Nhà cổ Bình Thủy - nét cổ điển giữa thời hiện đại

02/11/2020 - 06:27

 - Tọa lạc tại số 142/144 Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy (TP. Cần Thơ), nhà cổ Bình Thủy (Nhà thờ họ Dương) là một trong những địa điểm không thể bỏ qua khi đến tham quan xứ Tây Đô. Ngôi nhà là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc đông - tây, trải qua hơn 100 năm vẫn trường tồn với thời gian.

Nhà thờ họ Dương tọa lạc trên thửa đất rộng khoảng 6.000m2, theo hướng đông - tây. Trước mặt là đường giao thông và sông rạch để đón khí hậu trong lành và thuận lợi cho việc di chuyển. Xung quanh nhà là vườn cây ăn trái, hoa kiểng quanh năm xanh tốt, tạo không khí mát mẻ, thể hiện sự trù phú, bình dị nhưng tao nhã. Ngôi nhà được xây cất bằng gỗ, lợp ngói từ năm 1870, sau đó thiết kế và xây dựng lại đến năm 1911 hoàn thành. Chủ nhân của ngôi nhà này là ông Dương Chấn Kỷ, một thương gia giàu có và có khiếu mỹ thuật, thích tìm tòi cái mới, lạ. Do đó, ngôi nhà là sự kết hợp hài hòa giữa nền văn hóa đông - tây theo kiểu “nội ứng ngoại hợp” với mỹ thuật truyền thống và văn hóa phương Đông bên trong kết hợp với kiến trúc phương Tây và quang cảnh thiên nhiên.

Bước qua cổng rào kiên cố bằng bê-tông và sắt theo kiểu dinh thự Pháp là 1 cổng phụ nằm thẳng hàng với cổng rào và nằm chếch về bên trái. Cổng phụ được xây dựng theo kiến trúc Á Đông với 4 cột tròn, hệ thống rui, mè, xà ngang bằng gỗ; mái lợp ngói; mặt trước cổng có dòng chữ “Phước An Hiệu”. Sân phủ thờ khá rộng và được lót gạch Tàu, trồng đủ các loại hoa kiểng: cau, tùng, phát tài, cây vú bò (một loại dược liệu quý). Đặc biệt, ở gốc sân có 1 cây xương rồng Mexico từ năm 1960, cao khoảng 10m. Giữa sân bố trí hòn non bộ cao 4m, có chức năng trang trí, vừa làm bức bình phong cho khu nhà chính.

Nhà cổ Bình Thủy mang phong cách đông-tây kết hợp

Có 4 cầu thang lên nhà chính: 2 lên thẳng 2 gian ngoài cùng, 2 hình cánh cung dẫn vào gian giữa. Nhà có cửa gỗ lá sách theo phong cách Art-Nouveau, một nghệ thuật trang trí Châu Âu thịnh hành vào đầu thế kỷ XX với vòm cửa hình cung, cắt gạch vuông và được đắp nổi hoa văn, dây lá nho, con sóc bằng xi-măng. Xung quanh nhà xây tường gạch kết dính bằng vôi ô dước. Mái lợp 3 lớp ngói: 2 lớp dưới hình lòng máng, lớp 1 nhúng vôi bột trắng, do đó, khi nhìn lên trần có cảm giác khoáng đãng, sáng sủa, lớp trên cùng sử dụng ngói ống. Các yếu tố trên đã tạo lên 1 lớp không khí mát dịu, thường thấy ở kiến trúc xưa.

Không gian ngôi nhà rộng khoảng 352m2 và được chia thành 3 phần: nhà trước, nhà giữa, nhà sau. Nhà trước gồm 5 gian, dùng làm nơi tiếp khách trong các nghi lễ quan trọng, được bố trí theo phong cách Tây Âu. Nền nhà được lát gạch bông nhập từ Pháp, trần đóng plafond, trang trí hoa văn, đèn treo Tây Âu. Trong nhà có bộ bàn ghế được chế tác theo kiểu Louis XV, đặc biệt là 1 chậu rửa mặt (lavabo) bằng men sứ trắng, hoa xanh trên bục gỗ và 1 máy hát đĩa của Pháp rất hiếm và có giá trị. Ở vị trí trang trọng nhất của nhà trước có treo ảnh tráng men chân dung ông Dương Chấn Kỷ - người xây dựng ngôi nhà hoàn chỉnh như ngày nay. Ngăn cách nhà trước và nhà giữa là 1 hệ thống bao lam và liên ba gồm nhiều con tiện và ô hộc được tạo tác tỉ mỉ bởi các nghệ nhân Việt với các đồ án, quy ước quen thuộc như: mai, lan, trúc, cúc, sen, điểu, tùng…

Vật dụng trong nhà còn được bảo tồn nguyên vẹn cho đến ngày nay

Nhà giữa gồm 3 gian, được bố trí làm nơi thờ tự. Các bàn hương án, khánh thờ, liễn đối đều bằng gỗ khảm xà cừ. 2 gian bìa dùng để ngăn cách với gian thờ bởi tủ gỗ vừa có chức năng trang trí và vách ngăn. Nhà sau dùng để tiếp khách nữ, nằm phía sau 1 vách gỗ chạy dài từ dưới lên trần gồm nhiên ô hộc, con tiện, tranh gốm sứ. Các cấu kiện, kết cấu không khác nhà trước.

Qua hơn 100 năm, trải qua 2 cuộc chiến tranh đầy khói lửa, nhiều công trình xung quanh bị bom đạn tàn phá, nhưng nhà thờ vẫn may mắn còn nguyên vẹn và được các thế hệ nối tiếp nhau giữ gìn, bảo vệ. Nhiều năm qua, nhà thờ họ Dương đã trở thành một địa điểm văn hóa-du lịch nổi tiếng, đón tiếp nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu. Giới văn nghệ sĩ chọn nơi đây là bối cảnh để thực hiện nhiều bộ phim nổi tiếng như: “Con nhà nghèo”, “Chân trời nơi ấy”, “Cây tre trăm đốt”; đặc biệt là bộ phim Pháp nổi tiếng “L’Amant” (Người tình) của đạo diễn Jean-Jacques Annaud.

Với kiểu kiến trúc độc đáo theo kiểu đông - tây kết hợp cho thấy có sự giao tiếp văn hóa của chủ nhân. Đó là việc tiếp thu cái mới nhưng vẫn giữ được cốt cách dân tộc. Điều này đã làm cho bộ mặt văn hóa của vùng đất nơi đây ngày càng phong phú và đa dạng. Ở đây, sự giao tiếp văn hóa đông - tây được chọn lọc, tiếp thu và vận dụng một cách hợp lý tạo cho di tích phong cách riêng, sang trọng nhưng bình dị, không lạc lõng giữa khung cảnh làng quê yên ả.

ĐÌNH ĐỨC