“Chuyển trạng thái” linh hoạt
Với phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng học”, An Giang đã tăng cường các phương án để thực hiện nhiệm vụ năm học đạt kết quả tốt nhất. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) An Giang triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; yêu cầu các trường xây dựng kịch bản phòng, chống dịch thích ứng với các tình huống và có các biện pháp xử trí khi phát sinh ca bệnh, đảm bảo an toàn trường học.
Từ ngày 17-1-2022, học sinh lớp 9 và 12 ở huyện Châu Phú đã đến trường học trực tiếp. Theo ghi nhận, việc dạy và học diễn ra thuận lợi, ổn định; Bộ GD&ĐT đánh giá cao việc triển khai thí điểm này. Sở GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục điều chỉnh kế hoạch giảng dạy, trong đó học sinh các lớp 7, 8, 9, 10, 11, 12 toàn tỉnh trở lại trường học trực tiếp từ 14-2; sẵn sàng các điều kiện cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 và mẫu giáo 5 tuổi trở lại trường học trực tiếp và xây dựng kịch bản xử lý tình huống phát sinh.
Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Lê Nguyên Châu kiểm tra công tác sẵn sàng học trực tiếp trở lại ở huyện Phú Tân. (MỸ HẠNH)
Sở GD&ĐT An Giang đã tổ chức kiểm tra tình hình trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần kết hợp đánh giá các điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong trường học. Sau Tết, sở đã thành lập 4 đoàn kiểm tra các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, đồng thời tổ chức các cuộc họp giao ban với các địa phương, cơ sở giáo dục nhằm chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện đón học sinh trở lại trường.
Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang Trần Thị Ngọc Diễm cho biết, qua kiểm tra, hầu hết thủ trưởng các đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm, xây dựng kế hoạch hoạt động theo từng thời điểm, kế hoạch dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Vấn đề đảm bảo an toàn sức khỏe của học sinh và giáo viên khi học trực tiếp được đặc biệt chú trọng, toàn ngành GD&ĐT tiêm vaccine phòng COVID-19 đạt 99,8%. Các trường đều có thành lập tổ tư vấn tâm lý. Khi đi học trở lại, nhà trường tổ chức tư vấn tâm lý, hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh “chuyển trạng thái” từ học trực tuyến, học qua truyền hình sang học tập trực tiếp tại trường. Tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống dịch, an toàn khi tham gia dạy và học trực tuyến; hướng dẫn kỹ năng, kiến thức về phòng, chống dịch, không để xảy ra kỳ thị khi có học sinh bị F0.
Sẵn sàng học trực tiếp
“Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở An Giang cơ bản được kiểm soát. Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD&ĐT, An Giang mở cửa trường học theo phương châm an toàn, hiệu quả, khoa học, có lộ trình phù hợp” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước thông tin.
Thời điểm này, các điểm trường THCS và THPT trong tỉnh đã sẵn sàng đón học sinh trở lại lớp. Các trường chủ động giữ liên lạc với phụ huynh; thông báo đến học sinh, phụ huynh khi đưa đón con đi học phải đảm bảo thông điệp “5K”…
“UBND huyện Tịnh Biên đã tổ chức đoàn kiểm tra đến các điểm trường THCS trên địa bàn, lắng nghe những khó khăn của các trường để tháo gỡ, khắc phục nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho đơn vị khi học sinh trở lại trường. Qua kiểm tra, các trường đều thực hiện tốt các yêu cầu để sẵn sàng đón học sinh trở lại học trực tiếp” - Phó Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Lâm Văn Bá thông tin.
Vệ sinh trường lớp sẵn sàng đón học sinh đi học trực tiếp. (HỮU HUYNH)
Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong (thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên) Phan Thanh Liêm cho biết: “Nhà trường đã chủ động mọi điều kiện cần thiết để có thể đón học sinh trở lại lớp, như: Vệ sinh phòng học, bố trí phòng cách ly tạm thời, vận hành buồng khử khuẩn đặt tại cổng trường, kiểm tra các máy đo thân nhiệt. Đồng thời, tiến hành họp chuyên môn, tập huấn cho giáo viên, học sinh những kiến thức phòng, chống dịch COVID-19. Chúng tôi cũng bố trí cho học sinh các khối học lệch giờ và đảm bảo giãn cách trong quá trình đến lớp. Nhà trường yêu cầu căn-tin chỉ bán thức ăn mang đi, không phục vụ tại chỗ nhằm hạn chế tập trung đông người”.
Theo ghi nhận, đa số phụ huynh trong tỉnh ủng hộ việc con em mình đến trường sau nhiều tháng dài tránh dịch. Hơn nữa, hầu hết học sinh từ lớp 7 trở lên đã tiêm vaccine phòng, chống dịch COVID-19 đủ 2 mũi nên phụ huynh cũng yên tâm hơn.
Phó Trưởng ban Đại diện Hội cha mẹ học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong (huyện Tịnh Biên) Lê Thanh Vũ chia sẻ: “Con trai tôi khá háo hức khi được trở lại lớp với thầy cô, bạn bè, vì việc học trực tuyến chỉ là giải pháp tạm thời, không thể duy trì mãi được. Tôi luôn khuyên con phải đảm bảo thông điệp “5K”, tuân thủ tốt yêu cầu của nhà trường khi đến lớp, nhất là phải đảm bảo đi từ nhà tới trường, không ghé lại nơi khác”.
Đảm bảo an toàn
Ngoài kiểm tra cấp THCS và THPT, các huyện còn kiểm tra tất cả các cấp học (mầm non, mẫu giáo, tiểu học) trên địa bàn. Các trường học đều thực hiện công tác chuẩn bị theo 10 tiêu chí quy định của ngành, như: Điều kiện cơ sở vật chất, phương án xử lý tình huống khi có trường hợp F0, F1; tổng vệ sinh, phun khử khuẩn, bổ sung các vật tư, thiết bị phòng, chống dịch, phương án phân luồng học sinh khi đến trường, vào lớp; việc tiêm vaccine cho học sinh, giáo viên; kế hoạch ôn tập, kiểm tra và củng cố đảm bảo kiến thức cho học sinh tiếp thu bài tốt…
Trường THCS và THPT Phú Tân hiện có 2 cấp học, trừ khối lớp 6 chưa đến trường, những khối lớp còn lại được tiến hành khảo sát ý kiến phụ huynh. Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Phú Tân Trần Thị Nguyệt Nga thông tin, cấp THCS có 55,9% phụ huynh đồng ý, cấp THPT có đến 97,97% phụ huynh tán thành cho học sinh học trực tiếp. Nhà trường thực hiện dạy trực tiếp lẫn trực tuyến tại chỗ để phù hợp với tình hình. Riêng khối lớp 9 và khối lớp 12 sẽ được lựa chọn môn học theo hình thức dạy phù hợp nhằm tránh áp lực cho học sinh. Qua rà soát điều kiện tại đơn vị, trường bố trí thêm 4 phòng cho giáo viên dạy trực tuyến và trực tiếp (livestream từ tiết dạy trên lớp)…
Đối với khối lớp 6 hiện nay vẫn học trực tuyến 100%, việc sắp xếp thời khóa biểu có phần khó khăn cho giáo viên trong lúc giảng dạy. Để tránh tình trạng giáo viên phải trở về nhà giữa buổi, các trường lắp đặt thêm đường truyền ở các phòng học, thuận tiện cho giáo viên dạy cả 2 hình thức song song.
Cùng với công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, điều kiện, thiết bị phòng, chống dịch theo yêu cầu, các trường đã xây dựng kế hoạch củng cố kiến thức đối với những học sinh chưa tiếp thu tốt trong thời gian học trực tuyến vừa qua. Các giải pháp được tính toán tốt nhất có thể và sẽ tiếp tục điều chỉnh sau khi dạy học trực tiếp.
Khi triển khai thực hiện song song 2 hình thức vừa trực tiếp, vừa trực tuyến đã gây rất nhiều khó khăn cho nhà trường, nhất là đối với các trường có điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị còn hạn chế. Đồng thời, việc rà soát, phân loại học sinh để củng cố, bổ sung kiến thức khi học trực tiếp sẽ khó khăn trong bố trí giờ dạy...
|
HỮU HUYNH - THANH TIẾN - MỸ HẠNH