Nhiều địa phương có chỉ số nóng bức và tia cực tím tăng cao

26/06/2021 - 14:17

Ngày 26-6, nắng nóng xuất hiện trở lại tại Bắc Bộ cùng với nắng nóng gay gắt kéo dài tại Trung Bộ vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt khiến chỉ số nóng bức (HI-Heat Index), chỉ số tia cực tím (UV) tại nhiều tỉnh, thành phố ở mức nguy hiểm và gây hại rất cao.

Nhiều địa phương có chỉ số nóng bức và tia cực tím ở mức nguy hiểm. Ảnh minh họa: Thành Đạt/TTXVN

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng vùng áp thấp nóng phía Tây phát triển và mở rộng dần về phía Đông Nam kết hợp với hiệu ứng phơn nên ngày 26-6, khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, phía Nam Sơn La và Hòa Bình có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ từ 35-36 độ C; khu vực Trung Bộ tiếp tục có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ C, có nơi trên 38 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất ngày phổ biến 50-65%.

Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ từ 12-16 giờ, ở Trung Bộ từ 10-17 giờ. Từ ngày 27-6, nắng nóng gay gắt có khả năng mở rộng ra toàn khu vực Bắc Bộ. Nắng nóng và nắng nóng gay gắt ở Trung Bộ còn kéo dài trong nhiều ngày tới.

Cụ thể, ngày 26-6, chỉ số nóng bức tại Thủ đô Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Hà Tĩnh, thành phố Quy Nhơn (Bình Định) đạt mức 41-54 (mức nguy hiểm). Tại mức nhiệt này, người dân có khả năng bị say nắng, kiệt sức vì nóng, thậm chí có thể bị sốc nhiệt nếu tiếp xúc với nắng nóng hoặc hoạt động thể chất kéo dài. 

Ngoài ra, nhiều địa phương có chỉ số nóng bức ở mức đặc biệt cẩn trọng (32-41) gồm: Thành phố Đà Nẵng, quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng), Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Phú Quốc (Kiên Giang) và quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Tại mức nhiệt này, người dân có khả năng say nắng, chuột rút hoặc kiệt sức vì nóng khi tiếp xúc với nắng nóng hoặc hoạt động thể chất kéo dài.

Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở khu vực Trung Bộ. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: cấp 1.

Để phòng chống các tác hại của nắng nóng, người dân không nên làm việc hoặc chơi thể thao ngoài trời quá lâu, cũng như tránh các hoạt động thể lực quá sức. Sau mỗi một giờ làm việc ngoài trời nắng nóng hoặc trong hầm lò, nhà máy, người lao động nên nghỉ giải lao khoảng 15 phút; luôn trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng khi lao động, đi lại, làm việc ngoài trời nắng như: quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính… (nên dùng áo cotton dài tay giúp hấp thụ mồ hôi của cơ thể trong khi vẫn giữ cơ thể được mát mẻ và nên mặc quần áo sáng màu để cơ thể hấp thụ nhiệt ít nhất).

Người dân cần mang theo đủ nước uống trước khi ra ngoài trời trong thời tiết nắng nóng để bù nước kịp thời. Với trẻ em và người cao tuổi, trong những ngày nắng nóng cần hạn chế đến mức tối đa ra nắng.

Ngày 26-6, các thành phố trên cả nước đều có chỉ số tia UV cực đại từ mức 8 đến 9, mức có nguy cơ gây hại rất cao. Dự báo các thành phố có chỉ số tia UV đạt mức nguy cơ gây hại rất cao gồm: Hạ Long (Quảng Ninh) ở mức 8.1, Hải Phòng 8.8, Thủ đô Hà Nội 8.6, Huế (Thừa Thiên - Huế) 8.1; Đà Nẵng 8.9; Hội An (Quảng Nam) 8.5; Nha Trang (Khánh Hòa) 9; Thành phố Hồ Chí Minh 8.2, Cần Thơ 8.2 và Cà Mau (Cà Mau) ở mức 8.4.

Từ ngày 27 đến 29-6, mức chỉ số tia UV cực đại trên cả nước được dự báo đều ở mức 9-10, mức có nguy cơ gây hại rất cao đến cơ thể người.

Việc tiếp xúc quá lâu với tia UV sẽ gây tổn thương và có nguy cơ dẫn đến ung thư da. Tia UV gây đứt gãy các liên kết giữa các phân tử, góp phần làm đột biến cấu trúc DNA và RNA trong nhân tế bào, đây là nguyên nhân chính gây ung thư các dạng như u hắc tố, ung thư liên bào đáy, u tế bào vảy, u tuyến bã... Tiếp xúc với bức xạ cực tím còn gây ra ức chế hệ thống miễn dịch.

Các nhà khoa học cho rằng, việc cháy nắng có thể làm thay đổi sự phân bố và chức năng của các tế bào bạch cầu suốt đến 24 giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng. Nếu tình trạng này lặp đi lặp lại lâu dài sẽ gây hại nhiều hơn đến hệ thống miễn dịch của con người.

Theo HOÀNG NAM (TTXVN)