Những ai không nên ăn tỏi đen?

11/09/2023 - 14:45

Tỏi đen chứa nhiều dưỡng chất quý giá, cực kỳ tốt cho sức khỏe, tuy nhiên với một số trường hợp, việc ăn tỏi đen có thể đem lại những ảnh hưởng xấu.

Tỏi đen được chế biến từ tỏi trắng, trải qua quá trình lên men trong điều kiện nghiêm ngặt về nhiệt độ (60 – 90 độ C) và độ ẩm (dao động từ 80 - 90%) trong khoảng thời gian dài từ 30 - 60 ngày. Quá trình này làm gia tăng các hoạt chất tốt cho sức khỏe.

Những năm gần đây, tỏi đen nổi lên như một loại thực phẩm chức năng quý giá, mọi người mua dùng và biếu nhau rất nhiều. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn liệu nó có tốt cho tất cả mọi người hay không, phải chăng có những người này tuyệt đối không nên ăn tỏi đen?

Tác dụng của tỏi đen

Trong bài viết trên báo Sức khỏe và Đời sống, dược sy Ngô Thị Minh Tâm cho biết, so với tỏi thường, tỏi đen có ít allicin (hợp chất hỗ trợ kiểm soát huyết áp và ngăn ngừa xơ vữa động mạch) hơn nhưng lượng axit amin, dinh dưỡng thực vật và chất chống oxy hóa lại cao hơn tỏi thường.

Tỏi đen cũng có nhiều S-Allylcysteine (SAC), hợp chất giúp cơ thể hấp thụ allicin. Do đó, tỏi đen có thể hiệu quả hơn trong việc giúp cơ thể nhận được những lợi ích mà allicin cung cấp.

 

phải chăng có những người này tuyệt đối không nên ăn tỏi đen? (Ảnh: Pixabay)

Sau quá trình lên men kéo dài, tỏi đen giàu dinh dưỡng, chất chống oxy hóa hơn tỏi trắng nên đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm: 

- Hỗ trợ kiểm soát đường huyết: Tỏi đen hỗ trợ điều chỉnh lượng đường trong máu, từ đó ngăn ngừa các triệu chứng, biến chứng tiểu đường, rối loạn chức năng thận…

- Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Tỏi đen được chứng minh có tác dụng hỗ trợ hạ cholesterol máu, giảm mỡ máu, tăng HDL-Cholesterol, do đó rất có lợi cho hệ tim mạch, đặc biệt là những người béo phì, mỡ máu cao.

- Hỗ trợ tăng cường sức khỏe não bộ: Do giàu chất chống oxy hóa, tỏi đen có thể giúp giảm viêm, cải thiện trí nhớ và hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh Alzheimer, Parkinson.

- Tăng khả năng miễn dịch: Tỏi đen có tác dụng tăng cường sức đề kháng, do đó được dùng cho người ốm lâu ngày, sức khỏe suy kiệt.

- Bảo vệ gan: Việc ăn tỏi đen đúng cách có thể giúp bạn bảo vệ gan khỏi tổn thương do tiếp xúc thường xuyên với thuốc men, hóa chất, vi trùng và rượu...

Những ai không nên ăn tỏi đen?

Cũng theo dược sỹ Ngô Thị Minh Tâm, những người này không ăn tỏi đen dù nó có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe: 

- Phụ nữ mang thai

- Người nội nhiệt (nóng trong)

Bà bầu thuộc nhóm những người không nên ăn tỏi đen. (Ảnh: Parents)

- Người dị ứng với tỏi

- Người dùng thuốc chống đông máu

- Người mắc bệnh tiêu chảy

- Người bị huyết áp thấp

- Người mắc bệnh về mắt

- Người mắc bệnh về gan, thận

Ngoài ra, những người sử dụng rượu ngâm tỏi đen, thuốc tỏi... dài ngày cũng cần thận trọng.

Ăn tỏi đen thế nào cho đúng?

Mỗi ngày, bạn có thể ăn một đến ba củ tỏi đen cô đơn, tương đương 3 - 5 gram. Lưu ý, khi ăn, bạn nên nhai kỹ để các thành phần phát huy công dụng, đồng thời không nên dùng quá liều lượng vì có thể gây những phản ứng ngược và tác dụng phụ.

Tỏi đen có thể dùng theo các cách sau:

- Ăn trực tiếp: Nên dùng 2-3 củ tỏi đen mỗi ngày, người già thì nên sử dụng 1-2 củ. Nên ăn riêng thay vì ăn cùng những món khác, vì tỏi đen có thể phản ứng với gia vị, tạo ra những tác dụng phụ không mong muốn.

- Ngâm rượu: Tốt nhất là dùng rượu nếp nguyên chất, uống mỗi ngày một lần, mỗi lần 50 ml.

- Ngâm với mật ong: Tỏi đen khi kết hợp với mật ong sẽ có tác dụng rất mạnh, đặc biệt là ở trẻ em có bệnh do thay đổi thời tiết.

Theo VTC