Nhà mạng có trách nhiệm đảm bảo an toàn số mức cơ bản cho người dân

11/07/2023 - 14:08

Nhận thức mới của Bộ TT&TT về đảm bảo an toàn thông tin - “An toàn số mức cơ bản để bảo vệ cho mọi người dùng viễn thông, Internet phải là trách nhiệm của nhà mạng” nhận được sự đồng thuận của nhiều chuyên gia.

Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ và an toàn thông tin đã được xác định là điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số phát triển, vận hành.

Bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng cũng đồng nghĩa với việc phải bảo vệ hơn 3.000 hệ thống thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước và bảo vệ hoạt động trên không gian mạng của 100 triệu người dân, gần 1 triệu doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, 26 triệu hộ gia đình, 14.000 cơ sở y tế, 44.000 trường học…

Trong phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 hồi cuối tháng 6, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã đề cập tới những nhận thức mới về chuyển đổi số, trong đó có việc đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng trên không gian mạng.

Nhấn mạnh an toàn số mức cơ bản để bảo vệ cho mọi người dùng viễn thông, Internet phải là trách nhiệm của nhà mạng, người đứng đầu ngành TT&TT chỉ rõ: Trước đây, chúng ta đi theo cách dùng phần mềm cài vào từng thiết bị của người dân và có thể tính phí, tiếp cận theo hướng đây là trách nhiệm của người dân. Để từng người dân cài đặt phần mềm vào máy của mình là việc không dễ và không nhanh được. Người dân còn có thể lo ngại đó là phần mềm giám sát.

Thì nay, chúng ta thực hiện việc này tại thiết bị của nhà mạng và coi đây là trách nhiệm bảo vệ khách hàng của nhà mạng, và miễn phí. Việc bảo vệ có thể được thực hiện ngay với mọi thuê bao, ngoài ra khách hàng có thể yêu cầu cấu hình thêm, thí dụ chỉ cho con cái chơi game vào những giờ, những ngày nhất định.

Trao đổi với VietNamNet, các chuyên gia bảo mật đều cho rằng, nhận thức mới nêu trên của Bộ TT&TT là phù hợp để có thể triển khai dịch vụ an toàn thông tin cơ bản bảo vệ người dân trên quy mô toàn quốc.

Người đứng đầu ngành TT&TT nhấn mạnh, an toàn số mức cơ bản để bảo vệ cho mọi người dùng viễn thông, Internet phải là trách nhiệm của nhà mạng. (Ảnh minh họa: M.Hồng)

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam – VNISA, Chủ tịch Công ty An ninh mạng thông minh (SCS) chia sẻ, hiện nay, chúng ta có 2 biện pháp chính bảo vệ người dùng là bảo vệ trên thiết bị đầu cuối – cài phần mềm bảo vệ trên thiết bị người dùng và bảo vệ ở lớp mạng - bảo vệ ở chính thiết bị truy cập mạng mà nhà mạng cung cấp cho khách hàng.

"Trong đó, với cách bảo vệ từ lớp mạng, hiện tại nhiều quốc gia, các nhà mạng đang triển khai bằng việc ngăn chặn các thông tin lừa đảo, xấu độc… từ ngay cửa ngõ kết nối mạng tới các hộ gia đình, tổ chức. Có thể hiểu là, sẽ có những “người bảo vệ” ngay trong các “tòa nhà, khu phố” để bảo vệ an toàn cho người dùng trước các thông tin lừa đảo, xấu độc", ông Ngô Tuấn Anh thông tin.

Bày tỏ sự đồng thuận với quan điểm cho rằng đảm bảo an toàn số mức cơ bản cho người dùng viễn thông và Internet phải là trách nhiệm của nhà mạng, ông Bế Khánh Duy, Trưởng nhóm Dịch vụ chuyên gia của Công ty VSEC nhấn mạnh, các nhà mạng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và quản lý hạ tầng mạng, cung cấp dịch vụ truyền thông và Internet cho người dùng. Họ có nhiều thông tin và kiến thức về mạng, bảo mật và các mối đe dọa an ninh mạng. Và vì thế, các nhà mạng có một khả năng to lớn trong việc giúp người dùng có môi trường mạng an toàn.

Nói rõ hơn về trách nhiệm của các nhà mạng, ông Bế Khánh Duy đề xuất, các nhà mạng cần triển khai và duy trì các biện pháp bảo mật để bảo vệ người dùng khỏi các mối đe dọa an ninh mạng. Họ cần theo dõi và phát hiện các hoạt động đáng ngờ trên mạng để ngăn chặn và đối phó với các cuộc tấn công. Các nhà mạng cũng có trách nhiệm chặn người dùng truy cập những nguồn thông tin độc hại, vi phạm pháp luật và không phù hợp với văn hóa Việt Nam.

“Ngoài ra, các nhà mạng là người thuận lợi nhất cung cấp thông tin và hướng dẫn cho người dùng về các biện pháp bảo mật cơ bản, như cách sử dụng mật khẩu mạnh, cập nhật phần mềm, xác thực hai yếu tố và tránh các mối đe dọa phổ biến như Phishing và Malware. Điều này giúp nâng cao ý thức và kiến thức an ninh mạng của người dùng, giúp họ tự bảo vệ mình khi sử dụng dịch vụ viễn thông và Internet”, ông Bế Khánh Duy nêu quan điểm.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh trách nhiệm của các nhà mạng, để đảm bảo an toàn cho cá nhân, tổ chức trên không gian mạng Việt Nam, sự phối hợp và chia sẻ trách nhiệm từ tất cả các bên liên quan cũng rất quan trọng, bao gồm cả cơ quan chức năng, người dùng cá nhân và các tổ chức khác. Việc tạo ra một môi trường an toàn số bền vững đòi hỏi sự hợp tác và nỗ lực chung từ tất cả các bên để đối phó với các mối đe dọa an ninh mạng ngày càng phức tạp.

Theo Vietnamnet