Nhưng trên khuôn mặt mẹ thì hình như không hiện lên điều đó. Những ngày giáp Tết hóa ra là những ngày mẹ bộn bề những lo toan. Lo cho chồng, con tấm áo mới, lo lễ Tết đủ đầy cho họ hàng, nội ngoại hai bên. Những bận lòng ấy mẹ không nói thành lời nhưng dường như nó hiển hiện trong đôi mắt nặng trĩu và trong khẽ tiếng thở dài khi vắng mặt các con.
Từ khi mẹ có tuổi, mỗi cái Tết sang như hằn trên khuôn mặt ấy thêm nếp nhăn của tuổi tác. Hẳn là những vun vén cho chồng con, cho gia đình, cho những người thân yêu, mẹ đã đánh đổi bằng cả thanh xuân.
Ảnh minh họa
Tháng giáp Tết mẹ còn tranh thủ trồng vài luống rau. Mẹ mát tay trồng rau lại có công vun xới nên khoảnh vườn nhỏ thôi nhưng không lúc nào thiếu màu xanh mướt. Nào là xúp lơ, xà lách, bắp cải, xu hào, mỗi thứ vài cây thôi ấy thế mà cũng đủ xua đi cái ngấy ngán của thịt thà ngày Tết.
Ba bố con tôi vẫn xuýt xoa về công lớn của mẹ khi góp phần làm “mát ruột” thêm cho mâm cơm ngày tất niên. Đàn gà mẹ cũng tính toán thả vườn từ vài tháng trước, vừa lấy trứng, vừa lấy thịt để đến Tết có đồ ngon lại sạch cho cả nhà.
Mẹ vẫn luôn là người chu đáo, vẹn toàn như thế đấy! Mẹ không chỉ căn cơ đâu ra đấy để làm sao mâm cơm tất niên vẫn phải đủ đầy, dù chưa sung túc nhưng mẹ dạy chúng tôi trong nhà lúc nào cũng phải đầm ấm, an yên.
Đến khi chúng con đi học xa nhà, những ngày giáp Tết chỉ có mình mẹ. Tuổi mỗi năm mỗi nhiều, lưng mẹ giờ đã hơi còng, mắt mờ, chân tay đã chậm nhưng vẫn là những bận bịu việc nhà, việc họ, đằng sau cái dáng tất bật, vất vả ấy là cả một tình yêu thương vô bờ bến, trong đôi mắt sâu thăm thẳm, năm nay còn có thêm nỗi ngóng chờ đàn con.
Dù ở đâu, làm gì, những ngày này chỉ mong chạy ùa về để gánh phần nào những lo toan sớm hôm của mẹ. Để có những phút thảnh thơi ngồi bên mẹ nghe mẹ khoe về niềm vui bên khoảnh vườn nhỏ tươi tốt, về đàn gà hồi này phổng phao, chóng lớn… Mẹ vui mà trong lòng chúng tôi cũng thấy hân hoan.
Theo MAI LINH (Pháp luật và Xã hội)