Nhộn nhịp chợ Tết

06/02/2024 - 09:00

 - Đi chợ ngày giáp Tết là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Đi chợ Tết để cảm nhận không khí rộn ràng và háo hức chào đón năm mới. Những ngày giáp Tết, chợ là nơi tấp nập người bán, người mua, làm cho không khí càng thêm nhộn nhịp.

Dạo quanh các khu chợ những ngày cuối năm, không khí mua bán trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Mọi ngả đường vào chợ đầy ắp người và hàng hóa. Không khí mua sắm Tết Nguyên đán Giáp Thìn tại các chợ truyền thống và nhiều cửa hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh đang vào cao điểm với sức mua tăng mạnh. Ngày thường đã đông đúc người bán, người mua, đến cận Tết, chợ càng nhộn nhịp. Chợ Tết chỉ thật sự tấp nập từ ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp).

Trong không gian tĩnh mịch của màn đêm, từng đoàn xe chở hàng từ nhiều nơi “nối đuôi” nhau đổ về các chợ trên địa bàn tỉnh. Tại chợ Mỹ Long (TP. Long Xuyên), các công nhân bốc vác chờ sẵn, thoăn thoắt vận chuyển hàng hóa lên xuống. Anh Hải (công nhân bốc xếp) nói: “Những ngày cận Tết, chúng tôi phải làm việc gấp 2 - 3 lần ngày thường vì hàng hóa nhập về nhiều”.

Tờ mờ sáng, không khí mua bán ở chợ bắt đầu nhộn nhịp, người dân đổ về đây sắm Tết. Các mặt hàng được bày bán đa dạng, phong phú, từ thực phẩm tươi sống đến thực phẩm khô, các loại đồ thờ cúng. Mặt hàng được mua nhiều, gồm: Thịt heo, gà, bánh tét, trái cây, hoa, trầu cau… Bà Hoàng Kim Chi (tiểu thương chợ Mỹ Long) bộc bạch: “Thông thường, giá cả hàng hóa Tết sẽ tăng ít nhiều, nhưng vẫn bán đắt hàng. Đa phần tiểu thương nhập hàng phong phú để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng”.

Người dân chọn mua những mặt hàng cần thiết để đón năm mới an lành, sung túc. Chị Nguyễn Mai Phương (ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Tết thì không thể thiếu hoa tươi, trái cây, thịt, trứng, bánh mứt… Dạo một vòng chợ, tôi thấy giá các mặt hàng có tăng nhẹ so năm trước. Tôi cân nhắc mua vừa đủ để tránh lãng phí. Bánh, mứt năm nay cũng nhiều loại phong phú, tôi sẽ mua mỗi thứ một ít, trước cúng ông bà tổ tiên, sau đãi khách và nhâm nhi với trà”.

Thấy khách đến xem hàng, anh Mân (chợ Mỹ Xuyên) tranh thủ chào mời: “Mua  đi chị! Hoa cúc mới cắt, hoa to, vàng ươm, chỉ 25.000 đồng/cành. Bảo đảm hoa trưng được lâu”. Kế bên anh Mân, chị Thủy bán quần áo cũng nhanh nhảu: “Mua quần áo đi cô! Mua nhiều được giảm giá. Chỉ vài hôm nữa đến Tết, em xả hàng, tranh thủ về quê ăn Tết”.

Đi chợ những ngày giáp Tết, không khí nhộn nhịp, đâu đâu cũng nghe tiếng rao của tiểu thương. “Quýt đây, quýt hồng mới hái đây, mại dô, mại dô!”, “Dưa hấu không hạt nếu lạt không lấy tiền đây”, “Bông thọ đi cô bác ơi! Chỉ 20.000 đồng/cành”... làm cho không khí ngày giáp Tết thêm phần náo nhiệt. Chị Trần Ái Lê (ngụ phường Mỹ Quý, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Tôi thích đi chợ những ngày giáp Tết để cảm nhận không khí nhộn nhịp. Chợ Tết đông đúc, đi hơi cực tí nhưng vui. Ai cũng muốn năm mới sung túc, ấm no nên ai cũng “tay xách, nách mang”, đồ đạc treo lỉnh kỉnh trên xe”.

“Trước Tết nửa tháng, tôi đã bắt đầu đi chợ mua đồ chuẩn bị Tết. Tôi mua trước những món khô, để lâu, như: Bánh, mứt, kẹo, nước ngọt, đồ trang trí nhà ngày Tết… Ngoài mua hoa và cây cảnh để trang trí nhà cửa, sân vườn đón năm mới, tôi còn có thú vui ngắm hoa ở chợ hoa Xuân. Nhà tôi gần chợ hoa, mỗi ngày, trước khi đi làm, tôi thường dạo một vòng chợ xem có hoa gì lạ, mới, hoặc chỉ ngắm cảnh người người đi chợ, cảm nhận không khí đông vui, náo nhiệt” - chị Phan Thị Nguyệt (ngụ phường Mỹ Xuyên) hào hứng.

Chị Nguyễn Thị Anh Thư (ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) cho rằng: “Do cận Tết, công việc cơ quan và ở nhà khá bận rộn nên tôi dành thời gian buổi tối lướt mạng xã hội để đi chợ online. Mua sắm trên chợ online thì hàng hóa cũng phong phú, giá cả công khai, có địa chỉ, xuất xứ, hạn sử dụng rõ ràng nên tôi cũng yên tâm. Chỉ cần đặt là hàng được giao tận nơi, vừa không mất thời gian, vừa đỡ vất vả chen chút chọn lựa; có thể mua hàng bất cứ lúc nào. “Chợ online” bán đủ mặt hàng, từ thực phẩm, may mặc, đặc sản vùng miền... Tuy nhiên, nếu có thời gian tôi vẫn thích đi chợ Tết truyền thống, thích cảm xúc trực tiếp ra chợ, nghe tiếng chào hàng, trao đổi rôm rả của người mua, người bán”.

Chợ Tết không chỉ đa dạng về mặt hàng thực phẩm và đồ trang trí, mà sắc màu rực rỡ của các loại hoa cũng mang sắc Xuân, không khí Tết đến gần hơn. Việc chọn mua những chậu hoa đẹp về chưng trước nhà, hay trên bàn thờ gia tiên trở thành nhu cầu không thể thiếu của người dân từ thành thị đến nông thôn. Chị Phạm Ngọc Hương (ngụ phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên) cho biết: “Tôi mua vài cặp hoa cúc, hồng, thọ để chưng Tết. Đón năm mới thì phải có bánh mứt, bông hoa, trái cây… để cầu một năm sung túc, an lành”.

Những ngày giáp Tết, dù bận rộn nhưng mọi người vẫn nô nức đi chợ mua sắm để chuẩn bị đón chào năm mới, cầu mong gia đình sức khỏe dồi dào, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng.

MINH THƯ