Những câu chuyện hào hùng trên Ngọa Long Sơn

15/02/2024 - 02:59

 - Được mệnh danh là điểm dừng chân lý tưởng cho những ai thích tìm về với thiên nhiên - chốn bình yên, bởi sự tĩnh lặng và vẻ đẹp của núi rừng hoang sơ, Ngọa Long Sơn (núi Dài Lớn, núi Rồng nằm) là ngọn núi dài nhất của dãy Thất Sơn, nơi lưu giữ những chiến tích hào hùng của quân và dân miền biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Dù qua bao năm tháng nhưng những dấu tích ấy vẫn luôn đọng lại trong trí nhớ của bao người khi về với chốn này.

Dấu ấn Ma Thiên Lãnh

Dựa vào một góc Ngọa Long Sơn, Ma Thiên Lãnh là một địa danh mang đậm bản hùng ca bất diệt của những ngày tháng không quên. Cao khoảng 80m nhưng nơi đây là chiến địa khốc liệt thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ghi khắc câu chuyện cảm động về 7 chiến sĩ cách mạng hy sinh, vĩnh viễn nằm lại trong hang sâu, với niềm tiếc thương vô hạn.

Đồi Ma Thiên Lãnh có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, địa thế hiểm trở tạo thành bởi đá núi và rừng rậm, bên dưới là rải rác hang động nối thông nhau như mê cung. Địa hình tự nhiên hiểm trở của Ma Thiên Lãnh được tận dụng để xây dựng trận địa chiến đấu, nơi có thể hạn chế về khí tài hiện đại, hỏa lực hùng hậu  của địch nhưng tăng lợi thế chiến đấu cho quân cách mạng. Với vị thế có hang rộng, nhiều lối dẫn sâu vào lòng núi, có thể chứa được hàng ngàn người.

Giai đoạn chiến tranh, đồi Ma Thiên Lãnh là nơi trú ẩn, hoạt động của các chiến sĩ cách mạng. Mỗi vách đá, lối mòn nơi này đều là chứng nhân một thời lửa đạn. Năm 1969, khi Tỉnh ủy rút đi, Ma Thiên Lãnh được tiểu đội tiền tiêu của Đoàn 61, chủ lực miền Nam trú đóng, bởi địa thế thích hợp làm chốt tiền tiêu, có thể quan sát hoạt động của địch trên không và đi lại bằng đường bộ.

Ngày 22/9/1970, máy bay địch ném bom oanh tạc vùng rừng núi này, khối đá lớn rơi lấp miệng hang Ma Thiên Lãnh, làm 7 chiến sĩ bị kẹt lại. Khói bom tan, các chiến sĩ cùng đơn vị bên ngoài tìm cách mở miệng hang nhưng đá núi lấp kín nên lực bất tòng tâm. Để giúp các chiến sĩ trong hang cầm cự chờ phương án cứu thoát, chiến sĩ Tiểu đoàn 5, Đoàn 61 vừa chiến đấu, vừa tiếp lương thực bằng cách dùng ống tre đưa cháo loãng và sữa vào hang.

Mấy ngày sau, những tiếng động trong hang yếu ớt rồi tắt hẳn, phía bên ngoài thì địch đánh đồi Ma Thiên Lãnh ác liệt, chiến sĩ Tiểu đoàn 5 có người hy sinh trong lúc bám trụ để cứu đồng đội. Không còn lựa chọn nào khác, đơn vị buộc phải dừng việc đào bới cửa hang và rút đi để bảo toàn lực lượng, ngậm ngùi chia tay đồng đội.

Tưởng nhớ sự hy sinh đó, năm 1997, tỉnh An Giang quyết định dựng Bia tưởng niệm trên đồi Ma Thiên Lãnh, ghi nhận công lao những người con ưu tú miền Bắc với quân và dân vùng Bảy Núi. Năm 2007, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho phá cửa hang để tìm hài cốt. Chiều 8/7/2007, sau 24 ngày đục đẽo, chẻ đá núi bằng tay, bốc dỡ hàng trăm mét khối đá, Đội K93 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) đã phá cửa hang thành công. Chiến tranh đã lùi xa nhưng huyền thoại đồi Ma Thiên Lãnh gắn liền với sự hy sinh của 7 chiến sĩ sống mãi với thời gian.

Căn cứ Ô Tà Sóc

Cách đồi Ma Thiên Lãnh không xa là khu căn cứ gồm các cơ quan quân sự, an ninh, binh vận, dân vận, mặt trận, tuyên huấn, tổ chức, kiểm tra và các đoàn thể nông dân, thanh niên, phụ nữ đóng rải rác trong các lò ảng (hang động). Các hang động có đường mòn trên núi nối liền nhau, như: Bụng Ông Địa (tổ giao liên Tỉnh ủy), Ô Vàng (Ban An ninh binh vận, đài minh ngữ), vồ Út Mười (Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh), các hang Phụ nữ, hang Quân y, hang Hậu cần… được Tỉnh ủy chọn xây dựng làm căn cứ hoạt động trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giai đoạn 1962 - 1967.

Trong các cơ quan nằm dưới các vồ đá, khe ngầm lặng lẽ dưới tán rừng, địa điểm đầu não là điện Trời Gầm, nơi đặt cơ quan Tỉnh ủy. Với địa hình dốc tự nhiên và nhiều đá núi gối đầu lên nhau, những hang động bên dưới vì thế rất hiểm trở, vừa là nơi trú ẩn, tránh đạn pháo, ngăn chặn hữu hiệu những đợt tiến quân của địch với hỏa lực hùng hậu, vừa là căn cứ tiến công địch một cách lợi hại. Trong thời kỳ chống Mỹ, địch đã tổ chức hàng trăm trận càn quét lớn nhỏ với mọi phương tiện chiến tranh và vũ khí hiện đại của Mỹ lên căn cứ Ô Tà Sóc nhưng hoàn toàn thất bại.

Từ Ô Tà Sóc, Tỉnh ủy chỉ đạo các lực lượng cách mạng trong toàn tỉnh đẩy mạnh 3 mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận) diệt ác, phá kềm, chống địch bình định, gom dân, phát động quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược và đẩy mạnh hoạt động vũ trang chống các cuộc tấn công càn quét, phục kích tiêu diệt nhiều sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng.

Có thể nói, nơi đây là trung tâm chỉ huy đấu tranh cách mạng của tỉnh trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhất, là nơi lực lượng cách mạng bám trụ chiến đấu kiên cường, đánh bại nhiều trận càn quét của địch, ghi dấu hàng loạt chiến công chói lọi. Điển hình như đầu năm 1963, quân ta đánh địch ở Ô Cạn, làm chết và bị thương 12 tên, bắn hư xe M113, thu nhiều vũ khí. Tháng 2/1963, tấn công địch ở Ba Chúc, Lương Phi, tiêu diệt 2 đại đội, tấn công ấp chiến lược Lương An Trà, đánh tan đại đội 360 biệt động quân, thanh niên chiến đấu và trung đội bảo an 816…

Ngày 22/2/1971, địch huy động 3 tiểu đoàn biệt động quân và 1 thiết đoàn xe M113, có máy bay ném bom, pháo yểm trợ mở cuộc tấn công ác liệt vào Ô Tà Sóc, Ô Cạn. Trong 4 ngày tấn công liên tục, địch sử dụng mọi loại vũ khí hiện đại nhất nhằm chiếm cho được núi Dài. Có ngày, địch câu 40 lượt bom xăng lỏng, thả xuống đốt Ô Tà Sóc để phá hủy địa hình...

Khu di tích lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc hàng năm thu hút đông đảo khách tham quan. Bất cứ ai đến đây, được nghe câu chuyện cảm động về các anh cũng bùi ngùi, tiếc thương. Đây là nơi giáo dục và nhắc nhở thế hệ trẻ về một thời oanh liệt của dân tộc, lòng biết ơn đối với những người nằm xuống vì nền hòa bình, thống nhất đất nước. Ngày 28/12/2001, Căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia.

Những ai yêu thích sự mạo hiểm, say mê với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, hoang sơ cùng những di tích văn hóa, lịch sử cách mạng hào hùng thì hãy đến An Giang. Người dân và du khách mong rằng, khu vực này phải được quan tâm chăm sóc, giữ gìn, tôn tạo thường xuyên để trở thành điểm sáng cho tuổi trẻ noi theo và xứng tầm di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia.

NGUYỄN HƯNG