Thương binh Hồ Minh Quang (nguyên Trưởng phòng Thông tin, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Chợ Mới giai đoạn 1975 - 1987) nhớ như in: “Đêm 30/4/1975, lực lượng ta tiếp cận sát quận lỵ; sáng 1/5, ta viết thư gửi thiếu tá Hải (Quận trưởng) mời xuống làm việc, địa điểm cách quận lỵ khoảng 4-5m.
Lực lượng ta thông báo: “Chế độ Sài Gòn đã đầu hàng rồi, lực lượng giải phóng chúng tôi đã về Chợ Mới, đề nghị Quận trưởng bàn giao để tiếp quản. Quận trưởng Hải nhất trí, hoạt động tiếp quản trong ngày 1/5. Sau đó, lực lượng tàn quân các nơi kéo về, cộng với lực lượng tại chỗ (hải quân, bảo an quân…) tử thủ ngay chùa Tây An, khoảng 500-700 quân.
Ngày sau, Tiểu đoàn 502 của tỉnh Sa Đéc phục kích bên kia sông, phát loa kêu gọi bọn tàn quân đầu hàng. Một số đầu hàng, một số tiếp tục chạy tứ tán về xã Mỹ Hội Đông. Cuối ngày 5/5, lực lượng ta tiếp xúc, vận động ra hàng, nhưng bọn chúng ngoan cố bỏ chạy về hướng huyện Châu Thành. Xã Mỹ Hội Đông được giải phóng chiều ngày 5, sáng ngày 6/5”.
Nhiệm vụ đầu tiên của ta là thành lập Ban Quân quản để tiếp quản cơ sở hành chính, cơ sở quân sự của chế độ cũ để lại và thu gom vũ khí. Hồi đó, vũ khí nhiều lắm, các xã gom về chất hàng trăm cây. Nhiệm vụ kế tiếp là tổ chức đăng ký ngụy quân, ngụy quyền ở mỗi xã, đưa về trên phân loại, quản lý cải tạo. Song song đó, ta tiếp tục truy quét tàn quân gần 200 người, gồm một số tên ác ôn giao về tỉnh quản lý giáo dục.
Cũng trong ký ức của người thương binh già, lúc ấy huyện Chợ Mới gặp khó khăn rất nhiều, khi thực hiện nhiệm vụ giải quyết tư tưởng cho quần chúng nhân dân để hiểu rõ chính sách 10 điểm của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam, nhằm xóa bỏ hận thù, toàn dân đoàn kết để xây dựng đất nước. Cùng với đó, phải giải quyết nạn đói bằng chủ trương phát động nhân dân sản xuất lúa 2 vụ và trồng màu; củng cố, xây dựng chính quyền. Thời điểm bấy giờ, toàn huyện phát triển chưa đến 100 đảng viên.
Đối với bà Ngô Ngọc Hoa (tên gọi khác là Ngô Thị Lan, ngụ thị trấn Hội An, huyện Chợ Mới), được tin miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà đong đầy cảm xúc. Nếm trải biết bao hy sinh, từ đây lịch sử dân tộc sang trang, người dân được tự do, được sống trên đất nước độc lập. Nhưng làm lúa chỉ 1 vụ, người dân không đủ ăn. Chính quyền cách mạng khó khăn trăm bề, nhất là vấn đề quân và lương. Hòa bình chưa được bao lâu thì xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam, mọi người vừa lao động sản xuất, vừa tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới.
“Với vai trò là Bí thư lâm thời Huyện đoàn, tôi quyết tâm bám địa bàn của mình. 26 đoàn viên được tôi tập hợp cùng với thanh niên làm vệ sinh, dặm vá đường; vận động mua lương thực. Ở tuổi thanh niên trẻ khỏe, chúng tôi tham gia nhiều công trình lao động, làm được rất nhiều việc, điển hình như đào kênh dẫn nước ngọt chuyển vụ ở xã Long Kiến và An Thạnh Trung (dài 5km, ngang 3m, sâu 1,5m), làm ròng rã 3 tháng trời mới xong công trình. Lúc đầu, người dân không hiểu được lợi ích của công trình này, nên phản ứng.
Sau đó, khi công trình hoàn thành, sản xuất lúa được thuận lợi, đại đa số người dân thấy thương lớp trẻ. Rồi chúng tôi tham gia vận động gia đình thanh niên cho con em thi hành nghĩa vụ quân sự, bảo vệ biên giới; vận động sản xuất lương thực “hột gạo xẻ làm 3” (1 phần gửi miền Bắc, 1 phần cho miền Nam, 1 phần hỗ trợ thanh niên thi hành nghĩa vụ quân sự ở biên giới)… Thời điểm ấy, với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, chúng tôi đã góp phần phát triển kinh tế địa phương” - bà Hoa kể.
Sau 48 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nền kinh tế, đường sá, đời sống người dân huyện Chợ Mới phát triển gấp trăm lần. Hạ tầng giao thông được nhựa hóa, bê-tông hóa từ huyện đến ấp tương đối hoàn chỉnh. Điện lưới được sử dụng gần 95%. Đói nghèo cơ bản giải quyết xong, hộ nghèo chiếm tỷ lệ ít, bộ mặt nông thôn thay đổi rất nhiều. Đó là niềm vui, hạnh phúc của thế hệ đi trước, như ông Quang, bà Hoa.
Xin được phép kết thúc bài viết bằng lời nhắn nhủ, mong mỏi của họ: “Những người đi trước là thế hệ hy sinh xương máu để giải phóng dân tộc. Thế hệ trẻ hôm nay mang nhiệm vụ chủ yếu là phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc. Cán bộ bây giờ so với thời điểm chúng tôi đã được chuẩn hóa toàn diện về mọi mặt (trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, chính trị…), đó là điều rất đáng mừng”. “Lớp trẻ cần học tập truyền thống của gia đình, lịch sử hào hùng của quê hương, góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp hơn”.
Chợ Mới là huyện có Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh An Giang, thành lập ở Cột Dây Thép. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Đoàn Thanh Lộc, phát huy truyền thống cách mạng của cha ông, huyện quyết tâm phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 63,6 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh, tăng 2,3 lần so năm 2012. Các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển rất nhiều, đặc biệt là sau khi có hệ thống đê bao ngăn lũ và láng nhựa giao thông nông thôn.
|
GIA MINH