầy dinh dưỡng, có chỗ nghỉ lưng để có đủ sức khỏe cho buổi học chiều. Dù học sinh các trường tập trung về đây đông đúc cỡ nào, công việc nấu ăn vất vả ra sao, các cô, chú vẫn dành những tình cảm thân thương, thái độ nhã nhặn đối xử với chúng em như con cháu trong nhà. Tất cả mọi người mong chúng em yên tâm học tập, lớn lên trở thành người có ích cho cộng đồng. Em luôn thấu hiểu những tấm chân tình ấy, nên đã tự nhủ lòng phải luôn nỗ lực học tập để không phụ lòng của biết bao người dành cho những học trò khó khăn như tụi em”.
Phục vụ cơm trưa cho học sinh 3 trường học xung quanh Nhà ăn tình thương
Là người gắn bó với Nhà ăn tình thương ngay buổi đầu thành lập, ông Võ Văn Tuần, Trưởng ban Trị sự PGHH xã Vĩnh Trạch tâm đắc với những nỗ lực của cả tập thể thành viên nhà ăn và các tấm lòng nhân ái trong thời gian qua. Ông Tuần chia sẻ: “Ngày mới thành lập, Nhà ăn tình thương còn là cơ sở tạm bợ, tọa lạc tại khu đất 1.000m2 (gần cầu Ba Bần) do ông Đào Văn Do hiến tặng, đến nay cũng chính cơ sở ấy nhưng với biết bao bàn tay cần mẫn cơ sở đã dần được nâng cấp khang trang, sạch đẹp. Các anh, chị trong tổ bếp được qua lớp đào tạo an toàn vệ sinh thực phẩm, được trang bị vật dụng bảo quản và nấu bếp đảm bảo chất lượng, có máy lọc nước hiện đại cung cấp nước uống sạch cho học sinh hàng ngày. Để có được buổi trưa tươm tất, những ai rảnh rỗi, già hay trẻ, nam hay nữ đều tất bật vo gạo, xắt gọt, chiên xào để kịp phục vụ từ 10 giờ đến 13 giờ mỗi ngày, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, trung bình từ 300 suất ăn mỗi ngày, phục vụ cho cả học sinh nhà xa trường, công dân lao động, người bán vé số dạo, người lang thang cơ nhỡ có nhu cầu cầu ăn đều được phục vụ miễn phí”.
Cứ như thế, tình yêu thương “nhường cơm sẻ áo” ấy bao nhiêu năm vẫn cứ lan tỏa khắp vùng quê, làm người với người khắng khít với nhau, biết chung tay xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, giúp vùng quê ngày càng khởi sắc bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất.
Bài, ảnh: NGỌC GIANG