Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba

18/04/2024 - 06:08

 - “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Câu ca ấy đã in sâu trong tiềm thức mỗi người dân Việt Nam. Ngày 10/3 (âm lịch) hàng năm - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương trở thành ngày lễ của cả dân tộc nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng. Đây còn là dịp để con cháu bày tỏ lòng biết ơn với các vị vua Hùng có công xây dựng, bảo vệ đất nước.

Ảnh: Internet

Lễ hội Đền Hùng còn gọi là Giỗ Tổ Hùng Vương, có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày mùng 10/3 (âm lịch), tại Đền Hùng (TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Trước đó hàng tuần, lễ hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa dân gian và kết thúc vào mùng 10/3 với lễ rước kiệu và dâng hương tại Đền Thượng.

Để ghi nhớ công ơn của các Vua Hùng có công khai thiên, lập địa, vua Lê Thánh Tông năm 1470 và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, chọn ngày 11 và 12/3 (âm lịch) làm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Đến thời nhà Nguyễn - năm Khải Định thứ 2 chính thức chọn ngày 10/3 (âm lịch) làm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ các Vua Hùng và nhắc nhở mọi người Việt Nam cùng tưởng nhớ thờ cúng tổ tiên.

Ngày 6/12/2012, Giỗ Tổ Hùng Vương được cả thế giới biết đến khi UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và là niềm tự hào của người Việt trước bạn bè quốc tế. Năm 2007, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam chính thức công nhận Giỗ Tổ Hùng Vương là quốc lễ. Từ đó, ngày này có ý nghĩa đặc biệt hơn với con dân người Việt.

Năm nay, từ ngày 9 - 18/4 (tức từ ngày 1 đến hết 10/3 âm lịch), UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa Du lịch Đất Tổ năm Giáp Thìn 2024 nhằm tôn vinh truyền thống yêu nước, khơi dậy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc hướng về nguồn cội, tri ân công đức tổ tiên; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên quê hương Đất Tổ. Trong đó, phần lễ, gồm: Lễ Giỗ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ; lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương (diễn ra vào ngày 18/4, tức ngày 10/3 âm lịch)…

Phần hội với điểm nhấn là Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ sẽ có nhiều hoạt động văn hóa độc đáo, hấp dẫn, thu hút khách du lịch, như: Trình diễn hát Xoan làng cổ tại các phường Xoan gốc An Thái, đình Thét, miếu Lãi Lèn, đình Hùng Lô (TP. Việt Trì); giải bóng chuyền các đội mạnh tranh cúp Hùng Vương; Hội chợ thương mại và trưng bày sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Đặc biệt là Chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa tầm cao tại hồ Công viên Văn Lang, diễn ra vào tối 17/4 (ngày 9/3 âm lịch)…

Đến với Lễ hội Đền Hùng và Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm nay, người dân và du khách được chứng kiến các hoạt động tưởng nhớ và tri ân các Vua Hùng, trải nghiệm và tham gia nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc từ những lễ hội truyền thống, các sự kiện văn hóa đặc biệt, đến những giải đấu thể thao sôi động... Đây là cơ hội để những người con đất Tổ, du khách thập phương ôn lại tiến trình lịch sử, tôn vinh các di sản văn hóa của dân tộc; đồng thời thúc đẩy tinh thần đoàn kết, giao lưu và hòa nhập...

Từ đất Tổ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lan tỏa, trở thành tập quán của cộng đồng người Việt ở trong và ngoài nước. Hiện nay, ngoài địa điểm chính là Khu di tích lịch sử Đền Hùng, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương còn được tổ chức ở nhiều địa phương trong cả nước. Nhiều tỉnh, thành phố đầu tư xây dựng các công trình lớn phục vụ cho đồng bào thăm viếng, tri ân công đức các Vua Hùng, như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, TP. Cần Thơ, TP. Thừa Thiên Huế...

Tại các nơi này, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là một hình thức sinh hoạt cộng đồng được người dân thực hành và trao truyền qua nhiều thế hệ. Trong lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, người dân dâng hương, hoa, lễ vật là sản vật địa phương cùng với bánh chưng, bánh giầy... kính cáo đến các Vua Hùng những thành tựu về kinh tế, văn hóa - xã hội đạt được trong thời gian qua.

Trong những ngày này, người dân Việt hướng về Đất Tổ, tưởng nhớ đến các Vua Hùng cùng các thế hệ những người có công đối với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Dù ở phương trời nào, người Việt Nam đều nhớ ngày Giỗ Tổ, hướng về vùng đất cội nguồn. Nhớ lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, những thế hệ “con rồng cháu tiên” ngày nay tiếp tục rèn đức, luyện tài, cùng nhau đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, phát huy trí tuệ và sức mạnh tổng hợp, đoàn kết tập thể, nỗ lực và quyết tâm thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao. Qua đó, góp phần đưa nước ta trở nên giàu mạnh, hùng cường, làm rạng danh cơ đồ dân tộc và trở thành một nước thịnh vượng, hùng cường vào năm 2045.

BÌNH MINH