Trong đó, trường dành 55% để xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, trường tuyển thẳng, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ GD&ĐT.
Nhà trường xét tuyển với 4 nhóm, gồm: học sinh trường quốc tế; có chứng chỉ ngoại ngữ hoặc điểm SAT; thuộc trường THPT nằm trong danh sách ưu tiên của Đại học Quốc gia TP.HCM; thi V-SAT. So với các năm trước, điểm kỳ thi đánh giá đầu vào V-SAT lần đầu được sử dụng.
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch là trường Y Dược đầu tiên công bố chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh hệ chính quy. Theo đó, nhà trường dự kiến tăng chỉ tiêu tuyển sinh một số ngành so với năm 2024: ngành Y học cổ truyển tăng 20%; Điều dưỡng tăng 10%; Dược học tăng 30%. Các ngành còn lại không tăng chỉ tiêu.
Trường Đại học Tài chính - Marketing sẽ mở thêm ngành Luật thương mại và Kỹ thuật phần mềm. Chỉ tiêu của trường là 4.350 (tăng 50 chỉ tiêu so với năm 2024). Các phương thức xét tuyển được giữ ổn định như năm trước.
Trường dự kiến chú trọng 2 môn chính là Toán, Ngữ văn. Các tổ hợp xét tuyển của trường sẽ hỗ trợ cho thí sinh, lấy trên tổng số 9 môn học thích ứng với các môn mà các học sinh đã lựa chọn để thi tốt nghiệp THPT.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến năm tuyển 7.990 sinh viên cho 62 ngành và chương trình đào tạo (tăng 340 chỉ tiêu so với năm 2024).
Trường sử dụng 5 phương thức gồm: xét tuyển thẳng (không giới hạn chỉ tiêu), xét điểm chứng chỉ quốc tế hoặc giải học sinh giỏi kết hợp với điểm học bạ cả ba năm THPT của ba môn theo tổ hợp (10%); dựa vào kết quả thi tốt nghiệp (80%); dựa vào điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội kết hợp học bạ (5%) và kết quả thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội kết hợp học bạ (5%).
So với năm ngoái, Đại học Công nghiệp Hà Nội bỏ xét độc lập điểm học bạ, thay vào đó là kết hợp tiêu chí này với chứng chỉ quốc tế, giải học sinh giỏi, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy.