“Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm”
Mờ sáng, từ bờ hồ Soài So ngước nhìn đỉnh núi Tô, mây ngàn giăng lãng đãng, càng tô thêm vẻ đẹp hữu tình miền sơn cước “độc nhất” miền Tây. Nhiều chiếc “xe ôm” đổ dốc từ trên núi cao xuống đồng bằng vù vù rước lữ khách hành hương. Ngoắt “tay lái lụa” Nguyễn Minh Châu (28 tuổi) điều khiển chiếc wave chở chúng tôi rong chơi trên đỉnh núi. “Lên xe đi anh. Ngồi khép chân vô xíu, ôm bụng em thật chật. Nếu không sẽ trượt xuống núi nhé!” - Châu nhắc nhở tôi.
Xe vừa khởi động, máy nổ vang đánh thức núi rừng đang say giấc. Châu rú ga leo lên dốc núi. Tới những đoạn đường ngoằn ngoèo, dằn xóc, tim tôi đập thình thịch và ngờ ngợ rằng nếu Châu sơ sẩy, bánh xe sẽ chỏng chơ lên trời. Đến những đoạn cua gắt như “khuỷu tay”, rồi lên cao đột ngột, vậy mà Châu điều khiển xe vượt qua rất điệu nghệ. Với con đường “lên trời” này, những tay lái “cừ khôi” ở đồng bằng “cứng” cỡ nào, nhưng khi gặp “quái xế” núi Tô cũng cúi đầu chào thua!
“Xe ôm” chở khách lên núi Tô
Mặc dù đoạn đường lên núi Tô được mở rộng, tráng nhựa, nhưng khó khăn lớn nhất đối với các “quái xế” ở đây là những cua, dốc gắt. Họ ngán nhất là vào mùa mưa đường bị phủ rong rất trơn. Nếu không có kinh nghiệm thì xe sẽ trượt tự do xuống vực thẳm. Xe vừa lên tới chùa Phước Sơn, chúng tôi cứ tưởng đã tới đỉnh, nào ngờ, Châu nói rằng: “Nãy giờ chỉ đi được nửa đường. Còn phải vượt qua khoảng 5 dốc đứng mới tới đỉnh”. Đúng là những chiếc xe leo núi “khỏe” gấp 3 lần xe gắn máy dưới đồng bằng. Bởi, nếu muốn chạy được trên núi, những chiếc xe này phải “độ” lại toàn bộ máy móc. “Thay dây sên - nhông - dĩa. Thậm chí “đôn dên”, sắp lại sơ-mi thì xe mới leo dốc nổi” - Châu tiết lộ. Chiếc xe của Châu chạy quanh năm trên núi, trông bên ngoài bèo nhèo, nhưng khi “tống 2” (chở thêm 1 người lớn và 1 trẻ em) lên núi vẫn leo dốc rất khỏe.
“Xe mới mua về leo núi vẫn bị đứng máy, nên mọi người đều đem xe đi “độ” lại. Hiện nay, những chỗ sửa xe còn gắn được dụng cụ làm mát máy để xe bườn lên dốc núi dễ hơn” - Châu chia sẻ thêm.
Khi xe qua khỏi khu vực chùa Phước Sơn là đoạn đường khá bằng phẳng, uốn lượn, rất lý tưởng để những ai thích “phượt” tại khu vực này. Tuy núi Tô chỉ cao hơn 600m so với mực nước biển, nhưng vào buổi sáng sớm, mây mù bao phủ kín đường đi. Chúng tôi đi trong làn mây mù, rất thú vị. Thi thoảng, cơn gió khẽ mát dịu, chúng tôi có thể giơ tay là chạm mây ngang trời. Chưa kịp thưởng thức cái se lạnh của mây ngàn, thì bỗng dưng Châu rú ga vọt mạnh lên dốc cao dựng đứng. “Anh ôm thật chặt nhé! Dốc này cao nhất trong các dốc mà những người hành nghề “xe ôm” ngán nhất. Qua dốc này là tới đỉnh. Xe này em “độ” lại rồi, chạy mạnh lắm, anh yên tâm” - Châu trấn an.
Kinh nghiệm “đầy mình”
Tuy mới 28 tuổi, nhưng Châu đã có kinh nghiệm ngót nghét 10 năm làm nghề “xe ôm” đưa rước khách lên núi Tô. Châu kể, ngày trước, đường lên núi rất khó khăn, chủ yếu là đường bậc thang. Du khách lên núi “cuốc bộ” theo đường bậc thang, mệt rụng rời toàn thân. Người dân lập vườn trồng cây ăn trái, kĩu kịt gánh huê lợi xuống đồng bằng bán, gian nan lắm. Về sau, bà con rủ nhau hiến đất làm con đường nhỏ này khoảng nửa mét, tráng bê-tông quanh co lên lưng chừng núi.
Rồi thời gian trôi qua, những hộ trên đỉnh núi cũng muốn mở đường để đem đồ rẫy xuống núi, họ đã mạnh dạn thuê người phá đá mở đường rộng thêm. Từ đó, nghề “xe ôm” hoạt động nhộn nhịp hơn. Đường sá nới rộng lên tận đỉnh, bà con trên đỉnh mang đồ rẫy xuống núi bán nhanh chóng hơn. Du khách tham quan, viếng chùa, am, cốc bằng “xe ôm” được thuận lợi…
Có kinh nghiệm và thuộc đường sá trên núi, nên Châu điều khiển xe rất chuẩn. Theo quan sát của chúng tôi, khi lên những dốc đứng, Châu dồn người về phía trước, rồi kẹp sát 2 chân vào thân xe để dễ điều khiển. Khi xe xuống dốc, Châu nhả về “số 1” và bóp thắng trước phối hợp nhịp nhàng với phanh sau, cứ như vậy, xe không tuột dốc nhanh. “Chỉ cần phối hợp nhịp nhàng giữa thắng xe và máy, sẽ không gặp nguy hiểm khi tuột dốc. Những dốc dựng đứng, nếu không làm động tác trả về “số 1” cộng với xe chở nặng thì người và xe rất dễ rơi xuống vực sâu” - Châu giải thích.
Có ngồi “xe ôm” trải nghiệm lên núi Tô mới thấy hết sự hồi hộp của cuộc hành trình chinh phục đỉnh núi. Trong lúc xe xuống dốc, Châu tiếp tục đưa chúng tôi qua vồ Hội, đường đi khá cam go. Đến đoạn dốc dứng “như kim đồng hồ chỉ 12 giờ”, chúng tôi gặp một chị phụ nữ ngồi sau xe ôm chặt “quái xế”, mắt nhắm nghiền, miệng lúc la ú ớ, lúc lẩm bẩm, du khách trong đoàn cười khúc khích…
Bận xuống điện Chân Tiên, Châu phải rước đoàn khách đến từ Vĩnh Long lên núi, nên nhường cho Liệt (33 tuổi) đưa chúng tôi “hạ sơn”. Liệt kể, những du khách đến từ miệt dưới họ rất sợ ngồi “xe ôm” lên núi, nhưng họ “bấm bụng” phải đi xe này, bởi đoạn đường lên núi rất cao, hơn 10km. “Khi lên xe, mấy bà run lật bật. Có những phụ nữ ngại ôm, cứ nắm cản yên xe ngỡ đâu an toàn. Nhưng khi xe lên dốc đột ngột, họ ôm tài xế sát rạt, mắt nhắm kín không dám mở ra vì sợ độ cao” - Liệt cười khục khặc.
Theo Liệt, thực ra du khách muốn ngồi xe an toàn lên núi chỉ cần ngồi “nhóng” người về phía trước, tay ôm chặt tài xế thì không sợ bất trắc. Nhiều năm lái xe chở khách lên xuống núi, hầu hết những “tay lái lụa” ở đây đều giàu kinh nghiệm xử lý tình huống qua các cua dốc hiểm trở. Không những vậy, hàng ngày, họ còn chở đồ rẫy, hàng hóa, nhu yếu phẩm lên, xuống núi, nên đã quen từng đoạn đường ở đây.
Sau một buổi rong chơi miền sơn cước, chúng tôi xuống dốc trên chiếc “xe ôm” đầy trải nghiệm. Ngước nhìn chót núi Tô, những “tay lái lụa” đang miệt mài điều khiển “ngựa sắt” chở lữ khách vượt núi, chạm mây.
Anh Dương Văn An, nghiệp đoàn trưởng xe ôm núi Tô cho hay, tại khu vực này có 70 xe đưa rước khách lên xuống núi. Dốc núi Tô cao, khó đi hơn dốc núi Cấm, nên anh em rất “cứng” nghề thì mới chở du khách tham quan, viếng chùa trên núi an toàn. Từ Tết đến tháng 4 (âm lịch), núi Tô thu hút rất đông du khách, tạo công ăn, việc làm cho số đông thanh niên, trai tráng tại đây. Trung bình mỗi ngày, một tài xế thu nhập từ 500.000 - 700.000 đồng từ việc đưa rước khách lên, xuống núi Tô. Nhờ vậy, họ có tiền trang trải, nuôi vợ, con.
|
LƯU MỸ