Nhơn Trạch - vùng đất của nhiều món ăn dân dã

06/10/2023 - 08:17

Nhơn Trạch có nhiều món ăn dân dã như: cơm rượu Phú Hội, cốm dẹp Vĩnh Thanh, tôm chua Phước An, sen Long Tân... Nói là dân dã bởi vì nguyên liệu chính làm nên món ăn có sẵn trong tự nhiên hoặc người dân làm ra được.

Bà Tám Điệp, thợ làm cơm rượu lâu năm ở xã Phú Hội giới thiệu sản phẩm. Ảnh: L.Na

Từ món ăn chơi của người nông dân, qua thời gian đã trở thành đặc sản mà bất cứ ai từng thưởng thức đều muốn ăn lại.

* Món ngon từ đồng ruộng

Nằm ở hạ nguồn và được bao bọc bởi dòng sông lớn nhất miền Nam nên vùng đất Nhơn Trạch được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan, sản vật, đất đai màu mỡ. Sự kết hợp của yếu tố tự nhiên và những người di cư từ khắp các vùng miền về đây đã tạo nên một bức tranh văn hóa ẩm thực đa màu sắc. Đặc trưng nhất trong các món ăn của người vùng Nhơn Trạch là tận dụng những nguyên vật liệu có sẵn trong tự nhiên hoặc làm ra được để sáng tạo ra các món không chỉ khác biệt, ngon mà còn tốt cho sức khỏe.

Cơm rượu là một trong những món ăn nổi tiếng ở vùng đất này và được gắn với địa danh xã Phú Hội. Cơm rượu dễ làm, dễ ăn, lại bảo quản lâu nên nhiều người ưa thích và là món ăn không thể thiếu các dịp quan trọng của gia đình, dòng họ, làng như: giỗ chạp, cúng đình, lễ, Tết.

Bà Tám Điệp, người làm cơm rượu có tiếng ở đất Phú Hội cho biết, thời trước, cứ sau mùa gặt lúa là người dân làm cơm rượu để dành ăn trong nhiều tháng. Nếp sáp nấu chín thì dỡ ra để cho nguội, sau đó đem cuộn vải màn ép càng chặt càng tốt để hạt cơm sau khi ngâm không bị tách rời, rồi vào men, cắt thành miếng cho dễ ăn, ngâm khoảng một tuần là chín.

Sau này, vì nhiều hộ gia đình chuyển đổi việc làm, không còn thói quen làm cơm rượu, nhưng lại có những người như bà làm cơm rượu để bán, thế nên cơm rượu vẫn có quanh năm. Hiện cơm rượu Phú Hội không còn là món ăn của người nông dân vùng đất này mà trở thành mặt hàng được bán ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Cũng theo bà Tám Điệp, cơm rượu không chỉ là món tráng miệng rất ngon mà tốt cho tiêu hóa.

Món ngon đậm chất hương đồng gió nội khác là cốm dẹp. Cũng giống cơm rượu, lúc đầu chỉ vài nông dân trồng lúa ở xã Vĩnh Thanh làm cốm để ăn chơi, nhưng về sau đã trở thành nghề của cả làng, sản phẩm bán nhiều nơi trong nước và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Phương, chủ cơ sở cốm Long Phượng (xã Vĩnh Thanh) chia sẻ, nghề làm cốm Vĩnh Thanh xuất phát từ những người miền Bắc di cư vào đây. Lúc đầu chỉ có vài người biết làm cốm và cũng chỉ làm ít để người nhà ăn. Nhưng người này chỉ người kia, những năm 1990 nghề làm cốm phát triển mạnh, các lò cốm đỏ lửa ngày đêm.

Cũng theo ông Phương, nét đặc biệt ở cốm Vĩnh Thanh là mặc dù được làm từ lúa nếp khô nhưng độ dẻo, vị ngọt, mùi thơm không khác gì cốm được làm từ lúa nếp non. Đây cũng là bí quyết mà nhiều người làm nghề muốn giữ để không bị phụ thuộc vào vùa vụ, để mặt hàng cốm ít bị cạnh tranh. 

Ngoài cốm, cơm rượu, vùng Nhơn Trạch còn có sản vật nước lợ mà các nơi khác không có như: chem chép, tôm chì, sò huyết, cá nâu, bạch tuộc… Cách chế biến món ăn thủy sản của người dân khá dân dã. Có khi, họ chỉ thêm vài quả điều, quả bần vào nồi canh, tô cháo, dĩa gỏi là đã tạo nên món ăn độc đáo, ngon miệng.

* Làm giàu văn hóa ẩm thực

Nhiều thực khách từng đến Nhơn Trạch cho rằng, nơi đây có những món ăn, thức uống không thể hòa lẫn với nơi khác. Điều này cũng đúng, bởi lẽ không có vùng đất thứ 2 trên địa bàn tỉnh được thiên nhiên tạo ra những dòng nước lợ, cánh đồng phù sa màu mỡ, rừng ngập mặn như ở Nhơn Trạch. Nhưng một phần cũng nhờ bí quyết sáng tạo, văn hóa lưu truyền các món ăn lâu đời của người dân địa phương.

Cách lưu truyền và làm giàu văn hóa ẩm thực của người Nhơn Trạch vô cùng sáng tạo và hiệu quả. Tại các sự kiện quan trọng, tập trung nhiều người của gia đình, dòng họ, làng xóm không thể thiếu món ăn, thức uống đặc trưng. Theo quan niệm của người dân, việc làm này trước là để dâng lên tiên tổ, các vị thần, cảm tạ trời đất, sau là để mọi người cùng thưởng thức, biết về món ăn, cách làm.

 

Làm cốm dẹp ở xã Vĩnh Thanh (H.Nhơn Trạch)

Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát Nguyễn Thị Bích Lệ cho biết, vùng trũng Long Tân, Phú Hội có nhiều cây sen. Từ lâu người dân địa phương đã lấy hạt sen ăn sống, nấu canh, nấu xôi; lấy ngó sen chế biến món xào, món gỏi rất ngon nhưng không ai nghĩ đến làm ra sản phẩm để bán. Sau nhiều lần nghiên cứu, thử nghiệm, bà đã làm ra trà sen, hạt sen sấy, bột ngũ cốc sen… Rồi bà thành lập cơ sở chế biến và hợp tác với nhiều nông dân để làm ra nhiều sản phẩm khác nhau. Ngày nay, nhiều người tìm về Nhơn Trạch để ngắm sen, mua hoa, thưởng thức các món ăn làm từ sen và mua về làm quà.

Bà Mai Thị Hoàng, cơ sở tôm chua Tám Hoàng (xã Phước An) chia sẻ, tôm chua là món ăn được người dân đăng lưới sáng tạo để phòng khi nước lớn không ra sông được. Sau này, nhờ các cháu mang theo lên thành phố khi đi học, đi làm, nhờ cho biếu họ hàng mà món ăn ngày càng phổ biến và trở thành đặc sản đến độ có người đi nước ngoài sinh sống vẫn nhờ mua gửi sang.

Theo bà Tám Hoàng, tôm chua độc đáo vì phải dùng những con tôm chì sống ở vùng nước lợ để làm, loại này có đặc điểm thịt dai, thơm và vỏ mềm. Còn ngon hay không phụ thuộc cảm nhận của người ăn, nhưng rất hiếm người chê món tôm chua.

Để gìn giữ và phát huy văn hóa ẩm thực của địa phương, đồng thời tạo dấu ấn cho phát triển du lịch, H.Nhơn Trạch đã và đang hỗ trợ phục hồi, phát triển các sản phẩm: trà Phú Hội, cốm Vĩnh Thanh, tôm chua Phước An…, giúp người nông dân, cơ sở chế biến có thể làm giàu từ đặc sản.

Theo Báo Đồng Nai