Câu chuyện thứ nhất: Chó đã cứu lão Khoa thoát chết
Chuyện này xảy ra cũng lâu rồi. Tôi nhớ chính xác là ngày 1-10-1978. Hồi đó chúng tôi đang ở mặt trận Tây Nam. Tốp phóng viên chiến trường chúng tôi chỉ có hai người. Tôi và nhà văn nổi tiếng Xuân Đức.
Chiến đấu chống quân Pol Pot quả là rất căng thẳng và mệt mỏi. Ta huấn luyện cho họ lối đánh du kích. Binh pháp ấy, Mỹ rất sợ. Giờ chúng lại dùng lối đánh ấy phản lại ta. Chúng xuất quỷ nhập thần, ẩn hiện như ma. Không thể nào lường được. Một mô đất, một bụi cây, một người nông dân hiền lành đang cày ruộng, thế mà rồi vụt cái, đã hóa ngay tên lính Pol Pot, chĩa thẳng súng vào ngực ta mà nhả đạn.
(Ảnh minh họa)
Tôi và nhà văn Xuân Đức đã mấy lần lọt vào ổ phục kích của chúng ở Tây Ninh, rồi ở Bến Sỏi. Chúng mai phục ta ở ngay trên đất ta. May mà mấy lần đều thoát chết. Cũng có thể đấy là tụi lính mới. Nếu gặp phải lũ thiện chiến, chắc tôi chẳng còn ngồi đây mà hầu chuyện bạn đọc. Điều này, nhà văn Xuân Đức cũng đã kể trong bài viết: “Tôi và Trần Đăng Khoa từng bị bắn ở Campuchia”.
Ngày 1-10-1978, nhân Quốc khánh của một nước láng giềng, chúng “chào mừng” ông bạn đồng minh bằng cách xua quân tràn sang mấy tỉnh biên giới của ta ở Tây Ninh, An Giang…Chúng tàn sát dân lành. Toàn người già, phụ nữ và trẻ con. Cách giết người của chúng rất tàn bạo. Không bắn mà đập chết bằng vồ và gậy gộc. Giết rồi ném xuống giếng. Ngay cả người dân Campuchia, chúng cũng tàn sát theo kiểu thời trung cổ như thế.
Cuối năm đó, chúng tôi được lệnh đánh tốc sang Campuchia. Tấn công vừa là để tự vệ, vừa cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Điều rùng rợn nhất là khắp đất nước Chùa Tháp, đi đến đâu tôi cũng ngửi thấy mùi hôi thối của xác chết đang tan rữa. Trâu chết, bò chết, lợn chết, người chết không ai chôn. Không khí sặc sụa mùi tử khí. Ngửi mãi rồi cũng quen. Quen đến mũi hóa tê liệt, không còn thấy thối nữa.
Nhập nhoạng tối, chúng tôi qua một phum sóc. Những căn nhà sàn trống rỗng, tiêu điều. Chúng tôi dừng lại nấu cơm. Tối uống bát nước mằn mặn, dọi đèn pin lại thấy loang vết mỡ. Cứ tưởng anh nuôi rửa bát không sạch. Sáng sớm ra giếng rửa mặt, mới tá hỏa, vì thấy cái giếng mình múc nước nấu cơm đêm qua đầy những xác người. Toàn phụ nữ và trẻ con. Xác chết cũng đã lâu, đang phân hủy.
Lính Pol Pot tháo chạy. Chúng tôi chiếm được sở chỉ huy địch. May có sẵn công sự, hầm chỉ huy, hầm tác chiến, nên anh em khỏi phải đào mà chỉ gia cố.
Buổi chiều, thấy có con chó của lính Pol Pot không biết ở đâu, cứ luẩn quẩn quanh hầm chỉ huy. Cu cậu chắc nhớ nơi ở cũ, nên mò về. Đã thế lại còn sủa nhặng xị. Sủa đến sốt ruột. Không thể chịu nổi, cậu liên lạc tiểu đoàn đã đập chết con chó. Tối ấy, tiểu đoàn bộ được một bữa cải thiện. Đã lâu toàn măng khô thịt hộp.
Tôi không biết ăn thịt chó. Cả gia đình tôi cũng không ai ăn thịt chó. Thậm chí, mẹ tôi chỉ ngửi thấy mùi thịt chó đã nôn ọe. Để tránh bữa thịt chó, tôi quyết định lên chốt tiền tiêu. Chốt cũng không xa, chỉ cách chỉ huy tiểu đoàn chừng hai cây số. Tiểu đoàn trưởng Trịnh Văn Mô giao cậu liên lạc có tên là Căn dẫn tôi đi. Chúng tôi phải lợi dụng địa hình, bò qua mấy vạt bờ mương, tránh luồng đạn bắn tỉa của địch từ mấy ngọn thốt nốt.
Đêm ấy, địch bắn rất rát. Nhưng không có trái pháo nào rơi trúng trận địa. Đạn chỉ cày ở các cứ điểm xung quanh. Chúng tôi thay nhau trực chiến. Người không phải trực thì tranh thủ ngủ. Lính trận nên ngủ rất ngon trong tiếng súng nổ. Không có tiếng súng lại khó ngủ, lại cứ thấy nơm nớp, vì không biết địch ở đâu.
Nửa đêm, địch mở đợt tấn công. Chúng tôi điện về sở chỉ huy tiểu đoàn. Không có tín hiệu trả lời. Lại nghĩ, có thể dây điện thoại bị đứt do dính đạn pháo. Một cậu lính thông tin bò đi nối đường dây. Và thật bất ngờ. Sở chỉ huy tiểu đoàn đã bị lính Pôn pốt đột nhập. Chúng ập đến bất ngờ vào lúc nhập nhoạng tối, lại ngay giữa bữa cơm chiều nên anh em không kịp trở tay. Thực ra, khi con chó xuất hiện là lúc lính Pôn pốt đã bí mật bao vây sở chỉ huy tiểu đoàn bộ rồi. Tiểu đoàn trưởng Trịnh Văn Mô đã hy sinh. Anh bị một nhát cuốc đập vào gáy. Trên người còn có nhiều vết thương. Dấu ấn của một cuộc vật lộn quyết liệt. Bốn người còn lại của tiểu đoàn bộ đều bị bắn. Người đã chết nhưng xoong thịt chó đang ăn dở vẫn còn. Địch cũng rút chạy ngay sau khi gây tội ác man rợ.
Bây giờ, nhớ lại, tôi vẫn rùng mình. Lại nghĩ, nếu chiều ấy, không có chuyện thịt chó và tôi không lên điểm chốt thì sẽ sao nhỉ? Chắc tôi cũng sẽ lại chung số phận với đồng đội mình. Và như thế, chắc chắn sẽ không có ngày mồng 7 tháng 1, tôi có mặt tại Thủ đô Phnom Penh cùng các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam, chứng kiến niềm vui của người dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Không ngờ chính con chó của đám tàn quân Pol Pot đã cứu tôi thoát cái chết vu vơ…
Chuyện thứ hai: Con chó đã chết vẫn cõng lão Khoa chu du
Chuyện cứ như hoang đường. Ấy là cái bài thơ tôi viết về con chó nhỏ của tôi. Năm ấy, năm 1966, tôi còn là một cậu oắt con. Và người bạn thân nhất của tôi chính là chú cún vàng, một nhân vật chính của bài thơ mà tôi đã viết. Nửa thế kỷ sau, tôi có mặt ở Thủ đô Paris, dự Liên hoan Thơ cùng với các nhà thơ thế giới.
Tôi rất ngạc nhiên khi các bạn đọc của Pháp trong một buổi giao lưu lại muốn nghe tôi đọc bài thơ: “Sao không về Vàng ơi?” bằng nguyên bản tiếng Việt.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa.
Thú thực, trong thâm tâm, tôi không muốn đọc bài thơ đã quá cũ. Bài thơ viết trong chiến tranh, lại đọc ở thời bình, trong một bầu khí quyển hoàn toàn khác. Thêm nữa, một "lão già khú đế" lại đọc thơ của chú bé con, nghe lạc lõng thế nào. Tôi nói vui: "Bây giờ thì người bạn nhỏ thân thiết của tôi, chú cún Vàng đã chết. Mà chết từ rất lâu rồi. Chết không phải vì bom đạn mà vì… tuổi già sức yếu. Tôi không ngờ con cún Vàng đã chết cách đây nửa thế kỷ vẫn lẽo đẽo theo tôi, vẫn cõng tôi đi chu du khắp nơi, lại tới được cả xứ sở xa xôi này. Bây giờ thì tôi xin dắt nó ra đây vái chào quý ông, quý bà cùng tất cả các quý vị." Rồi tôi đọc bài thơ. Cả khán phòng cười ồ. Người Pháp rất yêu những con vật trong nhà. Cũng vì yêu con cún Vàng mà họ yêu thêm bài thơ của tôi.
Cũng không ít người tò mò hỏi tôi về chú cún này. Rất cám ơn bạn đọc vẫn còn nhớ đến cậu bạn của tôi, mặc dù cậu khuất núi cũng đã lâu rồi. Bây giờ nếu còn sống, chắc cu cậu cũng đã ở cái tuổi…sáu mươi. Nghĩa là cũng đã già khú đế, già như ông chủ của cậu.
Cún Vàng là bạn thân của tôi. Tôi và cậu Vàng luôn có nhau. Bạn hãy cứ hình dung như thế này nhé. Một chú bé 9 tuổi lũn cũn, nhem nhuốc, quần áo xộc xệch, nhoe nhoét mực xanh, mực tím. Sau lưng chú ta là con Cún Vàng.
Mẹ tôi rất yêu loài vật, coi chúng như thành viên trong nhà. Đặc biệt là chó. Bà không bao giờ đem bán hoặc giết thịt. Khi chó già, ốm chết, bà lấy những tấm áo cũ, bó lại rồi đem chôn ở góc vườn. Cũng như mẹ, mấy anh em tôi, tuyệt không có ai ăn thịt chó.
Con Cún Vàng của tôi rất khôn. Dường như hắn biết tất cả mọi chuyện. Biết mà không nói được. Thế mới khổ. Tôi thương hắn lắm. Và hắn cũng rất quý tôi. Có hôm, trời tối mò, nhà có canh cua, hoặc cá rán, mẹ tôi thường dành phần ngon nhất, cho vào cái liễn mầu da lươn, bảo tôi mang sang biếu bà ngoại. Bà ở với cậu, cách nhà tôi một đoạn đường. Con Cún Vàng lại lũn cũn theo tôi ra đi. Có hắn ríu rít bên cạnh, tôi không ngại bóng đêm, cũng không còn sợ ma nữa.
Có lần nửa đêm, mưa phùn lắc rắc, con Vàng cứ chõ mõm vào gầm giường tôi mà sủa. Tiếng sủa gấp gáp. Mẹ tôi giật mình: "Hay là có trộm chui vào gầm giường?". Bà luống cuống bật diêm. Hóa ra một con rắn cạp nong to tướng. Con rắn lao vào ngách buồng. Nhưng không thoát. Con Vàng bổ theo, ngoạm luôn con rắn rồi văng, rồi quật xuống đất. Một lát sau thì con rắn lả ra. Cậu Vàng trở thành ân nhân của cả nhà.
Trong gia đình tôi, hình như cậu thân với tôi hơn cả. Tôi đi đâu, cậu cũng nhũng nhẵng theo sau, cứ như là cái đuôi của tôi vậy. Thế mà rồi, có một lần, cu cậu lại đột ngột bỏ nhà ra đi. Đó là chiều ngày 3-4-1967. Giặc Mĩ ném bom cầu Phú Lương rất dữ dội. Nhà chao như đưa võng. Dứt bom thì chẳng thấy con Vàng đâu. Rồi tối cũng không thấy. Mấy ngày hôm sau nữa cũng không thấy. Cả nhà đều buồn. Cô em gái tôi khóc sướt mướt. Bà chị tôi cũng khóc. Tôi không khóc, nhưng cả ngày chẳng làm được việc gì, cũng không học được. Người cứ chống chếnh. Mẹ tôi đêm nào cũng mở cửa, chờ con cún về. Nhưng chẳng thấy bóng dáng cu cậu đâu cả.
Đúng lúc ấy, nhà tôi lại có khách. Một đoàn khách của Ti Giáo dục Hải Dương, trong đó có bác Lê Hào - Trưởng ti. Thấy nhà tôi buồn như có tang, bác Hào bảo: "Cháu làm thơ về con chó Vàng mất đi". Thế là tôi viết. Tôi viết luôn vào cuốn sổ tay công tác của bác Hào. Bài thơ thoạt đầu có cái tên rất nôm na là Mất chó. Khi bài thơ kết thúc, tôi xóa cái tên cũ đi, mà rút nguyên một câu ra làm tên chung cho cả bài Sao không về hả chó?. Bài thơ được viết rất nhanh. Viết thẳng một lèo. Nghĩ sao viết vậy. Nhưng bác Hào khen lắm. Còn tôi, tôi chỉ thấy thương con chó thôi... Bài thơ được đăng trên báo Văn nghệ, đăng nguyên văn, dưới bài còn "chua" thêm một dòng, đúng như nguyên bản ở trong sổ bác Hào: "Kỉ niệm ngày mất chó 3/4/1967", chỉ khác một chữ ở câu kết và một chút ở tên bài. Bài thơ của tôi là Sao không về hả chó?. Báo in là Sao không về Vàng ơi?. Và đoạn kết của tôi là: "Nghe bom thằng Mĩ nổ. Mày bỏ chạy đi đâu. Tao chờ mày đã lâu. Cơm phần mày để cửa. Sao không về hả chó? Tao nhớ mày lắm đó. Chó ơi là chó ơi!...".
Thực chất đây là bài thơ viết về bạn. Dù bạn là chú Cún Vàng. Nhớ bạn và khóc bạn. Ban biên tập báo Văn nghệ, sau này, tôi được biết là nhà thơ Phạm Hổ, người "cai quản" phần thơ lúc đó đã chữa cho tôi câu kết, và chữa thật hay "Vàng ơi là Vàng ơi!" Thế là thành tiếng khóc rồi. Cậu bé không tìm thấy chó thì khóc. Còn khóc bạn, dù bạn đúng là một chú chó, mà lại "Chó ơi là chó ơi!..." thì tai hại quá!
Bài thơ in được ít ngày thì con Vàng đột ngột trở về. Cu cậu về vào giữa đêm, khi cả nhà không còn ai chờ đợi cậu nữa. Cậu cào cào vào cánh cửa và sủa gọi. Tiếng sủa eo éo như tiếng mèo hoang. Nghe rất rợn. Tôi lập cập mở cửa. Đúng là cậu thật! Cậu cọ vào chân tôi, ngã dúi dụi.
Đêm ấy mừng quá, tôi viết tiếp bài thơ Chó về. Đây là bài tôi viết hoàn toàn tự nguyện, chẳng theo yêu cầu của ai. Nhưng bài thơ lại dở, và tôi đã loại bỏ ngay sau đó rồi.
Mới hay nghề văn chương thật "bí hiểm", càng viết càng chẳng hiểu nó ra làm sao...
Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Theo VOV