1. Tháng 11, Ninh Bình thời tiết rất dễ chịu. Nắng nhẹ, gió mát, nước dòng Suối Tiên thì trong xanh. Thuyền cứ nhè nhẹ trôi theo tay chèo. Tâm tự dưng cũng an yên theo tiếng chuông vẳng từ ngôi chùa phía bên kia dòng Yến.
Khu danh thắng Tràng An có khoảng hơn 2.000 thuyền phục vụ du khách tham quan.
Khu danh thắng Tràng An chỉ cách thủ đô Hà Nội chưa đầy 100km. Có lẽ vì thế mà nơi đây được đông đảo du khách trong và ngoài nước chọn làm điểm đến trong hành trình du lịch sinh thái, tâm linh mỗi dịp nghỉ lễ hay cuối tuần. Ấn tượng đầu tiên khi đến Tràng An là không gian trong lành, phong cảnh đẹp với quần thể di tích, non nước hùng vĩ. Quần thể Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Tràng An nằm trên địa bàn nhiều huyện của tỉnh Ninh Bình. Đây là di sản “kép” duy nhất của nước ta được UNESCO công nhận. Quần thể di sản này gồm liên khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động - cố đô Hoa Lư - rừng đặc dụng Hoa Lư.
Thuyền đưa du khách qua hang Đại
Trong quần thể ấy, cố đô Hoa Lư tọa lạc ở phía Bắc; Tam Cốc - Bích Động nằm ở phía Nam; còn Khu du lịch Tràng An nằm ở vị trí trung tâm. Từ trung tâm thành phố Ninh Bình, du khách chỉ cần đi thêm khoảng 8km là có thể tới đây- nơi được coi là tuyệt cảnh non nước hữu tình, với điểm du lịch tâm linh nổi tiếng cùng những lễ hội độc đáo và đặc sản hấp dẫn.
Tràng An là điểm thu hút đông du khách trong và ngoài nước đến khám phá
Với địa hình sông nước, thuyền là phương tiện đi lại chủ yếu ở Khu du lịch Tràng An. Theo lời gợi ý của một người dân địa phương, chúng tôi chọn di chuyển bằng thuyền truyền thống theo tuyến số 2, một trong 3 tuyến xuất phát từ bến thuyền. Dòng Suối Tiên ăm ắp nước, mái chèo nhẹ nhàng đưa thuyền qua hang Lấm, hang Vang, hang Thánh Trượt, hang Đại.
Hệ thống núi đá vôi bao bọc xung quanh
Việc bảo vệ môi trường ở Tràng An khá tốt bởi suốt cả chặng đường hơn 2km đường thủy, chúng tôi không thấy có tình trạng rác thải. Các điểm dừng thuyền cho du khách lên tham quan đều bố trí các bảng hướng dẫn, quét mã QR để thuận tiện cho du khách đọc và tìm hiểu thêm về các di tích. Chị Hương- người chèo thuyền đưa chúng tôi rong ruổi qua các hang của Suối Tiên chia sẻ: Khu danh thắng Tràng An có hơn 2.000 thuyền, vậy mà vào những dịp lễ tết không đủ để phục vụ du khách. Bên cạnh việc khai thác dịch vụ du lịch, thì việc nâng cao ý thức, trách nhiệm trong giữ gìn môi trường luôn được đặt lên hàng đầu đối với mỗi nhân viên ở đây.
2. Nhiều người vẫn nhầm khi gọi Tuyệt tịnh cốc là Tuyệt tình cốc. Từ vị trí đón khách ở khu du lịch Tràng An (Ninh Bình), đi thẳng thêm một đoạn chừng 5km nữa, chúng tôi đến động Am Tiên, hay còn gọi là Tuyệt Tịnh Cốc. Đúng với tên gọi, điểm nổi bật của Tuyệt Tịnh Cốc là hồ Giải xanh biếc nằm giữa một thung lũng, với những ngọn núi đá vôi bao bọc xung quanh, cách biệt với thế giới bên ngoài.
Đứng từ trên gác chuông nhìn xuống hồ Giải
Có rất nhiều câu chuyện dã sử ly kỳ về vùng đất thần bí này, tuy nhiên theo Đại Việt sử ký toàn thư có ghi lại: Sau khi lên ngôi, Vua Đinh Tiên Hoàng đã giao nơi này cho hai cha con võ sư Trương Ma Mi và phò mã Trương Ma Sơn kiểm soát toàn bộ khu vực thung thũng bên cạnh kinh đô Hoa Lư. Nhận được sự tín nhiệm của vua, hai cha con Trương Ma Mi đã cải tạo nơi này trở thành một pháp trường xử án dành riêng cho việc xử lý trọng phạm của triều đình.
Am tiên- nơi thái hậu Dương Vân Nga dành những năm tháng cuối đời để tu hành
Lịch sử có ghi chép lại về việc này, cũng bởi Vua Đinh Tiên Hoàng muốn dẹp yên các thế lực phản loạn, nội gián, dùng uy thế ngự thiên hạ. Vì vậy, trước đây, khi chưa có pháp tường xét xử riêng, ngài liền cho quan viên đặt một vạc dầu lớn tại ngay sân triều đình ở chính điện và nuôi hổ dữ trong cũi. Phàm bất kể kẻ nào làm trái lệnh hay có ý định phản nghịch đều phải chịu hình phạt thích đáng. Một số phương pháp tử hình thời đó như: Thả vào vạc dầu sôi hoặc cho hổ ăn thịt.
Khi pháp trường được xây dựng xong, việc tra tấn và xét xử tội phạm đều được diễn ra tại “Tuyệt Tịnh Cốc”. Nơi đây có một đầm nước lớn lại được núi đá hiểm trở bao quanh, người ở bên ngoài cũng khó tìm được đường vào, hơn nữa lại sở hữu vị trí gần kinh thành Hoa Lư nên đã trở thành cứ điểm quan trọng giải quyết các sự vụ liên quan tới tù nhân của triều đình. Những phạm nhân nguy hiểm mang trọng tội sau khi xét xử thậm chí bị ném trực tiếp xuống hồ cho Giải (loài rùa mai mềm có kích thước khổng lồ) ăn thịt.
Sau này, khi triều Đinh suy tàn, chuyển giao quyền lực sang nhà Lê, nơi đây không còn được sử dụng với mục đích làm pháp trường, thái hậu Dương Vân Nga (Hoàng hậu của 2 đời vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành) đã cho xây dựng chùa Am Tiên và dành những năm tháng cuối đời để tu hành tại “Tuyệt Tịnh Cốc”.
Đến nay, còn rất nhiều vết tích lịch sử được lưu lại tại nơi này như chuông chùa, bia đá có khắc công xây dựng ngôi chùa từ hàng trăm năm trước..., du khách đến đây không chỉ được thưởng thức phong cảnh hữu tình mà còn là cơ hội được ngược dòng thời gian trở về với những trang sử hào hùng của dân tộc.
Giếng giải oan trong Am tiên nước luôn trong xanh
Tuy diện tích không quá rộng lớn nhưng “Tuyệt Tịnh Cốc” cũng có nhiều điều thú vị cho du khách thăm thú và thưởng thức cảnh sắc non nước hữu tình, đặc biệt còn là điểm chụp ảnh check in sống ảo vô cùng nổi tiếng với các điểm tham quan độc đáo. Nơi đây, chùa Am Tiên ngàn năm vẫn là minh chứng của lịch sử, gắn liền với cuộc đời thái hậu Dương Vân Nga. Ở Tuyệt tịnh cốc còn có một bức tường thành được ví như “Vạn Lý Trường Thành” thu nhỏ. Đứng từ đây nhìn ra xa là hồ Giải đẹp bình yên, tĩnh lặng mà an nhiên với một màu xanh ngọc bích.
... Ninh Bình còn rất nhiều nơi để đến, nhiều danh thắng, nhiều di tích gắn liền với lịch sử dân tộc như quần thể di tích Cố đô Hoa Lư, hang Múa, Tam Cốc- Bích Động... khiến chúng tôi rời Ninh Bình mà vẫn muốn hẹn ngày trở lại.
GIA MINH