Những dòng suy nghĩ chào đón năm Kỷ Hợi 2019

01/02/2019 - 13:50

 - Nhiều năm đồng hành cùng chương trình kết nối giao thương của Bộ Công thương và Sở Công thương, doanh nghiệp (DN), doanh nhân tiêu biểu Tạ Minh Sơn, Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn (TP. Châu Đốc) có nhiều trăn trở, suy nghĩ về chương trình kết nối giao thương và những “điểm nghẽn” khiến một số DN, cơ sở sản xuất địa phương khó phát triển trong bối cảnh hội nhập. Phóng viên Báo An Giang có cuộc phỏng vấn doanh nhân Tạ Minh Sơn, Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn xoay quanh vấn đề này.

Phóng viên (P.V): 5 năm đồng hành, gắn bó với chương trình kết nối giao thương của Bộ Công thương và Sở Công thương, ông nhận định thế nào về chương trình này?

Ông Tạ Minh Sơn (T.M.S): qua 5 năm tham gia chương trình kết nối giao thương của Bộ Công thương, tôi đã từng đi từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc, sát cánh với Sở Công thương, tôi nhận ra một điều là chương trình kết nối giao thương của Bộ Công thương và triển khai thực hiện của Sở Công thương nói chung, đây là cầu nối giúp người mua và người bán đến với nhau, cầu nối giúp bên bán, bên mua gặp nhau. Đây là hoạt động hết sức thiết thực, ý nghĩa, quảng bá hình ảnh sản phẩm, DN.

Thời gian qua, chương trình kết nối giao thương đã và đang nhận được sự quan tâm của các cơ quan quản lý, DN và người tiêu dùng. Qua đó, tạo thêm sự đa dạng cho lưu thông hàng hóa ở các tỉnh, thành phố trong nước. Đặc biệt, hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", hàng Việt được tôn tạo, người tiêu dùng nhìn nhận thiện cảm hơn.

P.V: nhân dịp năm mới, ông có chia sẻ gì về sự hỗ trợ của nhà nước đối với DN thời gian qua?

Ông T.M.S: chúng ta hãy lật lại lịch sử thập niên 80, 90, các DN có được như thế không? Sản xuất ra một món hàng thì tự bơi, tự đi tìm đối tác, thị trường. Kể cả chính sách hỗ trợ của nhà nước cũng khó, không được trọn vẹn. DN của mình thập niên 80, 90 là tự bơi, nếu bơi giỏi thì tới được bờ, nếu bơi không giỏi thì bị chìm giữa dòng. Từ những năm 2000 trở về đây, nhà nước thực hiện rất nhiều chương trình hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN phát triển. Như chương trình kết nối giao thương của Bộ Công thương là nhịp cầu giúp bên mua và bên bán gặp nhau để trao đổi, mua bán.

Ông Tạ Minh Sơn

 Đứng về góc độ DN, trên 30 năm trong lĩnh vực kinh doanh, tôi nghĩ, không còn hình thức và tổ chức nào hay hơn chương trình kết nối giao thương của Bộ Công thương và Sở Công thương.

P.V: qua những lần phối hợp tổ chức chương trình kết nối giao thương đã nhận được kết quả gì, thưa ông?

Ông T.M.S: thực tế cho thấy, mỗi lần nhà nước tổ chức kết nối giao thương chi phí rất tốt kém, phải đi tìm bên mua, phải đi tìm bên bán để ráp nối với nhau. Ban tổ chức còn phải đặt một cái bàn để bên mua, bên bán ngồi nói chuyện với nhau. Nhà nước làm công tác quảng bá, xúc tiến cho DN, việc này quá đủ cho DN trong bối cảnh hiện nay.

Điển hình như tỉnh An Giang đã triển khai nhiều chương trình hợp tác, liên kết và ký kết các biên bản ghi nhớ với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đã tạo ra nhiều cơ hội liên kết hợp tác kinh tế cũng như định hướng phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh của cộng đồng DN khi tăng cường khai thác thế mạnh của các địa phương, thúc đẩy tiêu thụ thông qua hệ thống phân phối và tăng cường các kênh kết nối tiêu thụ sản phẩm. Điển hình qua chương trình kết nối giao thương này, có rất nhiều DN An Giang đã đưa hàng hóa của mình sản xuất bán được tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước theo chiều hướng tốt.

P.V: theo ông, còn những tồn tại gì được cho là “điểm nghẽn” khiến DN địa phương khó phát triển?

Ông T.M.S: ý nghĩa của chương trình rất lớn, song cuối cùng các DN tận dụng được cơ hội này để phát huy có phần không được như mong muốn.

Phải nhìn nhận thực tế hiện nay, một số DN có quan niệm trông chờ và chờ đợi. Có nghĩa là cái gì khó thì nghĩ rằng nhà nước sẽ làm, cái khó ngày hôm nay đợi ngày mai chắc sẽ dễ hơn. Tuy nhiên, có những DN vận động vươn lên, nhưng còn hạn chế. Điển hình, khi tham gia kết nối giao thương, những kỹ năng để DN tham gia đạt được mục tiêu phải có chuẩn bị, mà phải chuẩn bị thật kỹ. Bởi, thời gian kết nối giao thương không nhiều. Người ta chỉ hỏi những điểm chính về sản phẩm của DN, mà các DN mình chuẩn bị công tác tổ chức để tham gia hầu như còn thờ ơ, nặng về hình thức, màu sắc, mà không chứng minh cho người ta thấy rằng, độ an tâm và sự hài lòng về cách tổ chức sản xuất, sự an toàn và chất lượng sản phẩm của mình, không làm nổi bật hình ảnh DN. Thậm chí, người đi giới thiệu sản phẩm của các DN tham gia thiếu tính chuyên nghiệp, từ ngôn phong cho đến tác phong. Khi tiếp xúc thì không tạo ấn tượng, niềm tin ngay lúc đầu, thông tin rời rạc, trả lời không dứt khoát. Có DN tham gia xem như nghĩa vụ, đi cho có phong trào, không xác định được mục tiêu để người tiêu dùng biết về sản phẩm của mình. Cho dù người ta không mua, vẫn phải biết về sản phẩm, chất lượng hàng hóa của mình.

Ông bà mình có câu "Bán tên đi trước, mới bán hàng đi sau". Thực tế, những người tham gia kết nối giao thương, quảng bá tại hội chợ, không hiểu biết gì về dòng sản phẩm của mình mà đứng ngay hội chợ kết nối giao thương. Chính những giây phút đầu tiên người bán đưa ra những thông tin mơ hồ, không minh bạch, không rõ ràng, thiếu chuyên nghiệp thì người mua sẽ có ấn tượng không đẹp. Tất nhiên, họ không có niềm tin vào tính tổ chức sản xuất của mình, cả giá trị hàng hóa, sản phẩm. DN cần phải nhìn nhận lại vấn đề này để thay đổi cách làm.

P.V: thách thức hiện nay đối với thị trường hàng hóa như thế nào?

Ông T.M.S: tôi tin tưởng rằng, với chính sách mở cửa, quan tâm các DN của nhà nước nói chung và tỉnh An Giang nói riêng, tôi có niềm tin DN An Giang có đủ sức mạnh vươn lên, đứng vững và phát triển ngày càng tốt. Chính sách của nhà nước hiện nay đã mở rộng, năm 2019, các DN nước ngoài, nhất là các vùng Châu Á sẽ vào Việt Nam, với lộ trình CPTPP thuế suất giảm về bằng 0 tương đối nhiều.

Thực tế, cách đây nửa năm, các DN có dòng hàng hóa từ các nước Châu Á đã vào thị trường Việt Nam. Ngay cả thị trường An Giang, họ chỉ cần đặt một tấm bảng và cho giới thiệu dùng thử các sản phẩm. Mục đích cho người tiêu dùng thấy hàng của họ bắt đầu có mặt ở đây. Mình thấy là hàng của họ chưa biết ngon hay không, nhưng họ đã tạo cho người tiêu dùng ấn tượng đầu tiên về hình ảnh quốc gia, sản phẩm của họ. Họ làm những việc rất đơn giản, thậm chí có công ty mang tầm cỡ quốc gia, nhưng họ sẵn sàng làm những việc đó. Đây là vấn đề DN chúng ta cần suy ngẫm thêm về tính thị trường.

P.V: với mong muốn giúp DN có nhận thức tốt hơn, hơn 30 năm trong nghề kinh doanh mua bán lẻ, từng tiếp xúc, làm việc với hàng trăm DN, từ hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất, các tập đoàn, DN lớn trong nước và nước ngoài, ông có trăn trở hay lời khuyên gì đối với các DN?

Ông T.M.S: với hơn 30 năm trong nghề kinh doanh mua bán lẻ, từng tiếp xúc, làm việc với hàng trăm DN, từ hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất, đến các tập đoàn DN lớn trong nước và nước ngoài. 5 năm gắn bó với chương trình kết nối giao thương của Bộ Công thương và Sở Công thương, thấy rằng DN cần thay đổi tư duy để phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay.

Nhà nước thực hiện chương trình kết nối giao thương rất hay, nhưng thành công hay không còn do sự vận động của DN. Nếu các DN không vận động, không thay đổi trong tư duy, đừng nghĩ rằng thị trường chiếm lĩnh nó bằng dòng thác đổ, mà là dòng nước ngầm. Xác định thị trường không bao giờ chiến thắng bởi dòng thác đổ giống như lũ cuốn, lũ quét, nó phải là cái mạch chảy ngầm, để nuôi cây, cây sẽ vươn lên thành rừng. Chúng ta không thấy nó, nhưng nếu rừng cây không có mạch nước ngầm sẽ chết hết. Trong chiến lược về kinh tế, người ta ví là sự xâm chiếm kinh tế, nhất là thị trường thì "hãy dùng thủ thuật mạch nước ngầm, không phải là lũ quét". Đây là cách làm của những tập đoàn mang thương hiệu quốc gia ra đời cách đây 20-30 năm, họ sẵn sàng trả cái giá như thế. Bây giờ, tôi nghĩ rằng các DN cần thay đổi cách nhìn. Đừng chạy theo sự ảo vọng trong nhu cầu tiêu thụ, hãy nhìn trong bán kính tiêu thụ địa phương của mình cần cái gì. Qua đó, nhìn ra được nhu cầu của người tiêu dùng để chúng ta chọn dòng sản phẩm nào sản xuất mà xã hội đang cần trong cuộc sống hàng ngày.

P.V: ông gợi ý gì cho các DN phát triển thị trường, định hướng chiến lược sản xuất - kinh doanh trong thời hội nhập và cạnh tranh như hiện nay?

Ông T.M.S: sự thay đổi nhanh chóng về các điều kiện kinh doanh và xã hội đặt ra thách thức đối với các DN, bao gồm cả các DN đang hoạt động hiệu quả và thành công. Vì thế, thiết nghĩ DN nên chọn dòng sản phẩm nào phù hợp với thị trường. Các DN nước ngoài muốn mua hàng ở Việt Nam, trước khi mua sản phẩm nào, DN đó sẽ vào chợ xem sản phẩm. Họ đến các trung tâm thương mại, coi những sản phẩm đó dân có sử dụng hay không, có xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng nhiều không. Bởi, DN ngoại lý giải là nếu DN sản xuất ra sản phẩm mà dân địa phương, thị trường nhiều nơi tiêu thụ và dân địa phương ủng hộ, họ có cách nhìn quan tâm và gắn kết nhiều hơn. Trong khi DN mình nghĩ rằng mình sản xuất ra sản phẩm, người tiêu dùng phải thấu hiểu sản phẩm đó. Nên chăng, DN địa phương thay đổi cách nghĩ. Nhớ rằng, sản phẩm mình làm ra phải cho người tiêu dùng thấu hiểu mình, chứ đừng bao giờ để người tiêu dùng phải tự hiểu về mình.

DN cần phải tư duy về tính tổ chức của mình, hãy ngắn, gọn, đơn giản hóa, đừng chạy theo quy mô, hình thức, chúng ta hãy củng cố giá trị sản phẩm thông qua giá và chất lượng ở tính phù hợp thị trường. Con người tham gia để quảng bá hay tham dự hội nghị, hội chợ theo quan điểm của tôi phải am tường, hiểu về dòng sản phẩm, hiểu một cách thấu đáo về quy trình sản xuất. Các DN mình hiện nay không xem việc tiếp cận thị trường thông qua dòng sản phẩm của mình một cách tôn tạo nó, vẫn còn thờ ơ. Cho nên chính những người đại diện DN tham gia hội chợ còn thờ ơ, mơ hồ, họ chính là những người hủy hoại giá trị thương hiệu của dòng sản phẩm đó của nhà sản xuất. Bởi ngay từ đầu ra mắt đã không có cảm tình.

Trong khi đó, các DN nước ngoài vào đây muốn giới thiệu sản phẩm, họ đào tạo nhân viên nói y như người sản xuất, như dòng sản phẩm của nhân viên đó, họ nói bằng cái tâm, nói bằng sự hiểu biết từ trong kiến thức, cho nên người ta mới cảm nhận rằng đây là dòng sản phẩm thật sự có niềm tin ngay từ đầu. Hiện nay các DN chưa xem vấn đề này, tư duy vấn đề này, ta cần cân nhắc và xem lại.

Thêm nữa, hiện nay về quy trình sản xuất, hình thức bao bì của các DN, hầu như biểu hiện trên bao bì không phải là bố cục, mà là cái gì cũng muốn đưa vào. Trong khi bao bì chỉ đưa những điều gì cần thiết.

P.V: ông có thể chia sẻ “bí quyết” kinh doanh thành công của mình cho các DN?

Ông T.M.S: tôi không dám thừa nhận mình thành công, mà tôi chỉ nhận thức rằng tôi luôn nhìn vào sự phát triển chung của tỉnh nhà, nhìn vào kế hoạch phát triển của địa phương. Từ đó, tìm cốt lõi cho hành động trong kinh doanh để gắn kết với sự phát triển chung của tỉnh. Trên 30 năm qua, điều này giúp tôi có được nhiều kết quả tốt đẹp. Cũng như hiện nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem du lịch là thế mạnh đột phá để phát triển, bên cạnh dịch vụ thương mại. Bản thân tôi là DN nhìn vào, tôi sẽ làm gì, hành động cụ thể gì trong kinh doanh gắn kết vào định hướng chung này.

Tôi cũng thừa nhận hỗ trợ DN phát triển là tâm huyết, trăn trở của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Tôi thường nghe lãnh đạo tỉnh nói: làm sao để phát triển được DN. Phát triển được DN tỉnh nhà mới phát triển mạnh. Câu nói này là nguồn động viên, cổ vũ rất lớn, được DN trân trọng.  Năm 2019, nhìn về các DN An Giang theo quan điểm cá nhân tôi thì ngoài niềm vui và niềm tin, DN An Giang đã có xu hướng phát triển tích cực về uy tín, chất lượng, thương hiệu, giá thành để đứng vững ở thị trường. Đây cũng là tín hiệu tốt, tiến bộ.

P.V: với tư cách là Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, ông có gửi gắm gì với người tiêu dùng?

Ông T.M.S: tôi chỉ có lời khuyên người tiêu dùng hãy tìm hiểu kỹ trước khi quyết định mua một sản phẩm nào để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt. Đồng thời, hãy mạnh dạn phản ánh các trường hợp bị xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng chuyển thông tin đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chính tiếng nói của người tiêu dùng là sự công bằng cho nhà sản xuất và người tiêu dùng.

P.V: xin cám ơn ông!

HẠNH CHÂU (Thực hiện)