Nhộn nhịp lễ hội hàng Việt

17/12/2018 - 07:46

 - Lễ hội “An Giang - Tự hào hàng Việt Nam” năm 2018 vừa là nơi mua sắm đáng tin cậy của người dân dịp cuối năm, vừa là sân chơi với nhiều hoạt động giải trí hấp dẫn. Từ lễ hội này, chương trình “Kết nối giao thương” và “Hàng Việt về nông thôn” sẽ được đổi mới, giúp người dân tiếp cận hàng hóa chất lượng, dễ dàng hơn.

Niềm vui với hàng Việt

Từ ngày 13 đến 17-12, khuôn viên siêu thị Tứ Sơn (TP. Châu Đốc) trở nên rộn ràng hơn khi diễn ra Lễ hội “An Giang - Tự hào hàng Việt Nam” năm 2018. Nằm đối diện với khu trưng bày, mua sắm hàng hóa của siêu thị Tứ Sơn hiện hữu, lễ hội tràn ngập sắc màu và ánh sáng đèn dẫn lối vào. 12 con giáp được các nhân viên hóa trang trong những bộ đồ thú nhồi bông dễ thương đón chào khách. Tại khu trưng bày hàng hóa, hơn 100 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh mang đến nhiều mặt hàng đặc sắc của các vùng, miền.

Bên cạnh hàng hóa phong phú của các tỉnh, thành phố, gian hàng trưng bày các sản phẩm của thanh niên An Giang khởi nghiệp trở nên thu hút bởi tính sáng tạo từ chính những lợi thế của địa phương. Gần đó, gian hàng trưng bày những sản phẩm rau, củ, quả, thịt heo truy xuất nguồn gốc của Sở Công thương tạo được dấu ấn, góp phần xây dựng niềm tin với người tiêu dùng khi có thêm giải pháp công nghệ, giúp kiểm tra hàng hóa, truy xuất rõ nguồn gốc sản phẩm từ khâu chăn nuôi, sản xuất đến quá trình chế biến, vận chuyển, địa điểm kinh doanh. “Từ lâu, gia đình tôi luôn coi siêu thị Tứ Sơn là địa chỉ mua sắm đáng tin cậy. Nay có thêm Lễ hội “An Giang - Tự hào hàng Việt Nam”, gia đình tôi tranh thủ ngày cuối tuần vào mua sắm hàng hóa, tham gia các trò chơi dân gian có thưởng, gameshow trổ tài đoán giá, thi hát karaoke. Mấy đứa nhỏ thì thích thú với trò chơi khéo tay có thưởng, còn chị em thì thích chụp hình lưu niệm tại khu tái hiện mô hình đặc sắc của 16 tỉnh, thành phố (có hàng hóa khẳng định được chỗ đứng ở thị trường An Giang). Mình không có điều kiện đến từng địa phương trong nước nên sẵn dịp này, lưu lại những bức ảnh gắn với đặc trưng của từng nơi” - chị Nguyễn Ngọc Nga (phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc) phấn khởi.

Nhộn nhịp lễ hội hàng Việt

Kiểm tra truy xuất nguồn gốc tại Lễ hội “An Giang - Tự hào hàng Việt Nam” năm 2018

Dư địa phát triển còn lớn

Giám đốc Sở Công thương Võ Nguyên Nam cho biết, Lễ hội “An Giang - Tự hào hàng Việt Nam” năm 2018 là dịp để đánh giá kết quả 5 năm chương trình “Kết nối giao thương” và “Hàng Việt về nông thôn”. “Lễ hội là dịp để các tỉnh, thành phố bán sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng, không qua trung gian. Đây là cơ hội để kiểm tra tính phù hợp của sản phẩm với khách hàng, từ đó có những điều chỉnh phù hợp” - ông Nam nhận xét.

Đánh giá cao việc Sở Công thương phối hợp siêu thị Tứ Sơn tổ chức Lễ hội “An Giang - Tự hào hàng Việt Nam” năm 2018, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng, lễ hội là lời khẳng định tính hiệu quả của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. “An Giang là một trong những địa phương tiên phong, năng động thực hiện cuộc vận động này. Qua đó, khuyến khích doanh nghiệp phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của tỉnh. Trong quá trình tổ chức cuộc vận động, siêu thị Tứ Sơn là một trong những điển hình cần được nhân rộng. Siêu thị Tứ Sơn là nhà phân phối tâm huyết, chủ động, sáng tạo, đưa hàng Việt đến gần người tiêu dùng hơn. Lễ hội “An Giang - Tự hào hàng Việt Nam” là cơ hội để doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm, mà còn là dịp để ký kết hợp đồng kinh tế, mở rộng thị trường, tăng lợi thế cạnh tranh của hàng Việt so với hàng ngoại” - ông Đông nhấn mạnh.

Là người dành nhiều tâm huyết cho chương trình “Kết nối giao thương” và “Hàng Việt về nông thôn”, ông Tạ Minh Sơn, Giám đốc siêu thị Tứ Sơn cho rằng, dư địa phát triển của hàng Việt còn rất lớn nhưng cần đổi mới hình thức tiếp cận người dân. Tại Lễ hội “An Giang - Tự hào hàng Việt Nam” năm 2018, siêu thị Tứ Sơn đã có buổi gặp gỡ, làm việc với doanh nghiệp nhằm đổi mới cách thức tiếp cận người tiêu dùng, không chỉ trong tỉnh mà còn mở rộng sang thị trường Campuchia. “Siêu thị Tứ Sơn sẽ tiếp tục chung tay để giúp hàng Việt lan tỏa sâu rộng. Từ năm 2019, mô hình sẽ được nhân rộng theo hình thức đẹp hơn, mới hơn, nhiều doanh nghiệp đồng hành hơn” - ông Sơn khẳng định.

“An Giang có dân số đông, hàng năm có hơn 7 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch nên sức tiêu thụ hàng hóa rất lớn. UBND tỉnh đánh giá cao và ủng hộ việc tổ chức Lễ hội “An Giang - Tự hào hàng Việt Nam” năm 2018 cũng như các chương trình “Kết nối giao thương” và “Hàng Việt về nông thôn”. Các hoạt động này vừa giúp người dân trong tỉnh tiếp cận hàng Việt uy tín, vừa đưa hàng hóa An Giang đến các địa phương khác” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư khẳng định.

 

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN