Nhiều thách thức về an ninh nguồn nước ở Việt Nam

22/03/2021 - 13:47

Việt Nam là quốc gia có mạng lưới sông ngòi dày đặc và nguồn tài nguyên nước dồi dào. Tuy nhiên, giờ đây, ở nhiều nơi, người dân đang đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, điều này đặt ra mối lo ngại về an ninh nguồn nước trong thời gian tới.

Nguồn nước suy giảm, nhiều nơi thiếu nước

Liên tiếp những năm gần đây, cuộc sống của người dân tại Tây Nguyên gặp rất nhiều khó khăn, khi hạn hán liên tiếp, sông, suối, hồ đập hầu như cạn kiệt, người dân thiếu nước sinh hoạt cũng như sản xuất. Những rừng cà phê xanh mướt giờ đã giảm hơn trước về diện tích cũng như năng suất vì thiếu nước, đời sống người dân đã khó khăn càng khó khăn hơn.

Không chỉ Tây Nguyên mà Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từng được đánh giá là khu vực giàu có về tài nguyên nước, vùng nông nghiệp trù phú bậc nhất cả nước cũng đang đứng trước nguy cơ mất an ninh lương thực và khó đạt được các mục tiêu phát triển bền vững do nguồn nước bị suy giảm cả về lượng và chất.  Hiện nay, mùa mặn ở ĐBSCL sớm hơn trong quá khứ, tần suất các đợt mặn nghiêm trọng có xu hướng tăng lên, diện tích hạn mặn tiềm năng mùa khô có thể lên đến 65 - 70%.  Tình trạng hạn hán, mặn xâm nhập ở đây khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Chú thích ảnh

Một vườn cây cà phê ở Đắk Lắk bị héo xác xơ do thiếu nước tưới. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.

Đó là những thực trạng cho thấy hồi chuông báo động về vấn đề an ninh nguồn nước hiện nay tại Việt Nam. 

Theo các chuyên gia, Việt Nam là nước có hệ thống sông ngòi dày đặc với 2.372 con sông và nguồn nước mưa dồi dào, mỗi năm khoảng 100 ngày mưa với lượng mưa trung bình 1.500 - 2.000 mm. Tuy nhiên tại Việt Nam lại đang tồn tại một nghịch lý, khi mưa nhiều thì lũ lụt, ngập úng; hết mưa thì hạn hán, thiếu nước sạch dùng cho sinh hoạt.

Theo tính toán, lượng nước bình quân/người tại Việt Nam đã giảm khá nhanh từ 12.800 m3 vào năm 1990, còn 9.700 m3 năm 2010 và có khả năng chỉ còn 8.300 m3/người vào năm 2025 khi dân số Việt Nam đạt 100 triệu người. Trong khi nguồn nước ngầm đang ngày càng cạn kiệt và bị khai thác quá mức ở nhiều nơi, thì nguồn nước ngọt thay thế bù vào nhu cầu nước ngày càng tăng trong tương lai sẽ là nguồn nước mưa và nước tái sinh. Tuy nhiên, cả 2 nguồn nước này đang chưa được quan tâm đúng mức.

Đánh giá về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam là một nước ở hạ lưu các sông quốc tế, thường xuyên phải gánh chịu các thảm họa do nước gây ra, phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước và suy giảm nguồn nước do khai thác quá mức ở nhiều nơi. Bởi vậy tài nguyên nước của Việt Nam đang ẩn chứa nhiều yếu tố thiếu bền vững cho phát triển.

Ông Hà cho biết tổng lượng dòng chảy mặt trên lãnh thổ nước ta vào khoảng 830 - 840 tỉ m3, trong đó khoảng 63% có nguồn gốc từ bên ngoài lãnh thổ. Theo quan điểm của Hiệp hội Nước quốc tế, tổng lượng nước bình quân đầu người đạt khoảng 9.560 m3/người/năm. Theo ông Hà, nếu tính theo lượng nước nội sinh thì chỉ đạt khoảng 4.000 m3/người/năm, thấp hơn chuẩn của quốc gia có tài nguyên nước trung bình là 10.000 m3/người/năm.

Mặt khác, do dòng chảy phân bố không đều theo mùa và theo vùng, trong đó 70 - 80% tổng lượng dòng chảy tập trung trong mùa lũ, mùa khô kéo dài từ 6-9 tháng với tổng lượng dòng chảy chỉ chiếm khoảng 20 - 30% nên về cơ bản Việt Nam vẫn là quốc gia thiếu nước.

Năm 2021 được đánh giá tiếp tục là năm khó khăn với nguy cơ khô hạn, thiếu nước cục bộ tại các tỉnh Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên vào khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 4, sau đó mở rộng ra các tỉnh khác ở khu vực Trung Bộ.

Xâm nhập mặn ở ĐBSCL cũng được dự báo gia tăng và xâm nhập sâu tại các cửa sông chính từ nửa cuối tháng 1. Tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông, triều cường và còn nhiều biến động trong thời gian tới. 

Tái tạo và bảo vệ nguồn nước hợp lý

Theo đánh giá của các chuyên gia, ngoài vấn đề phụ thuộc vào nguồn nước ngoại khối, thì vấn đề an ninh nguồn nước tại Việt Nam còn gặp khó khăn do tình trạng sử dụng nước còn kém hiệu quả, lãng phí trong sản xuất cũng như sinh hoạt.  Nguồn nước mặt, nước ngầm bị ô nhiễm do hoạt động xả thải chưa qua xử lý từ các cơ sở sản xuất cũng như từ sinh hoạt hằng ngày. Cùng với đó là tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu khi nước biển dâng khiến tình trạng mặn xâm nhập diễn biến càng xấu hơn…

Chú thích ảnh

Những con kênh phục vụ tưới tiêu cho đồng ruộng ở xã Hưng Yên, huyện An Biên, Kiên Giang bị nhiễm mặn trầm trọng, là nguyên nhân chính dẫn đến độ mặn cao lấn sâu vào nội đồng làm mất mùa, chết lúa. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN.

Tiến sỹ Lê Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ) cho biết, bất cập hiện nay ở các dự án phát triển liên quan đến an ninh nguồn nước đó là các dự án tiêu thụ quá nhiều nước, có thể gây thiếu hụt về số lượng trong một thời điểm; làm thay đổi hệ sinh thái nước, gây bất lợi cho tính đa dạng sinh học. Đồng thời, các dự án còn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân.... Do đó, việc đánh giá tác động môi trường các dự án không chỉ là xác định các nguy cơ liên quan đến an ninh nguồn nước mà còn phải xác định những giải pháp để loại trừ hoặc giảm thiểu ở mức tối đa các tác động tiêu cực đến tài nguyên nước.

Kiến nghị các biện pháp tăng cường an ninh nguồn nước trong điều kiện biến đổi khí hậu, Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Trưởng ban Ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, trước hết, Việt Nam cần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước qua phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông. Cùng với đó, tăng cường đầu tư khoa học - công nghệ trong quy hoạch, thiết kế, xây dựng, hiện đại hóa tạo ra các hạ tầng nước thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu để nâng mức đảm bảo và hiệu quả sử dụng nước của các hệ thống công trình tưới tiêu,cấp thoát nước, công trình phòng chống thiên tai.

Đồng thời, cần nâng cao nhận thức và sự tham gia của các bên liên quan, cộng đồng trong quản trị tài nguyên nước quốc gia; phát huy, tăng cường vai trò, quyền hạn của các tổ chức xã hội trong quá trình xây dựng, thực hiện pháp luật, chính sách, chiến lược, kế hoạch liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nước nói riêng.

Xét về góc độ quản lý, theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, thể chế quản lý tài nguyên nước còn bất cập do nhiều bộ, ngành cùng quản lý. Chính sự phân mảnh, cắt khúc ở nhiều cơ quan khiến việc quản lý tài nguyên nước trở nên chồng chéo, chưa thống nhất, không tập trung được nguồn lực, chi phí quản lý lớn nhưng hiệu quả lại không cao. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa hình thành được bộ cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước. Việc phát triển kinh tế chưa phù hợp với khả năng chịu tải của tự nhiên, khả năng cung ứng của nguồn nước.

Theo ông Triệu Ðức Huy, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Ðiều tra quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường), để giải bài toán thiếu hụt nguồn nước, điều quan trọng là quản lý, trữ nước và sử dụng hiệu quả nguồn nước, xác định cơ cấu cây trồng, chuyển đổi mùa vụ, hiệu quả kinh tế của các đối tượng sử dụng nước.

Đặc biệt, theo ông Huy, tài nguyên nước ngầm cần được coi là nguồn dự trữ chiến lược để bảo đảm an ninh cho cấp nước sinh hoạt, phải quản lý chặt chẽ nguồn nước này, tuyệt đối không dùng cho tưới và nuôi trồng thủy sản, công nghiệp, cũng như phải điều chỉnh giảm lưu lượng, mật độ khai thác nước ngầm ở các khu đô thị. 

Theo đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong thời gian tới, Bộ sẽ tiến hành rà soát, sửa đổi Luật Tài nguyên nước, trong đó, cần có các quy định khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển tài nguyên nước và các dịch vụ về nước như: điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình điều tiết nước, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về nước theo phương thức xã hội hóa. Mặt khác, cần quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sở hữu công trình tài nguyên nước hoặc thực hiện các dịch vụ về nước.

Đồng thời, cần phải rà soát lại hệ thống pháp luật liên quan đến cấp nước sinh hoạt cho người dân để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu bảo đảm an toàn tuyệt đối trong việc cấp nước sinh hoạt.

Về trách nhiệm, theo đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước, cần quy định đầy đủ, rõ ràng quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước từ Bộ ngành tới chính quyền địa phương các cấp để đảm bảo quản lý nguồn nước hiệu quả.

Theo THU TRANG (Báo Tin Tức)