Nhiều thách thức trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT

17/04/2018 - 06:28

 - Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, việc thực hiện BHXH, BHYT vẫn còn nhiều thách thức...

An Giang là địa phương có dân số đông; trên địa bàn không có khu công nghiệp lớn, hầu hết các doanh nghiệp thuộc nhóm vừa và nhỏ (nhóm siêu nhỏ chiếm tỷ trọng 30%). Điểm xuất phát về độ bao phủ số người tham gia BHXH, BHYT thấp; nguồn nhân lực lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ trọng lớn, đại bộ phận bà con nông thôn sống bằng nghề nông, với mặt hàng chủ đạo là: lúa, cá và hoa màu.

Sau các mùa vụ nông nghiệp, lao động dịch chuyển đi làm việc tại các tỉnh có khu công nghiệp tập trung như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, TP. Cần Thơ… chiếm tỷ trọng khá lớn, chưa thống kê, kiểm soát được. Số người trong tỉnh được ngân sách Trung ương, địa phương hỗ trợ mua BHYT chiếm tỷ trọng thấp so với dân số; mặt khác, nhận thức của người dân về chính sách BHXH, BHYT có nơi vẫn còn hạn chế.

Việc ban hành hoặc dự kiến ban hành những chính sách mới đã ảnh hưởng tác động rất lớn đến đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Điều đó phần nào ảnh hưởng đến công tác phát triển, mở rộng đối tượng tham gia và quyền lợi thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước. 

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về chính sách BHXH, BHYT

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về chính sách BHXH, BHYT

Giám đốc BHXH tỉnh Vũ Hoàng Cương cho biết: “Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, toàn tỉnh đã vận động 106.000 người tham gia BHXH, 87.600 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, (BHTN), 1,655 triệu người tham gia BHYT (đạt 76,52% dân số).

Tuy nhiên, tỷ lệ người tham gia BHXH, BHYT có tăng nhưng chưa đạt chỉ tiêu Tỉnh ủy và so mặt bằng chung cả nước còn thấp. Tỷ lệ hộ gia đình tham gia BHYT đạt gần 50% trên số thuộc diện vận động, một số xã nông thôn mới không duy trì được tỷ lệ người dân tham gia BHYT. Trục lợi quỹ BHXH, BHYT, trốn đóng, nợ BHXH, BHYT còn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng quyền lợi người lao động”.

Ngân sách Trung ương, tỉnh chưa bố trí kịp thời các nguồn hỗ trợ theo quy định vào quỹ BHYT, tính đến cuối năm 2017 còn nợ 294 tỷ đồng. Quỹ khám, chữa bệnh (KCB) mất cân đối trong nhiều năm do thay đổi chính sách, mở rộng quyền lợi cho đối tượng tham gia, tác động của chính sách thông tuyến KCB và tác động của giá viện phí. Việc quản lý thanh toán thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật theo chế độ  BHYT còn hạn chế nên chưa kiểm soát chặt chẽ chi phí KCB BHYT, làm chi phí gia tăng, mất cân đối quỹ.

Ông Cương phân tích: “Tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp thời gian qua gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc không tham gia đủ số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH , BHYT, BHTN. Tình hình nợ, chậm đóng ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp dẫn đến việc BHXH tỉnh phải lập thủ tục khởi kiện. Trong khi đó, Thanh tra chuyên ngành lao động, y tế “mỏng”, phải đảm đương nhiều lĩnh vực, nên đầu tư cho lĩnh vực BHXH, BHYT còn khiêm tốn; quy định xử phạt, thi hành án còn nhiều bất cập, chưa đủ mức răn đe; kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp tìm cách né tránh, nợ, chậm đóng, trốn đóng theo nghĩa vụ tham gia BHXH, BHYT cho người lao động”.

Đối tượng tham gia BHXH còn thấp so với tiềm năng, chiếm 10% lực lượng lao động nói chung, chiếm gần 30% lao động làm việc khu vực phi nông nghiệp; trong đó người lao động làm việc tại cơ quan hành chính, Đảng, đoàn thể chiếm 58% (50.600 người). BHXH tự nguyện là chính sách khá mới với người dân, có ý nghĩa về mặt lâu dài, hầu hết người dân chưa thật sự quan tâm; phần đông người dân thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện làm việc ở khu vực nông nghiệp, thu nhập thấp, không ổn định, kinh tế còn nhiều khó khăn không đủ điều kiện để tham gia.

Theo lộ trình Chính phủ giao, năm 2018 đạt 81,5% dân số tham gia BHYT, đến năm 2020 đạt 90% dân số. Phấn đấu đạt 50% lực lượng lao động đang làm việc tại các ngành kinh tế phi nông nghiệp tham gia BHXH vào năm 2020.  Để thực hiện đạt các chỉ tiêu, cần nhiều giải pháp đột phá, quyết liệt. Các ngành, các cấp cần thể hiện quyết tâm chính trị cao, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, đưa chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện tốt vai trò thành viên Tổ an sinh xã hội, Ban Chỉ đạo thực hiện Luật BHYT và lộ trình BHYT toàn dân tỉnh An Giang; nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên. Đặc biệt là làm cho người lao động và Nhân dân nhận thức sâu sắc và sự quan tâm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của họ về chính sách BHXH, BHYT, đưa chính sách BHXH, BHYT trở thành trụ cột chính trong chính sách an sinh xã hội của địa phương.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU