Chia sẻ những nhọc nhằn của thầy cô giáo
Điều đầu tiên dạy trẻ trước khi đến trường là phải quan tâm đến thầy cô giáo. Hãy giúp đỡ thầy cô những việc con có thể làm được. Vì sao? Ở nhà, mẹ có 2 đứa con thôi, mà nhiều lúc mẹ còn phát rồ lên với tụi con huống chi thầy cô phải chăm sóc mấy chục đứa trẻ, nhiều hơn mẹ gấp 10 lần. Thầy cô chắc chắn là người vất vả, nên con phải tự giác làm các việc được hướng dẫn như tự ăn, tự ngủ… Hãy làm cho tốt. Kế tiếp là quan tâm đến thầy cô như quan tâm đến mẹ. Hãy hỏi cô giáo: Cô có mệt không cô? Con có thể làm gì phụ được cho cô? Cười với cô giáo khi cô nhìn con... Không có cô giáo nào quát mắng 1 đứa trẻ khi nó hiểu và chia sẻ được những nhọc nhằn, vất vả của cô giáo.
Chọn bạn mà chơi
Hãy chọn bạn tốt là bạn có thói quen đọc sách, quan tâm đến bạn bè, hay giúp đỡ các bạn trong lớp và bạn giỏi hơn con ở những điểm con chưa giỏi. Để có những người bạn tốt, trước tiên chính con phải là một người bạn tốt trước. Con hãy quan tâm, giúp đỡ bạn bè và chia sẻ với bạn bè những điều con nghĩ là tốt cho bạn.
Đối phó với bạo hành học đường
Ảnh: Trúc Linh
Trường học là mô hình xã hội thu nhỏ, nên dạy con ở đâu cũng có tốt và xấu. Có bạn tốt và bạn xấu, có những điều mới mẻ hay và cũng có những điều mới mẻ tệ. Con sẽ tiếp xúc hết với tất cả những điều đó. Trường học là nơi con sẽ gặp được những người bạn tốt và sẽ đối diện với các bạn sẽ phá bĩnh con. Con đừng sợ hãi khi gặp những điều này.
Thực học
Không cần con phải giỏi đều tất cả các môn. Không có ai là người giỏi tất cả. Nhưng đồng thời con cũng tìm thấy những điểm yếu của chính mình để có cách không để nó nhấn chìm cả kết quả học tập của con. Mẹ không quan tâm con xếp thứ mấy trong lớp, mẹ quan tâm con đã học đúng năng lực của mình chưa. Bằng khen, danh hiệu học sinh giỏi hay xuất sắc là ghi nhận của nhà trường rất quan trọng, nhưng nó không là tất cả. Bản thân con phải biết mình đã thực sự giỏi hay chưa mới là quan trọng nhất. Điểm 10 hay bông hồng là do con tự làm hay bạn giúp hoặc do cô giáo rộng tay thì con phải tự nhận biết.
Không so sánh con với ai
Con là chính con. Mẹ không quan tâm con giỏi hơn ai hay ai giỏi hơn con. Mẹ quan tâm đến bản thân con có tiến bộ, có vượt qua những khó khăn của chính con. Thế gian này mỗi người giỏi và đẹp một điểm hay nhiều điểm khác nhau và cộng lại mới tạo nên một thế giới tuyệt vời. Chỉ cần con khám phá ra những điểm con tốt đẹp vượt trội từ chính con và con giúp nó lớn dần lên. Người khác đánh giá con không quan trọng bằng con tự đánh giá chính mình.
Làm gì khi con sợ hãi ?
Chỉ có sự bình tĩnh mới đẩy lùi sự sợ hãi. Tôi chỉ dạy con một cách cơ bản nhất là hít thật sâu vào khi con bắt đầu cảm thấy sợ hãi. Tôi không nói suông mà cùng con thực tập. Tôi dạy con tập sự như cách người ta tập dợt phòng cháy chữa cháy. Đừng để con bạn sợ hãi, mất phương hướng bởi “quyền lực cứng” của cô giáo, hay tiếng quát tháo uy hiếp của bạn. Khi giữ được sự bình tĩnh thì sẽ giữ được sự sáng suốt và con sẽ biết mình nên làm gì...
Phải biết xin lỗi và cảm ơn
Đây là điều rất cơ bản, con tuyệt đối phải nhớ. Khi làm sai, phải biết xin lỗi và khi được cô hay bạn giúp, làm điều tốt cho mình dù lớn dù nhỏ cũng đều phải biết ơn bằng lời cảm ơn.
Chuẩn bị cho trẻ về những mâu thuẫn
Khi mẹ ở nhà và cô giáo ở trường hay với ông bà khác nhau về quan điểm trên cùng một vấn đề, đứng giữa các khác biệt, trái chiều hay thậm chí xung đột giáo dục thì con sẽ giải quyết ra sao? Chẳng hạn ở nhà mẹ dạy ngồi ăn là lưng phải thẳng, nhưng ở trường cô giáo mẫu giáo thì cong lưng đút ăn cho các bé. Con tôi thắc mắc ngay, cô giáo không ngồi thẳng lưng như mẹ nói. Hoặc mẹ dặn, đi học có gì vui hay buồn ở trường, về nhà nhớ kể cho mẹ nghe. Nhưng ở lớp cô giáo lại dặn, mấy chuyện như bạn đánh hay cô la thì về không được kể cho mẹ nghe… Con không nhất thiết phải chọn mẹ hay cô giáo, mái nhà hay mái trường mà chọn điều gì con thấy đúng và hữu ích cho con.
Khi con đi học về, có lẽ cũng chỉ nên hỏi: “Hôm nay con đi học có chuyện gì vui không?”. Chính thái độ tích cực của mẹ sẽ hướng con đến những điều tích cực mỗi ngày ở trường học và mai sau là trường đời. Hướng đến cuộc sống hạnh phúc, hãy hỏi trẻ về những niềm vui. Và khi trẻ có nhiều niềm vui, tin rằng trẻ dễ dàng thành công hơn.
Theo HOÀNG THẮNG (Thanh Niên)