Những người hùng trong bão lửa

05/10/2023 - 08:37

Hỏa hoạn, tai nạn giao thông, mắc kẹt thang máy…, nơi nào có người dân gặp nạn, nơi đó có những người lính phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ sẵn sàng xông pha tuyến đầu.

 

Cán bộ chiến sĩ lực lượng PCCC&CHCN quận Thanh Xuân trong vụ cháy tại phố Khương Hạ  (quận Thanh Xuân, Hà Nội) ngày 12/9/2023.

23 giờ 30 phút ngày 12/9/2023, còi báo động tại Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) reo lên.

90 giây để các cán bộ, chiến sĩ của đội cơ động lao ra xe, rời đơn vị. 23 giờ 35 phút, xe chữa cháy có mặt tại hiện trường vụ cháy chung cư mini 29/70 Khương Hạ.

Với Nguyễn Quốc Trung và Nguyễn Hữu Nam, lần làm nhiệm vụ này để lại những ký ức không thể nào quên.

Hai chiến sĩ Quốc Trung (bên trái) và Hữu Nam (bên phải) kiểm tra, chuẩn bị thiết bị phòng cháy chữa cháy.

Quốc Trung kể: “Từ xa, chúng tôi đã thấy cột mây khói đen dày đặc trên bầu trời. Tới nơi, đập vào mắt là con ngõ sâu đến vài trăm mét. Ngay lập tức, đội hình triển khai kéo vòi nước tiến vào. Xác định có người mắc kẹt bên trong, anh em trong đội càng nâng cao tinh thần, chỉ mong muốn thật nhanh có thể cứu được người”.

Thế nhưng, cảnh tượng trước mắt hiện ra đã khiến những người lính trẻ bối rối: Đám cháy ngùn ngụt trong ngôi nhà cao tầng, ba phía là kính. Lửa bắt nguồn từ tầng hầm nối liền tầng một, cùng hàng trăm chiếc xe các loại. Cả ngôi nhà như một lò lửa. Câu hỏi duy nhất trong đầu là: “Phương án nào để có thể dập lửa nhanh nhất?”.

Quốc Trung nhớ lại khung cảnh hỗn loạn khi ấy: Phía trên tầng cao là tiếng khóc gào kêu cứu, phía dưới, người dân bồn chồn nhưng cũng chỉ có thể can ngăn: “Dừng nhảy”, bởi sự nguy hiểm nếu rơi từ các tầng cao.

 

“Nhiều người còn muốn lao vào để cứu người thân bên trong, buộc chúng tôi phải cản lại. Ai cũng muốn vào cứu người, nhưng chưa xác định được địa hình và phương án an toàn, thì không ai được phép liều mạng cả”, Quốc Trung chia sẻ.

Ánh mắt của chàng lính trẻ bỗng nhòe đi: “Đau đớn nhất là khi nghe thấy tiếng da thịt, tiếng xương của những người mắc kẹt, không chịu được khói lửa đã liều mạng nhảy từ trên cao xuống. Người đầu tiên nhảy là một phụ nữ, cơ thể sau khi tiếp đất, gần như đã bị liệt một nửa. Chị cố gắng mở bên mắt còn lại để nhìn chúng tôi. Sau 3 giây gần như bất động vì sự cố bất ngờ, tôi mới có thể ổn định tâm lý và cùng đồng đội di chuyển chị ra xa đám cháy. Đồng thời, nhờ người dân gọi điện cho người thân phía trên để khuyên họ không làm những hành động tiêu cực tương tự”.

Vừa di chuyển một người ra xa, lại tiếp tục có thêm hai người nữa nhảy xuống. Liền ngay sau đó là một em bé khoảng 4-5 tuổi cũng tìm cách thoát thân tương tự.

“Nhìn thân thể bé nhỏ tiếp đất với những vết máu loang lổ, tôi ám ảnh vô cùng”, Quốc Trung không cầm được nước mắt.

 

Với Nguyễn Hữu Nam, anh cũng không bao giờ quên đêm chữa cháy đầy khó khăn đó. Ban đầu, đội chữa cháy kéo vòi triển khai ra nước để tiếp cận hiện trường. Tuy nhiên, là nhà để xe nên có rất nhiều xăng dầu và điện, đội nhanh chóng chuyển hướng sang phun bọt. Một lúc sau, lửa giảm, đội chữa cháy tiến sâu vào trong.

Bất ngờ có vật cản trở ở cầu thang, đội buộc phải rút ra ngoài. Cùng lúc đó, lửa bùng cháy dữ dội trở lại. Tầng 4 cũng bén lửa và cháy lớn. Ngay sau đó, các lực lượng chi viện cũng tới và triển khai phun bọt tại hai tầng, kết hợp xịt làm mát phía sau nhà, cứu người mắc kẹt tại các tầng trên cao.

“Đám cháy quá lớn, đồ bảo hộ cách nhiệt không đủ đảm bảo, chúng tôi chỉ còn cách xịt nước lên người làm mát và trèo vào từ phía sau. Tay chân tiếp xúc với tường và thiết bị đều bỏng rát. Hơi nóng vẫn phả vào, mờ cả lớp kính bảo hộ. Không khí khá hỗn loạn, lại nguy hiểm, nhưng lúc ấy không có tâm trí để sợ, mà chỉ nghĩ làm sao cứu được càng nhiều người càng tốt. Dù có mệt cũng tự động viên cố thêm, cố thêm để cứu được người nữa, người nữa”, Hữu Nam chia sẻ.

Cứ thế, những người lính cứu hỏa nối tiếp, thay phiên nhau lao vào đám cháy. Sau khi chữa cháy, Quốc Trung bị sặc khí phải nhập viện, hiện tại vẫn xuất hiện cơn ho dai dẳng vào ban đêm. Anh chia sẻ: “Bất kể người lính cứu hỏa nào trong trường hợp đó cũng sẽ hành động như tôi. Mọi người ai đều lăn xả, chỉ là mình lỡ bị thương phải ra trước mà thôi. Tôi thấy tiếc vì không thể ở lại cứu thêm nhiều người nữa”.

Kết thúc nhiệm vụ trở về đội, ai cũng thấm mệt. Nhưng vết thương thể xác rồi sẽ lành, chỉ có những ám ảnh tâm lý thì vẫn đeo bám tâm trí các chiến sĩ suốt thời gian dài. Từng tiếng la hét, từng ánh mắt cầu cứu và cả những thân thể không còn sự sống mà chính tay họ đưa ra ngoài đã trở thành những nỗi ám ảnh khó quên.

Mỗi một nạn nhân được cứu sống là một niềm hạnh phúc vô bờ của những người lính cứu hỏa.

Sau mỗi sự cố cháy nổ, sức mạnh khiến những chiến sĩ cứu hỏa vượt lên được những ám ảnh chết chóc và hiểm nguy, chính là những sinh mạng mà họ đã cứu sống.

“Nạn nhân được đưa ra khỏi hiện trường mà vẫn còn thở, mắt vẫn mở và nghe được chúng tôi nói, đó là điều hạnh phúc tột cùng”, Quốc Trung tâm sự.

“Mỗi một người được cứu sống, chúng tôi đều thấy mình thật may vì đã đến vừa kịp lúc. Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục lao vào lửa, tìm kiếm và cứu thêm nhiều người khác”, Hữu Nam chia sẻ.

 

Những người lính cứu hỏa vẫn được nhân dân tin yêu gọi bằng hai tiếng “anh hùng”. Ở họ, luôn hiện hữu tinh thần sẵn sàng chiến đấu, anh dũng không màng hy sinh, mất mát. Với họ, giữa thời bình vẫn diễn ra những cuộc chiến khốc liệt.

Mỗi lần tiếng chuông báo động vang lên là một lần các chiến sĩ phải đối mặt với hiểm nguy, phải chạy đua với thời gian, giành giật từng mạng sống của người dân và cả sự sống, còn của bản thân, cùng đồng đội .Không chỉ dập lửa, mà các nhiệm vụ hỗ trợ khác như: Kẹt thang máy, ngã ao, tai nạn giao thông... những sự cố không ai ca ngợi, không ai hay biết, cũng là trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ PCCC&CNCH.

Mỗi khi có người dân lâm vào cảnh nguy hiểm các chiến sĩ PCCC&CNCH sẽ xông lên tuyến đầu. Sự bền bỉ, kiên trì trong thầm lặng của họ đã làm nên những anh hùng thực sự.

 

Hà Nội, những ngày đầu tháng 10/2023, dưới chân Tượng đài "Công an nhân dân vì dân phục vụ" người dân lặng lẽ xếp những bó hoa tươi thay lời tri ân gửi tới 3 chiến sĩ Cảnh sát PCCC& CNCH Hà Nội đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ.

Ai cũng nghẹn ngào nhớ lại vụ cháy khốc liệt tại quán karaoke ở quận Cầu Giấy ngày 1/8/2022. Tại hiện trường vụ cháy, Thượng tá Đặng Anh Quân, Thượng úy Đỗ Đức Việt và Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc, những cán bộ, chiến sĩ của Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an quận Cầu Giấy (Công an TP Hà Nội), đã không quản hiểm nguy, hướng dẫn 8 người dân thoát khỏi hiện trường khói lửa. Khi quay trở lại hiện trường, tiếp tục tìm người mắc kẹt thì các vật liệu ngôi nhà sập xuống cầu thang bộ, khiến cả 3 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Trước đó, một vài tiếng, chính các anh đã giải cứu thành công 2 người khác tại đám cháy gần đó.

 

Các anh đã anh dũng hy sinh, để lại sự tiếc thương và cảm phục trong lòng người dân cả nước. Cùng với Thượng tá Đặng Anh Quân, Thượng úy Đỗ Đức Việt và Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc, những tấm gương dũng cảm quên mình của rất nhiều chiến sĩ PCCC&CHCN mãi được người dân khắc ghi.

Đó là Đại úy Phạm Phi Long (Công an TP Hồ Chí Minh) hy sinh trong vụ cháy nhà tại quận Bình Tân ngày 7/9/2017; là Thiếu úy Bùi Minh Quý (Công an tỉnh Gia Lai) bị lũ cuốn trôi khi làm nhiệm vụ cứu người dân mắc kẹt tại thị xã An Khê ngày 3/3/2018.. và nhiều liệt sĩ khác đã ngã xuống vì sự bình yên của người dân.

Đứng trước ranh giới sống - còn, người chiến sĩ cứu hỏa không bao giờ có lựa chọn nào khác ngoài mệnh lệnh từ chính trái tim và lòng quả cảm. Mỗi một chiến sĩ ngã xuống, là sự mất mát của toàn lực lượng.

Chính vì vậy, những lời tâm sự của Trung tá Nguyễn Tiến Dũng - Phó đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an quận Thanh Xuân càng trở nên thấm thía: “Chúng tôi nỗ lực hết mình để bảo vệ người dân, và bảo vệ nhau, dặn nhau đi đủ về đủ, không được phép thiếu bất kỳ ai”.

Trở thành anh hùng của biết bao người, nhưng khi trở về với cuộc sống đời thường, lính cứu hỏa cũng chỉ là những thanh niên bình dị với nỗi niềm riêng. Có những người vì không muốn gia đình lo lắng nên lựa chọn giấu kín mỗi khi đi làm nhiệm vụ; có người lại chẳng dám nghĩ đến chuyện tìm cho mình một nửa còn lại vì hiểu rằng, làm hậu phương của lính cứu hỏa sẽ phải dũng cảm hơn rất nhiều.

Quốc Trung ngại ngùng chia sẻ: “Đặc thù công việc thường xuyên trực chiến, lại hay có nhiệm vụ đột xuất, nguy hiểm luôn rình rập nên tôi ít khi nghĩ đến hạnh phúc riêng. Nhiều khi muốn dành thời gian để quan tâm, chăm sóc nửa kia nhưng điều kiện không cho phép”.

Giây phút bối rối rất đời thường này của người chiến sĩ cứu hỏa khiến chúng tôi càng thêm xúc động. Người hùng trong bão lửa đã đã xông pha vì sự sống của người khác mà quên cả bản thân mình và hạnh phúc cá nhân.

Dường như với họ, có một kiểu hạnh phúc khác. Hạnh phúc của người mang sứ mệnh giữ gìn bình yên cho mọi mái nhà.

 

Theo LÊ PHÚ - PHƯƠNG MAI (Báo Tin tức)