Những cây cầu mang tên Hy Vọng

11/08/2020 - 06:47

 - 44 cây cầu giao thông nông thôn mang tên Hy Vọng được xây dựng ở 7 huyện, thành phố với tổng kinh phí 19,5 tỷ đồng từ nguồn vận động (quỹ Hy Vọng 6,2 tỷ đồng, địa phương đối ứng và vận động người dân đóng góp 13,3 tỷ đồng). Đây là số tiền không nhỏ trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh COVID-19 hoành hành. Những chiếc cầu đã đáp ứng kỳ vọng, hy vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, nhất là những xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới có được cây cầu bê-tông vững chắc, thay cây cầu gỗ gập ghềnh.

Khánh thành cầu Hy Vọng ở các địa phương

Nhiều chiếc cầu còn mang sứ mệnh cao cả: nối liền, thông thương đôi bờ liên xã, liên ấp, tạo thuận lợi cho người dân, học sinh đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng. Ý nghĩa hơn, cầu Hy Vọng còn góp nên công trình giúp địa phương hoàn thành tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM), tạo diện mạo nông thôn khởi sắc. Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh An Giang Phan Duy Bằng chia sẻ: "Đây là những công trình thiết thực của tuổi trẻ tỉnh nhà thực hiện trong chiến dịch “Mùa hè tình nguyện” năm 2020 và chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025)".

Trong chiến dịch “Mùa hè tình nguyện” tỉnh An Giang lần thứ 18 năm 2020, mới đây, Tỉnh đoàn, Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh An Giang phối hợp quỹ Hy Vọng, Văn phòng các Chương trình Khoa học và Công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) và chính quyền các địa phương khởi công và khánh thành, đưa vào sử dụng 4 cây cầu bê-tông nông thôn nằm trong dự án “Cầu Hy Vọng - Nâng bước em đến trường” trên địa bàn huyện Chợ Mới và Thoại Sơn. Cụ thể, khởi công xây dựng cầu Hy Vọng 144 - cầu Xẻo Dầu Giữa (xã Long Giang, Chợ Mới) thiết kế bằng bê-tông cốt thép. Cầu dài 30m, rộng 3,5m, độ thông thuyền 15m, tải trọng 8 tấn thay thế cầu bằng gỗ đã xuống cấp. Thời gian xây dựng 3 tháng, tổng kinh phí trên 492 triệu đồng, trong đó nguồn quỹ Hy Vọng và Văn phòng các Chương trình Khoa học và Công nghệ quốc gia tài trợ 130 triệu đồng, phần còn lại từ nguồn ngân sách địa phương và vận động xã hội hóa.

Cây cầu hoàn thành giúp nối liền hệ thống giao thông nông thôn của 2 xã Long Giang và Nhơn Mỹ, giúp bà con nhân dân đi lại, vận chuyển hàng hóa và các em học sinh đến trường thuận lợi và an toàn. Ngoài ra, tổ chức khánh thành, đưa vào sử dụng 3 cây cầu Hy Vọng là: cầu Hy Vọng 109 - cầu Tiểu đoàn 3 Hải quân ở xã Kiến An (Chợ Mới) dài 27m, rộng 3,5m, tải trọng 5 tấn, kinh phí xây dựng 329 triệu đồng; cầu Hy Vọng 96 - cầu Xẻo Sâu Thốt Nốt ở xã Vĩnh Phú (Thoại Sơn) dài 35m, rộng 4,5m, tải trọng 6 tấn, kinh phí xây dựng 453 triệu đồng); cầu Hy Vọng 97 - cầu Ranh Kênh G ở xã Định Thành (Thoại Sơn) dài 30m, rộng 4m, tải trọng 5 tấn, kinh phí 450 triệu đồng.

Theo ông Phan Duy Bằng, việc hoàn thành thêm 3 cây cầu Hy Vọng 96, 97 và 109 đã nâng tổng số cầu bê-tông nông thôn nằm trong dự án “Cầu Hy Vọng - Nâng bước em đến trường” trên toàn tỉnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 29 cây trong tổng số 44 cây cầu đã khởi công xây dựng. Giai đoạn 2019 - 2020, Hội LHTN Việt Nam tỉnh An Giang dự kiến phối hợp quỹ Hy Vọng triển khai đề án xây dựng cầu Hy Vọng - Nâng bước em đến trường theo hình thức xã hội hóa để xóa cầu tạm, cầu ván, cầu sắt đã xuống cấp trên địa bàn tỉnh. Mỗi cây cầu có kinh phí xây dựng từ 250-750 triệu đồng. Trong đó, quỹ Hy Vọng tài trợ 100-200 triệu đồng, phần còn lại do địa phương vận động xã hội hóa để đối ứng. Các cây cầu có chiều dài từ 20-40m, rộng từ 3,5-4,5m, kết cấu bê-tông cốt thép vĩnh cửu, đưa vào sử dụng, giúp cho bà con nhân dân và các em học sinh đi lại thuận tiện, góp phần phát triển hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn và kinh tế - xã hội (KTXH) của địa phương.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Kiến An (Chợ Mới) Nguyễn Thành Trung cho biết, Kiến An có nhiều tuyến đường, kênh mương chằng chịt, trước đây hệ thống cầu, đường xuống cấp, nay được đầu tư từ ngân sách và xã hội hóa, trong đó được quỹ Hy Vọng đầu tư xây cầu Hải Quân thuộc địa bàn ấp Long Hạ, có vị trí quan trọng trong phát triển KTXH.

Đại diện UBND xã Vĩnh Phú chia sẻ, quỹ Hy Vọng tài trợ 300 triệu đồng giúp địa phương vận động thêm nguồn lực xây dựng 2 cầu Hy Vọng 96 và 98 với tổng kinh phí gần 1,1 tỷ đồng, nâng tổng số toàn xã có 13 cầu bê-tông đạt chuẩn NTM, góp phần đưa xã nhà phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao vào cuối 2020. Tại xã Định Thành, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hết sức vui mừng khi được tài trợ xây cầu Hy Vọng 97 (cầu ranh - kênh G) nối liền xã Định Thành (Thoại Sơn) với xã An Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ). Cầu dài 28m, rộng 4m, tải trọng 5 tấn, tổng kinh phí xây dựng hơn 450 triệu đồng, trong đó quỹ Hy Vọng hỗ trợ 150 triệu đồng, còn lại từ ngân sách, vận động tiền, hiện vật và hàng trăm ngày công lao động.

Đó là những chiếc cầu hình thành từ tấm lòng của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân, để địa phương ngày càng có nhiều công trình được xây dựng, tạo đà đẩy nhanh tiến trình phát triển KTXH; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân lên tầm cao mới.

HẠNH CHÂU