Nhận định thị trường chứng khoán tuần tới: Liệu có vượt đỉnh?

13/03/2021 - 18:33

Giới phân tích từ các công ty chứng khoán đa số nhận định thị trường vẫn ở xu thế tăng, nhưng cũng không quên khuyến nghị rủi ro với nhà đầu tư khi VN-Index đang vươn đến vùng đỉnh 1.200 điểm.

Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tuần giao dịch giằng co, cùng với việc khối ngoại bán ròng rất mạnh, đạt gần 3.500 tỷ đồng.

Trước diễn biến này, giới phân tích từ các công ty chứng khoán đa số nhận định thị trường vẫn ở xu thế tăng, nhưng cũng không quên khuyến nghị rủi ro với nhà đầu tư khi VN-Index đang vươn đến vùng đỉnh 1.200 điểm.

Cơ sở để kiểm định vùng đỉnh cũ 1.200 điểm

Công ty cổ phần Chứng khoán BOS (BOS) nhận định về kỹ thuật, VN-Index đang chịu áp lực bán mạnh khi chỉ số tiến vào vùng kháng cự mạnh 1.180 - 1.200 điểm.

Các chỉ báo kỹ thuật đưa ra các tín hiệu trái chiều về xu hướng của thị trường.

Nhiều khả năng, thị trường sẽ có nhịp tích lũy trong vùng 1.180-1.190 điểm trong các phiên sắp tới, trước khi xác nhận xu hướng trong ngắn hạn.

“Nhà đầu tư ưu tiên nắm giữ danh mục hiện tại và duy trì trạng thái quan sát trong các phiên tới,” BOS khuyến nghị.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt-VDSC, nhìn chung VN-Index vẫn đang trong vùng thăm dò 1.150-1.200 điểm nên quá trình kiểm tra cung-cầu sẽ liên tục xảy ra.

Tuy nhiên, VN-Index kết tuần ở vị thế khá thuận lợi và tạo cơ sở để kiểm định vùng đỉnh cũ 1.200 điểm trong tuần tiếp theo. Do vậy, nhà đầu tư có thể nắm giữ danh mục và cơ hội mua ngắn hạn vẫn tồn tại ở những cổ phiếu có tín hiệu kỹ thuật tốt sau giai đoạn tích lũy, VDSC khuyến nghị.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho rằng chỉ số VN-Index vẫn đang dao động giữa vùng hỗ trợ 1.150 và 1.200 điểm. Trong trường hợp chỉ số vẫn còn duy trì trên mức hỗ trợ 1.150 điểm thì khả năng VN-Index sẽ tiếp tục xu hướng tăng hướng về mốc 1.200 điểm trong thời gian tới.

Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) nhận định thị trường liên tục rung lắc tích lũy trong biên độ hẹp ở  3 tuần liên tiếp trong vùng với biên độ hỗ trợ 1.150-1.155 và kháng cự 1.185-1.190. Thanh khoản dần gia tăng trở lại trên mức trung bình, dòng tiền ngắn hạn vẫn liên tục tìm kiếm cơ hội sinh lợi ngắn hạn.

Thực tế, có rất nhiều mã tăng giá lên vùng đỉnh cũ, nhiều mã tăng trưởng tốt đã vượt đỉnh cũ tương ứng VN-Index ở mốc 1200 đạt được vào tháng 1/2021.

Theo SHS, hầu hết các mã chất lượng tốt tăng trưởng do kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 1/2021 tích cực đã tiệm cận vùng đỉnh cũ và vượt, sau đó rung lắc tích lũy.

Thị trường chung dự kiến vẫn sẽ duy trì tích lũy, phân hóa, rung lắc để chờ các kết quả kinh doanh với kỳ vọng thị trường sẽ có đợt bùng nổ, vượt đỉnh 1.200 điểm trong thời gian tới.

Nhà đầu tư có thể chờ VN-Index vượt đỉnh 1.200 để mua với mục đích đầu cơ cho giai đoạn tăng sau khi vượt đỉnh.

Các nhóm cổ phiếu chú ý là các cổ phiếu mạnh đang tích lũy gần vùng đỉnh, hoặc các nhóm cổ phiếu có hoạt động kinh doanh phục hồi đang có xu hướng đi lên từ vùng đáy, SHS khuyến nghị.

Trên góc nhìn kỹ thuật, SHS cho biết xu hướng trung hạn của thị trường tiếp tục là tích cực với mục tiêu VN-Index đạt mức quanh ngưỡng 1.250 điểm, dự kiến sẽ đạt được vào đầu tháng 4/2021.

Về diễn biến thị trường, kết thúc tuần giao dịch từ 8-12/3, VN-Index tăng 28 điểm lên 1.181,56 điểm; HNX-Index tăng 5,43 điểm lên 273,91 điểm.

Thanh khoản tăng nhẹ so với tuần trước đó, với gần 18.000 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.

Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 0,03% lên 78.338 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 4,9% lên 3.271 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 0,2% lên 11.622 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 7,2% lên 763 triệu cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu ngành nguyên vật liệu tăng mạnh nhất với 2,7% giá trị vốn hóa. Các cổ phiếu tiêu biểu như AAA tăng 9,9%, NKG tăng 7,7%, DHC tăng 5,3%, GVR tăng 5,1%, DGC tăng 2%...

Nhóm cổ phiếu ngành dược phẩm và y tế cũng tăng 2,7% giá trị vốn hóa với các mã cổ phiếu tiêu biểu như DP3 tăng 22,5%, IMP tăng 9,1%, LDP tăng 4,1%, DHG tăng 2,5%, TRA tăng 2,2%...

Nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng tăng 2,4% giá trị vốn hóa. Các mã tăng mạnh có thể kể đến là VPB tăng 6,5%, STB tăng 2,7%, TCB và BID đều tăng 2,2%, ACB tăng 1,6%...

Ở chiều ngược lại, nhóm dầu khí giảm mạnh nhất với 4% giá trị vốn hóa. Các cổ phiếu như PVD giảm 5,2%, PVS giảm 2,9%, GAS giảm 1,5%...

Về giao dịch khối ngoại, tổng khối lượng bán ròng của khối này tuần qua ở mức 88,2 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là gần 3.500 tỷ đồng.

Chứng khoán Mỹ tăng kỷ lục

Các chỉ số chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên 12/3, khi cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà giảm do lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 293,5 điểm, hay 0,9%, chốt phiên cuối tuần ở mức cao kỷ lục 32.778,64 điểm, trong khi chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 4 điểm, hay 0,1%, cũng chốt phiên kỷ lục 3.943,34 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 78,81 điểm, hay 0,59%, xuống 13.319,86 điểm.

Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong cả tuần, chỉ số Dow Jone tăng 4,1%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2020. Chỉ số S&P 500 tăng 2,6%, trong khi chỉ số Nasdaq Composite tăng 3%, mức tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng Hai.

Một số nhà phân tích cho rằng việc cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc ngày 12/3 thông báo sẽ áp phạt 12 công ty công nghệ; trong đó có công ty sở hữu WeChat là Tencent, công cụ tìm kiếm Baidu, dịch vụ chia sẻ xe Didi Chuxing và SoftBank của Nhật Bản, đã gây thêm sức ép lên các cổ phiếu công nghệ.

Các nhà phân tích của CMC Market cho rằng xu hướng của các cổ phiếu công nghệ có thể vẫn là yếu tố quyết định diễn biến của các thị trường chứng khoán trong những tuần tới. Việc lợi suất trái phiếu tăng sẽ khiến các nhà đầu tư ngắn hạn bán ra, từ đó tiếp tục gây sức ép lên chỉ số Nasdaq Composite.

Trong khi đó, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đều tăng điểm trong phiên 12/3 theo sau các kỷ lục được xác lập tại Phố Wall, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD.

Khép lại phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,7% lên 29.717,83 điểm, trong khi chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,5% và đóng phiên ở mức 3.453,08 điểm.

Các thị trường Seoul, Wellington và Jakarta đều ghi thêm hơn 1%. Sắc xanh cũng được ghi nhận tại các thị trường Sydney, Taipei, Manila và Mumbai.

Đi ngược lại đà tăng của các thị trường trong khi vực, chỉ số Hang Seng ở Hong Kong (Trung Quốc) lại giảm 2,2% xuống còn 28.739,72 điểm sau đợt khởi sắc gần đây, do “ông lớn” có tầm ảnh hưởng với thị trường là Tencent lao đao bởi án phạt chống độc quyền của Trung Quốc.

Sự kiện này đã làm dấy lên những lo ngại rằng Tencent có thể sẽ là mục tiêu tiếp theo của giới chức đại lục.

Theo VĂN GIÁP (TTXVN)

 

Liên kết hữu ích