Nhìn vào thực trạng ĐBSCL để thay đổi, phát triển

16/08/2022 - 04:15

 - Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022 với chủ đề “Chuyển đổi mô hình phát triển và Quy hoạch tích hợp”, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam) phối hợp thực hiện đã chỉ ra bức tranh thực tại của ĐBSCL. Từ đó, gợi mở định hướng, giải pháp phát triển bền vững hơn, tương xứng hơn với tiềm năng và đóng góp của vùng đất “Chín Rồng”.

Vùng đất dễ bị tổn thương

Dù là vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước, “vựa lương thực” quan trọng của thế giới, nhưng ĐBSCL cũng dễ bị tổn thương và tác động, không chỉ bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng mà còn bởi những biến động của tình hình trong nước và thế giới.

Theo nhóm nghiên cứu được dẫn dắt bởi ThS Nguyễn Phương Lam (Giám đốc VCCI tại Cần Thơ) và TS Vũ Thành Tự Anh (Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam), nền kinh tế ĐBSCL vốn đã tăng trưởng chậm lại từ trước năm 2019, nay phải chịu thêm cú sốc nặng nề từ đại dịch COVID-19. Tốc độ tăng trưởng của vùng giảm sâu từ 7,14% (năm 2019) xuống chỉ còn 2,42% (năm 2020, trong khi bình quân cả nước 2,9%), sau đó rơi tiếp xuống mức -0,43% (năm 2021), trong khi cả nước vẫn duy trì mức tăng trưởng +2,6% dù cùng chịu tác động của dịch COVID-19.

Nếu được đầu tư nguồn lực và định hướng tốt, ĐBSCL sẽ là nơi đáng sống

Theo TS Vũ Thành Tự Anh, sở dĩ tăng trưởng kinh tế vùng ĐBSCL chịu tác động của đại dịch COVID-19 nghiêm trọng hơn so mặt bằng chung cả nước là do đặc thù cơ cấu kinh tế của vùng. Mặc dù không phải là nền kinh tế hiện đại, song tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu GRDP của ĐBSCL cao hơn so với cả nước, mà dịch vụ là khu vực chịu tác động nặng nề nhất của dịch COVID-19.

Trong khi đó, sự yếu kém có tính cố hữu của khu vực công nghiệp ĐBSCL đã được chứng minh khi năm 2021, khu vực công nghiệp giảm sâu (-2,26%), thấp hơn so mức tăng trưởng 4,05% của cả nước.

Điểm sáng kinh tế lớn nhất của ĐBSCL là khu vực nông nghiệp, duy trì mức tăng trưởng dương trong 2 năm 2020 (tăng 2,02%) và 2021 (tăng 1,57%). Tuy nhiên, một mình ngành nông nghiệp không đủ sức vực dậy nền kinh tế của ĐBSCL, do dịch vụ và công nghiệp chiếm tới hơn 70% GDP của vùng.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính của tình trạng suy giảm kinh tế vùng ĐBSCL là do giãn cách xã hội kéo dài trong quý III/2021 ở miền Nam, đặc biệt do sự thiếu linh hoạt và đồng bộ về các biện pháp phòng, chống dịch và giãn cách xã hội giữa các địa phương, đã gây đứt gãy chuỗi cung ứng, cản trở khả năng tiếp cận của hàng hóa đối với TP. Hồ Chí Minh, khiến gia tăng chi phí vận chuyển và logistics.

Điều này cho thấy, công nghiệp và dịch vụ của ĐBSCL có sức chống chịu và khả năng hồi phục trước khủng hoảng tương đối thấp. Nếu như năm 2020, chỉ có duy nhất TP. Cần Thơ chịu tác động suy thoái kinh tế với mức tăng trưởng -2,7% thì đến năm 2021, có tới 6/13 tỉnh, thành phố bị suy thoái kinh tế, nghiêm trọng nhất là Vĩnh Long (-4,55%), Trà Vinh (-3,92%), Cần Thơ (-2,79%), Cà Mau (-2,68%).

Động lực phát triển

Theo số liệu PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), chất lượng điều hành kinh tế là thế mạnh của vùng ĐBSCL, trong khi chất lượng cơ sở hạ tầng, nguồn lao động và sự phát triển của các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh là hạn chế cơ bản, khiến ĐBSCL thiếu sức hút với các nhà đầu tư. Tuy ĐBSCL chiếm gần 20% dân số cả nước, nhưng tỷ trọng DN giảm từ 7,6% xuống chỉ còn 6,7% trong giai đoạn 2017-2021, trong khi tốc độ tăng DN trung bình thấp nhất cả nước, chỉ ở mức 4,1%/ năm.

Trong 4 năm trở lại đây, chỉ số “đào tạo lao động” của ĐBSCL luôn nằm trong nhóm thấp của cả nước. Nguồn lao động dồi dào đã mất đi, do lao động trẻ di cư đến vùng Đông Nam Bộ, còn giá rẻ thì lại đi đôi với chất lượng thấp. Giai đoạn 2017-2021, ĐBSCL là vùng có tỷ lệ giảm lao động lớn nhất cả nước, ở mức -42%. Đáng lo ngại khi ĐBSCL là vùng duy nhất trong cả nước có xu hướng giảm số lượng lao động ở tất cả các năm trong giai đoạn 2017-2021.

Trước và sau Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Quốc hội ban hành đều rất quan tâm đến phát triển vùng ĐBSCL, luôn khẳng định vai trò và vị trí chiến lược của vùng ĐBSCL trong phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của cả nước. Theo nhóm nghiên cứu của VCCI tại Cần Thơ và Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Nghị quyết 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KTXH, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, nhà nước đối với vùng.

Đây là cơ sở chính trị quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách để khai thác và phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển nhanh và bền vững toàn vùng và của các địa phương ĐBSCL trong thời gian tới.

Trước đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP, ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngày 28/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Đây là cơ sở để quy hoạch và định hình lại quá trình sản xuất và phát triển KTXH khu vực  ĐBSCL trên cơ sở phát triển bền vững, biến thách thức thành cơ hội, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hiệu quả, phát triển từ phân tán sang tập trung, tăng cường liên kết ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ…

Để theo kịp chủ trương phát triển ĐBSCL, các địa phương trong vùng cần có bước đi cụ thể; cộng đồng DN cần nắm bắt và tiếp cận các định hướng, chiến lược phát triển có hệ thống và đồng bộ. Với việc tập hợp các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực quy hoạch, kinh tế, chính sách, nông nghiệp, biến đổi khí hậu, giao thông vận tải, logistics, báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL góp phần cung cấp giải pháp tham vấn và lộ trình tiếp cận để sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống, giúp vùng đất này phát triển tương xứng với tiềm năng.

Dịch bệnh kéo dài làm sứ mệnh an ninh lương thực trở nên nặng nề hơn với ĐBSCL. Tuy nhiên, an ninh lương thực không đồng nghĩa với việc phải giữ một lượng lớn đất cho sản xuất nông nghiệp. Chuyển đổi nông nghiệp toàn diện sẽ là giải pháp giúp ĐBSCL cải thiện năng suất và gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, trong khi vẫn dành được dư địa đất đai cho phát triển công nghiệp và hạ tầng.


NGÔ CHUẨN