Niềm đam mê nông nghiệp hữu cơ

23/02/2022 - 06:11

 - Tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học tại Trường Đại học An Giang, chàng thanh niên thế hệ “9X” Phạm Minh Tiến (quê huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) được trải nghiệm vừa làm, vừa học ở Isreal. Có chuyên môn và được tiếp cận với một đất nước có thế mạnh nông nghiệp công nghệ cao đã tiếp thêm động lực cho hành trình khởi nghiệp, bằng tất cả niềm đam mê của chàng trai trẻ.

Khởi đầu gian nan

Sau một năm học tập ở Isreal, Phạm Minh Tiến về nước, kêu gọi được vốn đầu tư và quyết định đến xã Định Thành (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) thuê 10.000m2 đất để hiện thực hóa mô hình nông trại hữu cơ của mình. Trên diện tích đất này, Tiến xây dựng 2 nhà lưới với diện tích mỗi nhà 1.000m2, được trang bị đầy đủ hệ thống phun tưới tự động, kèm thêm tích hợp điều khiển trực tiếp bằng ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Tiến cho biết, 2 nhà lưới này được trồng rau màu các loại, còn diện tích ngoài trời phát triển các loại rau màu thích hợp và tùy thuộc vào kết nối nhu cầu với thị trường. “Do mình mới làm, thêm phần nữa là do các loại rau màu được canh tác hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ, đảm bảo sạch, an toàn nên giá bán phải cao hơn. Bởi vậy, thị trường trong tỉnh chưa được mở rộng, chủ yếu kết nối tiêu thụ ở các chợ, cửa hàng nông sản ở TP. Hồ Chí Minh” - Tiến chia sẻ.

Dưa leo được canh tác theo phương pháp hữu cơ

Nông trại bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2021, vận hành chưa bao lâu lại rơi ngay đợt dịch COVID-19, rau, quả chỉ bán được một phần nhỏ, còn lại phải bỏ vì khó khăn trong khâu vận chuyển.

“Thời điểm đó, trong nhà lưới ngoài rau, còn có diện tích dưa bạch ngọc, đến lúc chín chỉ có thu hoạch bán lẻ cho người dân địa phương. Riêng diện tích 8.000m2 ở ngoài trồng artiso đỏ và hoa đậu biếc xem như không thu hoạch được gì. Chi phí đầu tư, sản xuất lúc đó rất lớn, nhưng vướng ngay đợt dịch, không thu hoạch, vận chuyển được nên đành phải để già, bỏ tại vườn, xem như mất trắng, việc tái sản xuất chật vật lắm” - Tiến nhớ lại.

Đến lúc dịch bệnh được kiểm soát, Tiến tất bật chuẩn bị cho vụ dưa lưới để kịp bán ra trong dịp Tết Nguyên đán vừa rồi. “Lúc này, mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng cho một vụ dưa lưới đạt năng suất, vậy mà hệ thống cống thoát nước bị lật nắp, nước tràn vô nhiều nên gây ngập úng, hư hại hoàn toàn dưa lưới thời điểm đó” - Tiến nói thêm.

Khó khăn chồng chất khó khăn, vậy mà Tiến chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ cuộc. Chàng trai “9X” luôn nghĩ, đã là khởi nghiệp thì phải có thất bại, chỉ có đi qua thất bại mới có kinh nghiệm và bản lĩnh xứng đáng để thành công.

Theo đuổi đam mê

Thất bại không nản, nhưng vốn đầu tư cũng cạn dần nên thời điểm hiện tại, Tiến xem như phải tự mình bắt đầu lại với những bước đi đầu tiên. Để tiết kiệm chi phí, hầu hết mọi công đoạn từ ươm giống, chăm sóc… rau màu đều do Tiến thực hiện. Dù có công nghệ hỗ trợ phần nào, nhưng với nông nghiệp hữu cơ, người nông dân phải tất bật với công việc. Từ chọn lựa loại rau để trồng, lên lịch xuống giống, diện tích bao nhiêu để đủ cung ứng cho đầu mối đều được Tiến tỉ mỉ tính toán. Bên cạnh đó, Tiến không ngừng tìm kiếm thêm đầu mối ở trong và ngoài tỉnh để từng bước khôi phục, mở rộng diện tích canh tác, đa dạng thêm các loại rau, màu.

Chàng trai trẻ cho biết, trong nhà lưới trồng rau được chia thành nhiều luống nhỏ, trồng đa dạng các các loại rau ăn lá, như: Xà lách, cải thìa, cải ngọt, tần ô… Trung bình mỗi ngày, nhà lưới trồng rau của Tiến cho thu hoạch khoảng 50kg rau các loại, được vận chuyển đến các đầu mối tiêu thụ ở TP. Hồ Chí Minh. Còn với nhà lưới trồng dưa leo cũng được canh tác tương tự, khi được chia ra làm 2 đợt trồng xen kẽ.

Nhờ vậy, mà mỗi ngày vườn dưa leo của Tiến cho thu hoạch khoảng 100kg. Loại dưa leo mà Tiến đang trồng trong nhà lưới là giống dưa leo Maya, trái to, vỏ mỏng, ngọt và được thị trường ưa chuộng. “Giống dưa leo Maya từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch khoảng 28-30 ngày, còn thu hoạch kéo dài bao lâu thì tùy thuộc vào người trồng. Nếu chăm sóc tốt, dây khỏe thì có thể thu trái hơn 2 tháng” - Tiến thông tin.

Hiện tại, ngoài 2 nhà lưới trồng các loại rau, màu, Tiến còn đang tích lũy kinh phí để triển khai mô hình trồng măng tây xanh với phương pháp canh tác hữu cơ trên diện tích đất trống còn lại. Định hướng phát triển lâu dài của Tiến là sử dụng nguồn phân cá thông qua hệ thống vi sinh để chuyển thành phân hữu cơ dạng nước, tưới cho rau màu. Như vậy, sẽ tăng khả năng hấp thu, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Cách làm này sẽ giúp nông sản hữu cơ tiếp cận người tiêu dùng với mức giá chấp nhận được, mọi người có thể sử dụng được sản phẩm sạch, an toàn, đảm bảo sức khỏe.

“Nông nghiệp hữu cơ sẽ là xu hướng phát triển tất yếu của thời đại. Bởi vậy, với những kiến thức đã học được từ trường đại học, kèm thêm những kinh nghiệm ở Israel, mình mong muốn có thể cống hiến, phát triển một thương hiệu nông sản hữu cơ ngay trên mảnh đất quê hương” - Tiến khẳng định.

ÁNH NGUYÊN