Lăng mộ và đền thờ Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định tại tỉnh Tiền Giang
Theo Quốc sử quán triều Nguyễn, khoảng trước năm 1849, ông cưới bà Lê Thị Thưởng (Lê Thị Lập), con một nhà hào phú ở huyện Tân Hòa, phủ Tân An, tỉnh Gia Định - nay là vùng Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Sau khi ông tuẫn tiết, ở xứ Gò Công gần như không có thông tin cụ thể về ông. Còn nhiều điều bí ẩn liên quan đến gia đình ông, đặc biệt về thân thế của người vợ chính thất và con gái Trương Thị Long.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phan Quang, Lê Hữu Phước... khẳng định, năm 1849, ông Trương Định lấy bà Trần Thị Sanh làm vợ lẽ chỉ trong 2 năm. Điều này căn cứ theo đơn xin xây lại ngôi mộ chồng của bà Trần Thị Sanh vào năm 1874, gửi chính quyền tỉnh Gò Công: “Năm Kỷ Dậu (1849) tôi có làm vợ nhỏ của ông trong 2 năm 1849 - 1851. Mấy năm qua (10 năm), tôi sợ phép của Nhà nước, không biết làm sao. Bây giờ, tôi liều mình nói với ông xin ông giúp cho tôi”.
Sự kiện này còn được thể hiện trong báo cáo lên Nha Bản xứ sự vụ của viên chủ tỉnh Gò Công: “Vợ tên Trương Định khẩn thiết xin được xây ngôi mộ cho chồng, người đã bị giết trong khi đã chống lại chúng ta năm 1864”. Được đồng ý, bà xây ngôi mộ lớn bằng đá hoa cương, bia đá có nhiều câu đối. Tuy nhiên, khi ngôi mộ hoàn thành, vì lo sợ dân chúng ủng hộ nổi loạn, chính quyền thuộc địa đục bỏ các câu đối, nên hậu thế không thể biết nội dung. Bà Trần Thị Sanh là người vợ thứ, không có con với Trương Định, nhưng lại có gia thế rất đặc biệt: Là em họ của Thái hậu Từ Dũ triều Nguyễn.
Ông Trương Định và chính thất Lê Thị Thưởng sinh ra con trai Trương Quyền (Trương Văn Quyền) và con gái Trương Thị Long. Sau thất bại trận Gò Công ngày 25/2/1863, Trương Định và vợ đào thoát khỏi Gò Công, lập căn cứ ở vùng sình lầy bạt ngàn rừng cây Lý Nhơn - một làng nằm bên tả sông Soài Rạp, đối diện đồn điền Gia Thuận. Biết tin, quân Pháp tập trung tấn công Lý Nhơn. Trương Định đào thoát giữa vòng vây. “Quản Định suýt bị bắt, viên mã tà đã nắm lấy vai, nhưng anh ta né tránh, hạ gục tên lính và sau đó biến mất trong bụi rậm. Mặc dù bị truy đuổi, song anh ta đã trốn thoát một mình với một chiếc ghe nhỏ. Vợ anh ta được đưa đi cùng một số đồng đội và số người khác, do lang thang, đói khát trong rừng rậm nên không dám chống lại”- quan chức người Pháp Paulin Vial ghi lại.
Đến năm 1867, theo tin tức tình báo của người Pháp cho thấy “có người tên Lap chuyển thuốc súng từ Gò Công về Tây Ninh cho thủ lĩnh Trương Quyền”. Năm 1874, sử sách ghi nhận bà Lê Thị Lập về quê chồng ở Quảng Ngãi. Quốc sử quán triều Nguyễn mô tả: “Trước người nước Pháp đánh chiếm các tỉnh ở Nam Kỳ, Trương Định mộ quân chống đánh, sau thua bị chết, con sau đó cũng chết. Vợ Định là Lê Thị Thưởng không chỗ nương nhờ, trở về nguyên quán ở xã Tư Cung, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Quan tỉnh ấy thấy Định là người nghĩa khái đáng khen, mà vợ viên ấy một thân một mình, nghèo khổ, ốm đau thật đáng thương, tâu xin giúp được chuẩn cho cấp mỗi tháng 20 quan tiền, 2 phương gạo, hết đời thì thôi”.
Xác nhận thông tin này từ nguồn người Pháp cho thấy, vào năm 1891, bà Lê Thị Lập rời khỏi Gò Công sau ngày kháng chiến thất bại: “Sau chuyến bỏ trốn của một người bản xứ thua trận và vợ của anh ta, chính quyền Pháp ở Nam Kỳ đã cấp đất đai của người vợ này cho một bên thứ ba để sử dụng và thu nộp thuế". Theo Quốc sử quán triều Nguyễn, vào năm 1881, chính quyền Quảng Ngãi lập đền thờ Trương Định ở Tư Cung, còn thấy bà Lê Thị Lập vẫn thụ hưởng chế độ trợ cấp từ chính quyền tại đây.
Trong 2 người con của Trương Định, Trương Quyền rất nổi tiếng, còn bà Trương Thị Long gần như không được biết. Thông tin có được cho thấy, bà Trương Thị Long được sinh trước năm 1853, thể hiện trong một vi bằng phân chia tài sản ruộng đất năm 1853. Theo bản án tuyên bởi Tòa phúc thẩm Sài Gòn ngày 31/1/1895, chính quyền thuộc địa cho rằng, toàn bộ ruộng đất của cha mẹ bà trước đây đã bị tịch thu: “Trên thực tế, kẻ đứng đầu là kẻ thù không thể hòa giải của Pháp; đã bị trả giá và tất cả tài sản, nhà cửa, đất đai của anh ta bị tịch thu theo 2 mệnh lệnh của Phó Đô đốc Bonarđ, Thống đốc - kiêm Tổng Tư lệnh ngày 25/2 và ngày 3/3/1863. Vì vậy, tòa án đã bác khiếu nại của bà Trương Thị Long khi kiện một trong các hương chức ở làng Tân Phước, tổng Hòa Lạc Phượng, hạt Gò Công". Ngày 18/6/1890, bà Trương Thị Long khởi kiện ra Tòa án Mỹ Tho, xưng là con của chủ cũ, yêu cầu trả lại tài sản đã nhượng cho ông Lê Văn Chiêu (là bên thứ ba - bà con ruột của bà Lê Thị Lập). Kết quả việc này còn chưa được thông tin.
Kỷ niệm 160 năm (1864 - 2024) Anh hùng dân tộc Trương Đinh tuẫn tiết, các thông tin ẩn khuất, chưa rõ về “Bình Tây Đại Nguyên Soái”- nhân vật lịch sử đứng hàng đầu trong sự nghiệp giữ đất Nam Kỳ chống thực dân Pháp xâm lược ở giữa thế kỷ XIX - phần nào đã được vén màn. Trước hết, bà Lê Thị Lập cùng người chồng kháng chiến, chịu đựng khổ cực, thậm chí đổi tính mạng, làm “hậu cần” tích cực cho con trai nối nghiệp người chồng. Với bà Trần Thị Sanh, dù gắn bó với chồng không lâu, nhưng đứng ra xin phép xây dựng mộ cho “kẻ thù của Pháp” là việc ít hoặc không có người dám làm. Ngoài thể hiện tình nghĩa chồng vợ, còn thể hiện sự tri ân của người anh hùng đánh đuổi giặc, soi tấm gương cho mọi người trong lúc đất nước bị ngoại bang xâm chiếm. Người con gái Trương Thị Long xuất hiện khi bà đứng tên khởi kiện đến chính quyền, tòa án đòi lại tài sản gia đình từng sở hữu. Dù kết quả chưa thỏa mãn, nhưng đã thể hiện khi chất “dám đương đầu với cường quyền” qua nhiều lần tố tụng.
Những người thân bên đời Trương Định là góc khuất lịch sử, rất cần được làm rõ thêm để hiểu hơn tầm vóc của vị Anh hùng dân tộc. Với người con trai Trương Quyền, ông đã kháng Pháp đến hơi thở cuối cùng. Thậm chí, phong trào của ông lãnh đạo đã phát triển mạnh mẽ và lan rộng hơn nhiều so với người cha.
NGUYÊN HẢO