Nhận lúa tận nhà, xay miễn phí

13/09/2023 - 19:45

 - Chỉ một cú điện thoại hoặc nhắn tin cho biết cần xay lúa, ông Lường Văn Phúc (70 tuổi, ngụ ấp Tây Huề, xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) liền điều khiển xe máy đến tận nơi, lấy lúa về nhà máy xay miễn phí và sau đó giao gạo đến tận nhà.

Ông Lường Văn Phúc chở lúa về nhà máy 

Việc nghe như vô lý nhưng ông Lường Văn Phúc đã thực hiện nhiều năm qua, được bà con đồng tình vì đáp ứng được yêu cầu và bảo đảm quyền lợi đôi bên. Sở hữu nhà máy xay xát trên 20 năm nay, nhu cầu ngày càng giảm nên nghề này trồi sụt bất thường, nhất là lúc dịch COVID-19 bùng phát, không có khách hàng. Mong muốn bảo đảm thu nhập cho gia đình và giữ nghề, ông Phúc “sáng tạo” mô hình “phục vụ đến tận nhà”.

Để đôi bên cùng có lợi, ông Phúc đề xuất: “Người xay lúa, nếp miễn phí nhưng ông được lấy trấu, cám, còn số gạo, nếp xay ra bao nhiêu sẽ giao đủ cho khách hàng”. Với phương thức này, bà con đồng thuận cao bởi trước đây ai cần xay lúa phải tự vận chuyển đến nhà máy, còn bây giờ thì chỉ cần một cú điện thoại hoặc nhắn tin, người xay xát sẽ có mặt. Đến nơi, khách hàng chỉ sản phẩm, ông Phúc vác lúa ra xe, vận chuyển về nhà máy xay miễn phí. Xay xong, ông giao gạo đến tận nơi vừa nhận, không chậm trễ.

 “Người cần xay lúa do bận, đơn thân hoặc không có phương tiện, còn tôi cần việc làm, có thêm thu nhập, muốn giữ nghề và đáp ứng được nhu cầu thiết thực của nhiều người. Dù đã có thỏa thuận nhưng nếu khách hàng muốn nhận lại trấu, cám, 2 bên có thể hoán đổi sản phẩm; gặp hoàn cảnh khó khăn, tôi có thể nhận phần thiệt về mình, không so đo hơn thua. Nhờ bảo đảm chữ tín, làm ăn ngay thẳng nên nhiều năm qua, công việc của tôi thuận lợi, góp phần tạo công ăn việc làm cho gia đình” - ông Lường Văn Phúc cho biết.

Chia sẻ về mô hình này, anh Nguyễn Văn Trung (ấp Tây Huề, xã Bình Thành) cho biết. “Lúc mới ra nghề, ông Phúc chỉ phục vụ bà con ở các ấp của xã Bình Thành và vùng lân cận, còn hiện nay vươn ra các xã Thoại Giang, Vọng Đông, Định Mỹ, Định Thành, thị trấn Núi Sập (huyện Thoại Sơn), đến các xã ở huyện Tân Thạnh, Tân Hiệp (tỉnh Kiên Giang). Mô hình này được bà con chấp nhận, gia đình có việc làm ổn định, ông Phúc giữ được nghề”.

Là khách hàng thường xuyên của ông Phúc, ông Nguyễn Văn Nhịn (ấp Trung Bình, xã Thoại Giang) cho biết, thấy mô hình “nhà máy đến tận nhà”, lúc đầu gia đình ông ngạc nhiên, đắn đo việc này có lợi hay thiệt. Qua nhiều lần thực hiện và tính toán, thấy không ai bị thua thiệt. Thực chất, ông Phúc chỉ lấy công làm lời, còn người cần xay xát không tốn chi phí vận chuyển đi - về, chỉ mất một phần phụ phẩm; nếu muốn giữ lại trấu, cám có thể hoán đổi gạo, nếp. Điều này được bà con đồng tình và tự giới thiệu cho nhau.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Bình Thành Lữ Văn Khoa cho biết, trước dịch COVID-19 bùng phát, số khách hàng của nhà máy đã thưa thớt, sau đó gần như không có. Mô hình “phục vụ đến tận nhà” do ông Phúc tự nghĩ ra, được bà con tiếp nhận, đồng thuận cao và lan tỏa nhiều nơi. Hai người con của ông Phúc đã lập gia đình, công việc tự ông đảm nhận. Số lượng lúa, nếp thực hiện khoảng 5-10 giạ/ngày, được bà con ủng hộ. Địa phương khuyến khích mô hình này bởi nó thể hiện sự san sẻ, hỗ trợ nhau, mang đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

NGUYỄN RẠNG