Nhiều nhiệm vụ, đề tài khoa học và công nghệ phát huy hiệu quả

24/06/2024 - 07:01

 - Từ năm 2023 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) An Giang đã nghiệm thu, thực hiện nhiều nhiệm vụ, đề tài, danh mục KH&CN cấp tỉnh, cấp cơ sở, phục vụ hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong đó, nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN được nhân rộng, phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội.

8 đề tài cấp tỉnh

8 đề tài cấp tỉnh có ý nghĩa thực tiễn cao, như: Áp dụng mô hình TELEMAC 3D để mô phỏng dòng chảy và vận chuyển trầm tích tại khu vực ngã ba sông Hậu và sông Vàm Nao (khu vực sạt lở xã Mỹ Hội Đông); thực trạng kiến thức, thực hành và một số yếu tố liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 của người dân và cán bộ y tế tuyến cơ sở TP. Long Xuyên năm 2021; xây dựng và phát triển mô hình nông - lâm nghiệp kết hợp cho vùng Bảy Núi; thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển An Giang; nghiên cứu xây dựng quy trình ương cá tra nâng cao tỷ lệ sống và chất lượng con giống quy mô hàng hóa; chọn lọc một số giống lúa mùa ruộng trên có chất lượng tốt tại TX. Tịnh Biên và Tri Tôn; nghiên cứu phát triển và xây dựng mô hình địa du lịch tại tỉnh; nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển du lịch TX. Tân Châu.

Theo TS Nguyễn Trần Nhẫn Tánh, Trường Đại học An Giang: Kết quả nghiên cứu cho thấy TELEMAC 2D và 3D có tiềm năng dự báo lòng dẫn hỗ trợ nghiên cứu sạt lở bờ sông. Đối với đề tài xây dựng và phát triển mô hình nông - lâm nghiệp kết hợp cho vùng Bảy Núi, đã xác định 9 mô hình cây trồng nông lâm kết hợp trên đất giao khoán của hộ gia đình đang được người dân sử dụng; lợi nhuận ở mô hình cây thực phẩm măng và cây ăn quả cao nhất 68,8 triệu đồng/hộ/năm.

Nghiên cứu quy trình sản xuất nhang thảo dược từ bã sả

Với đề tài chọn lọc một số giống lúa mùa ruộng trên có chất lượng tốt của GS.TS Nguyễn Thị Lang, đã chọn ra một dòng của giống AG3, AG4 và Móng Chim có dạng hình tốt và kèm theo các tính trạng tốt; năng suất ≥ 3,5 tấn/ha; chống chịu rầy nâu, đạo ôn và cháy bìa lá cấp 3 - 4; độ thơm ≥ 2...

Riêng giống Móng Chim có thể đáp ứng thị trường tiêu thụ tại Nhật Bản vì hạt tròn, nhỏ, thơm ngon, dễ canh tác. Ngoài ra, còn xây dựng 2 mô hình canh tác của 4 giống lúa (AG3, AG4, Móng Chim, Nàng Nhen); xây dựng 3 quy trình canh tác giống Móng Chim, AG3 và AG4 phù hợp vùng canh tác lúa mùa ruộng trên.

32 đề tài cấp cơ sở

Trong đó, lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội có các đề tài: Nghiên cứu chất lượng cuộc sống người khuyết tật hệ vận động tại TX. Tân Châu; nghiên cứu và áp dụng hệ thống quản lý đào tạo trực tuyến trên nền tảng Moodle và điện toán đám mây; nghiên cứu xây dựng hệ thống khử khuẩn ôtô tự động tại các cửa khẩu; sinh kế và khả năng thích ứng với đại dịch COVID-19 của lao động tự do trên địa bàn TP. Long Xuyên; thực trạng mắc bệnh lao phổi ở người tiếp xúc trên địa bàn huyện Thoại Sơn…

Lĩnh vực nông nghiệp, dược liệu có các đề tài: Nghiên cứu thử nghiệm hoạt chất kali silicate và nano silica lên sinh trưởng, năng suất, phẩm chất và phòng trị bệnh phấn trắng cây dưa leo; nghiên cứu xây dựng quy trình trồng ớt charapita và cải kale trong nhà lưới theo hướng an toàn; xây dựng quy trình chế biến sản phẩm nhang sạch bổ sung bột lá chúc giàu tinh dầu có lợi cho sức khỏe; đánh giá khả năng sinh trưởng và thích nghi của giống hoa huệ hồng mới Polianthes tuberosa “Pink Sapphire"; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng nước thốt nốt khi thu hoạch vào mùa mưa; nghiên cứu quy trình chế biến sản phẩm thịt nhãn sấy dẽo và bột hạt nhãn ứng dụng công nghệ sấy áp suất và nhiệt độ thấp; ứng dụng chủng men Aspergiluss oryzace để nuôi cá rô thâm canh trong ao đất; nghiên cứu ứng dụng vi khuẩn Acetobacter thuần chủng trong quá trình lên men và sản xuất sản phẩm giấm ăn đóng chai từ nguồn nguyên liệu trái chúc và trái chuối già thu hoạch tại TX. Tịnh Biên; nghiên cứu một số biện pháp xử lý ra hoa và đánh giá hiệu quả kinh tế trên cây nhãn Ido; sản xuất và tiêu thụ cây dược liệu trong thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại TX. Tịnh Biên…

Điển hình như đề tài "Nghiên cứu quy trình sản xuất tinh dầu từ rau củ quy mô phòng thí nghiệm" của kỹ sư Nguyễn Hoàng Thái (Trung tâm Công nghệ sinh học) đã xây dựng được 3 quy trình sản xuất tinh dầu gừng, húng quế và tía tô. Đề tài xây dựng quy trình chế biến sản phẩm nhang sạch bổ sung bột lá chúc giàu tinh dầu có lợi cho sức khỏe của DS. CKI Trịnh Huyền Trang (Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Long Xuyên) đã xây dựng 1 quy trình sản xuất nhang lá chúc trên quy mô phòng thí nghiệm, 1 quy trình sản xuất nhang lá chúc trên quy mô pilot và sản xuất 3 loại nhang từ bã lá chúc, bột lá chúc và hỗn hợp bã lá chúc và bột lá chúc.

TS Trần Nghĩa Khang (Trường Đại học An Giang) thực hiện đề tài nghiên cứu quy trình chế biến kẹo ngậm và si-rô sâm đại hành đã xây dựng quy trình sấy khô, nhằm tăng khả năng bảo quản sâm đại hành và quy trình chế biến kẹo ngậm từ dịch trích sâm đại hành. Đề tài xây dựng quy trình chế biến các sản phẩm khô ăn liền từ phụ phẩm trái mít của ThS Lâm Cẩm Hoa (Trung tâm Kỹ thuật - Dịch vụ nông nghiệp) đã thực hiện được 1 quy trình sản xuất khô ăn liền vị bò/vị mực từ xơ và thịt vỏ mít quy mô nghiên cứu phòng thí nghiệm; 1 quy trình sản xuất chà bông ăn liền từ xơ mít quy mô nghiên cứu phòng thí nghiệm...               

HẠNH CHÂU