Bà Hường lặng lẽ lên chùa thắp nhang. Dạo này gia đình có nhiều biến cố nên bà thường xuyên đến chùa cầu nguyện. Bà mất niềm tin vào gia đình, chỉ biết nương náu tâm hồn mình nơi cửa Phật. Lần nào đến chùa bà cũng quỳ trước Phật Bà khá lâu để cầu bình an, sau đó thì khóc. Hôm qua, hai đứa con trai bà gây gổ chỉ vì bênh vực vợ. Sau cuộc đấu khẩu, cả hai dùng tay chân để giải quyết vấn đề. Bà Hường chen vào can thiệp thì kết quả đôi mắt bà sưng bầm vì chúng lỡ tay đấm trúng. Giờ thì bà khóc khó khăn còn hơn cả cười.
Thực ra đây không phải là lần đầu tiên bà bị thương tích như thế này. Nhà có ba cô con dâu nhưng chẳng chịu đoàn kết, mỗi người mỗi tính, cái tôi quá lớn nên ai cũng cho rằng mình đúng, mình quan trọng nên sinh ra cãi vã, đấu đá nhau suốt. Không chiến tranh ra mặt thì chiến tranh ngầm. Cô con dâu lớn vốn là tiểu thư nhà giàu, quyền quý nên lúc nào cũng muốn mọi người cung phụng, xem mình là nhất. Chính cô là người bỏ tiền ra cho mẹ chồng kinh doanh quán ăn, cho bố chồng mở công ty riêng và xin cho chồng một chân trong công ty dược. Bên nhà chồng ai cũng nể nang, xem cô con dâu lớn là vị cứu tinh, là số một. Tuy nhiên, cũng vì được mọi người cưng chiều nên đâm ra cô xem mọi người chẳng ra gì. Nhiều khi nghe nàng dâu lớn mắng con trai mình như kẻ ăn mày, bà Hường đau lắm. Một lần vì chịu không được sự sỉ nhục của nàng dâu với con bà nên bà Hường góp ý. Nàng dâu lớn tự ái, nổi giận xách vali về nhà bố mẹ đẻ. Thấy sự việc nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến công ty mình, anh Thái lại phải lái xe lên đón về, kèm theo lời xin lỗi tha thiết.
Cô con dâu thứ là dân công chức, thích an phận, chăm lo chồng con và mái ấm chung. Tuy nhiên, “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”, nàng dâu lớn và nàng dâu út cứ tìm cách bới móc, khích bác khiến cô không thể im lặng được. Vì vậy mà từ một người thùy mị, dịu hiền, cô trở nên đấu đá, ganh ghét. Một điều nữa khiến cô trở nên thay đổi là do vợ chồng cô có đóng góp ít trong nhà (bởi lương thấp) nên ai cũng xem nhẹ.
Nàng dâu út thì do còn trẻ nên nông nổi, bốc đồng, lại có phong cách sống cởi mở kiểu phương Tây nên không được lòng nhà chồng. Vì muốn giữ dáng, sợ già nên cô không muốn sinh con. Anh con trai út chiều vợ hết mực, muốn gì được nấy, nói gì nghe nấy. Thế là từ cậu út ngoan hiền được mọi người thương yêu từ nhỏ đến lớn, anh bỗng trở nên là “vị thần thích chiến tranh” trong mắt mọi người vì bênh vợ. Nàng dâu út vì không thích hai chị dâu nên xúi giục chồng gây hấn.
Ba người con trai bà Hường từ nhỏ vốn yêu thương nhau như thể không có gì chia cắt được. Vậy mà giờ này mỗi ngày bà phải hứng chịu những câu nói khích bác nhau, “mặt lớn mặt nhỏ”, lắm lúc gây gổ cả trên bàn ăn mà không coi cha mẹ ra gì. Có đôi khi thấy anh trai mình dắt xe ra, cậu út đi trước đóng cửa cái “rầm” như để dằn mặt. Thấy anh em trai "chiến tranh", thay vì khuyên bảo 3 nàng dâu còn đứng bên ngoài nói khích vào cho thỏa mãn máu gây sự.
Bà Hường quỳ trước cửa Phật, hồi tưởng về gia đình thời hạnh phúc mà nước mắt lưng tròng. Hôm nay, bà quỳ lâu hơn mọi ngày. Bà lạc vào cõi thanh tịnh đến mức thằng cháu nội đứng bên ngoài gọi nhiều lần bà mới giật mình. Rồi bà như thể không còn thiết sống trên cuộc đời này khi nghe: “Chú ba với chú út đánh nhau kìa nội ơi! Về thôi”. Bà trầm ngâm rồi quyết định bỏ nhà ra đi cho các con mình vừa lòng. Nói rồi bà đón xe ôm đi biệt. Cả nhà buộc lòng ngưng “chiến tranh” để chia nhau đi tìm mẹ.
Khi bà Hường thức giấc thì thấy mình nằm trên giường bệnh. Do bà vội vàng băng qua đường, mắt kém không nhìn thấy đèn đỏ nên bị xe gắn máy đi hướng ngược lại tông vào. Cũng may bà chỉ bị gãy xương chân, nằm dưỡng bệnh khoảng hai tháng sẽ khỏi. Nhưng trong cái rủi lại có cái may. Các con bà có mặt đầy đủ tại phòng bệnh. Ai cũng khóc như mưa và hứa từ nay không cãi vã nữa. Để tránh xung đột về sau, vợ chồng người con thứ hai, thứ ba quyết định dọn ra ở riêng. Họ hứa cuối tuần sẽ chở con cái về thăm cha mẹ cho gia đình sum vầy. Bà Hường nghe thế thì lòng cũng tạm nguôi ngoai.
Theo NGUYỄN HOÀNG DUY (Báo Hải Dương)