Những cây cầu “Hy Vọng”

13/03/2020 - 04:56

 - 2 năm nay, nhiều cây cầu mang tên Hy Vọng lần lượt được xây dựng, đưa vào sử dụng trên địa bàn tỉnh. Những cây cầu này do Tỉnh đoàn An Giang, Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh phối hợp quỹ Hy Vọng và các địa phương thực hiện trong giai đoạn 2019-2020, với mục đích nhân văn: “Nâng bước em đến trường”.

Những cây cầu “Hy Vọng”

Những cây cầu Hy Vọng được xây dựng tiếp nối nhau

Theo đó, 36 cầu Hy Vọng sẽ được xây dựng tại TP. Long Xuyên và các huyện: Chợ Mới, Tịnh Biên, Phú Tân, Thoại Sơn, Châu Phú, Tri Tôn. Cầu có kinh phí xây dựng từ 250 - 750 triệu đồng. Trong đó quỹ Hy Vọng tài trợ từ 100-190 triệu đồng, phần còn lại do địa phương, nhà tài trợ khác đối ứng. Các cây cầu có chiều dài từ 14 - 40m, chiều rộng từ 3,5 - 4,5m, kết cấu bê-tông cốt thép. Đến nay, đã có 13 cây cầu được khánh thành, đưa vào sử dụng.

“Mỗi cây cầu mang tên Hy Vọng được đánh số thứ tự, kèm theo tên cũ tại địa phương. Đó là tấm lòng của các cấp bộ Đoàn, Hội trong tỉnh, của nhà tài trợ, mong muốn kiên cố hóa cầu nông thôn để tạo điều kiện đi lại, vận chuyển hàng hóa cho bà con nông dân, học sinh được học tập thuận tiện. Thông qua đó, chúng tôi kêu gọi người dân, tổ chức, doanh nghiệp cùng chung tay xây dựng cầu nói riêng, các công trình an sinh xã hội, hạ tầng nông thôn nói chung, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn An Giang” - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh An Giang Phan Duy Bằng bày tỏ.

Tháng 8-2019, xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) được hỗ trợ xây dựng cầu Hy Vọng 28 - cầu Miếu Ông Hổ (dài 30m, rộng 4m, kinh phí trên 350 triệu đồng). Đến tháng 11-2019, địa phương có thêm cầu Hy Vọng 63 - cầu Xếp Dài (dài 14m, ngang 3,5m, tổng kinh phí trên 250 triệu đồng và 500 ngày công lao động). Cầu hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2020 để phục vụ người dân và học sinh đi lại an toàn, thuận tiện.

Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng Hà Quốc Sử cho biết: “Nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền, MTTQ xã thực hiện khá tốt chủ trương xã hội hóa để xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Qua đó, từng bước tạo cho bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, các cây cầu, đường giao thông liên ấp được thông suốt, thuận lợi cho việc lưu thông, đi lại dễ dàng của người dân, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội địa phương.

Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, việc xây dựng sửa chữa cầu, đường giao thông của xã chưa được kịp thời, thường xuyên. Nguồn hỗ trợ của quỹ Hy Vọng, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài xã đã góp phần giúp địa phương tháo gỡ những khó khăn trên. Để các cây cầu được xây dựng thuận lợi, an toàn, đúng tiến độ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả như mong muốn, chúng tôi đề nghị bộ phận chuyên môn, đoàn thể tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thi công, đảm bảo công khai minh bạch về kinh phí”.

Đầu tháng 3, có 9 cây cầu được khánh thành và động thổ khởi công, là hoạt động nổi bật, khởi động Tháng Thanh niên năm 2020 của tỉnh An Giang. Cụ thể, khánh thành cầu Hy Vọng 43 (cầu Kênh Đòn Dong, xã Long Điền A, Chợ Mới); cầu Hy Vọng 66 (cầu Trác Thị Giàu, xã Long Giang, Chợ Mới); cầu Hy Vọng 56 (cầu Kênh Ranh Tân Tuyến - Vọng Thê, xã Tân Tuyến, Tri Tôn); cầu Hy Vọng 65 (cầu số 2 Nhà thờ Núi Tượng, xã Vọng Đông, Thoại Sơn).

Đồng thời, tổ chức động thổ khởi công 5 cầu trên địa bàn huyện Thoại Sơn: cầu Hy Vọng 103 (cầu 1800, xã Vọng Đông), cầu Hy Vọng 96 (cầu Xẻo sây Thốt Nốt, xã Vĩnh Phú), cầu Hy Vọng 97 (cầu Ranh Kênh G, xã Định Thành), cầu Hy Vọng 98 (Vĩnh Tây, xã Vĩnh Phú), cầu Hy Vọng 99 (cầu ngã ba Kênh Xáng, Phú Thuận).

Quỹ Hy Vọng là một quỹ xã hội - từ thiện hoạt động vì cộng đồng, không vì lợi nhuận, được vận hành bởi Báo điện tử VnExpress và Công ty Cổ phần FPT. Theo đó, thực hiện các chương trình cứu trợ nhân đạo đến các đối tượng có nguy cơ rơi vào tình trạng cực đoan: những nạn nhân của thiên tai, người khuyết tật, các cộng đồng yếu thế; trang bị hạ tầng phục vụ cho phát triển tại các vùng khó khăn, gia tăng cơ hội tiếp cận với nguồn vốn. Đồng thời, thúc đẩy ứng dụng công nghệ, các hoạt động khởi nghiệp và trang bị công cụ phát triển bền vững cho các cá nhân và cộng đồng, đặc biệt là trang bị tri thức thông qua giáo dục.

Chương trình “Nâng bước em tới trường” hướng đến mục tiêu xây dựng 100 cây cầu bê-tông thay thế những cây cầu đang xuống cấp trầm trọng tại các tỉnh ĐBSCL giai đoạn 2018-2020. Ông Nguyễn Tiến Danh (Giám đốc quỹ Hy vọng) chia sẻ: “Lúc đầu, chúng tôi chỉ dự tính xây dựng 20 cây cầu. Thế nhưng, hiện nay chúng tôi đã đồng hành cùng tỉnh xây dựng cây cầu thứ 36. Không chỉ vậy, trong tương lai, chúng tôi còn dự tính triển khai thêm dự án cải tạo nhà tắm, nhà vệ sinh để giúp trẻ em có môi trường sống an toàn hơn, sạch sẽ hơn. Để làm được điều đó, rất cần sự nỗ lực lớn từ các cấp chính quyền địa phương, nhà trường”.

GIA KHÁNH