Nhiều vụ vận chuyển hàng hóa trái phép bị phát hiện

06/01/2020 - 07:54

 - Năm 2019 khép lại, đây được xem là năm các lực lượng có chức năng chống buôn lậu đẩy mạnh hoạt động điều tra, kiểm soát hàng hóa nhập lậu từ biên giới đến thị trường nội địa, từ đó đã hạn chế đến mức thấp nhất các hoạt động buôn lậu trên tuyến biên giới, góp phần bảo vệ nền sản xuất trong nước.

.

Lực lượng chức năng mang heo đi tiêu thủy

“Nhìn chung, hàng hóa vận chuyển trái phép trên địa bàn tỉnh trong năm 2019 có số lượng bắt giữ lớn vẫn là đường cát và thuốc lá điếu ngoại nhập. Trong năm, các lực lượng có chức năng phòng, chống buôn lậu như: hải quan, công an, biên phòng, quản lý thị trường đã mở nhiều đợt tấn công, triệt phá nhiều đường dây buôn lậu từ biên giới đến nội địa, từ đó đã góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn có hiệu quả hoạt động của các đối tượng buôn lậu” - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 tỉnh Huỳnh Ngọc Hồ thông tin.

Một điển hình trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm qua 2019 là vụ khám xét kho chứa hàng hóa của Công ty TNHH Di Thạnh vào ngày 22-11-2019. Thời điểm này, các lực lượng chức năng chống buôn lậu gồm: Cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh và C03 (Bộ Công an) tiến hành khám xét kho chứa hàng hóa của Công ty TNHH Di Thạnh (tại tổ 19, đường Tôn Đức Thắng, khóm Mỹ Thành, phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc). Tại thời điểm khám xét, các lực lượng chức năng đã phát hiện số lượng đường tại kho và trên 4 phương tiện đang đậu (tại kho) 517.450kg. Đây là đường dây buôn lậu có tổ chức với quy mô lớn. “Thủ đoạn của các đối tượng này là mua đường từ Campuchia rồi thay bao bì, nhãn mác tiếng Việt ngay trên biên giới, sau đó tổ chức phân phối nhỏ lẻ và đưa về kho để mang đi tiêu thụ” - ông Hồ chia sẻ thêm.

Tại thời điểm kiểm tra, mặc dù đại diện công ty này có trình hóa đơn, chứng từ để chứng minh số đường này là hợp lệ, nhưng với sự vào cuộc của C03 và các lực lượng chức năng tỉnh, đường dây hợp thức hóa đường cát nhập lậu thành đường cát sản xuất trong nước đã bị “bóc gỡ”. Trong chuyên án này, Bộ Công an đã tiến hành khởi tố hình sự đối với các đối tượng cầm đầu.

Ngoài thuốc lá, đường cát, rượu, bia, gỗ, phế liệu… thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển heo hơi không rỏ nguồn gốc, xuất xứ từ biên giới vào nội địa để giết mổ. Cụ thể, ngày 25-10-2019, Đoàn kiểm tra Đội quản lý thị trường số 1 tiến hành kiểm tra xe ôtô tải biển kiểm soát 67C-112.86, do tài xế Nguyễn Hữu Giáp (sinh năm 1974, tạm trú tại số 39 Trần Khánh Dư, ấp Bình Hòa, thị trấn Cái Dầu, Châu Phú) điều khiển, chở gia súc. Địa điểm bắt giữ tại ngã ba búng Bình Thiên (Quốc lộ 91C, thuộc ấp Đồng Ky, xã Quốc Thái, An Phú). Qua kiểm tra, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện trên xe vận chuyển 50 con heo hơi, trọng lượng 4.698kg, không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, cũng như hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Số heo này đã bị tịch thu và đưa đi tiêu hủy.

“Năm nay giá heo nội địa tăng cao, thời điểm cuối tháng 12-2019 lên đến 86.000 đồng/kg mà không có heo mua, từ đó một số thương lái đã sang Campuchia tìm heo để đưa về tiêu thụ. Phần lớn trong số này là không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp, vì vậy đa phần bị lực lượng chức năng bắt giữ” - ông Trần Văn Tá (lái heo trong tỉnh) cho biết.

Nhìn lại hoạt động phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2019 cho thấy, công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một hoạt động đầy khó khăn, gian khổ, đòi hỏi các lực lượng chức năng phải kiên trì, mưu trí, sáng tạo, đồng thời phải xác định, đây là việc làm thường xuyên, lâu dài. Có như vậy công tác này mới tiếp tục phát huy được hiệu quả trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

“Ngoài 2 mặt hàng kể trên, các mặt hàng: mỹ phẩm, thực phẩm; quần áo cũ, vải, hàng điện tử và điện lạnh đã qua sử dụng; gỗ, sản phẩm từ gỗ, phế liệu và hàng hóa tiêu dùng khác cũng được các đối tượng buôn lậu đưa qua biên giới. Trong năm cũng đã nổi lên tình trạng vận chuyển phế liệu nhập lậu trái phép gồm: bọc ny-lon, giấy, vỏ chai, lon, sắt, thép từ Campuchia vào Việt Nam. Đối tượng buôn lậu còn vận chuyển ngoại tệ (USD), tiền Việt Nam trái phép qua biên giới..” - ông Huỳnh Ngọc Hồ chia sẻ.

MINH HIỂN

 

Liên kết hữu ích