Nỗ lực chống “giặc nội xâm”

19/07/2024 - 06:28

 - Dưới sự lãnh, chỉ đạo của Đảng, những năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - “giặc nội xâm”, được tiến hành ráo riết, quyết liệt, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, đạt nhiều kết quả tích cực, tương đối toàn diện, được Nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, dư luận quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thường xuyên sử dụng nhiều chiêu bài thâm độc hòng xuyên tạc công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta.

Hội nghị trực tuyến giao ban 6 tháng đầu năm 2024 của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại điểm cầu Tỉnh ủy An Giang

“Trên nóng và dưới cũng đang nóng”

Đảng ta xác định, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Với tinh thần “trên nóng và dưới cũng đang nóng”, thời gian qua, các Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo cấp tỉnh) đã tập trung lãnh, chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm, tạo bước tiến mới trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, các địa phương đã kỷ luật 66 trường hợp người đứng đầu, trong đó có 24 trường hợp bị xử lý hình sự; kịp thời cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác đối với 172 trường hợp cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút. Trong số những cán bộ được cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác, có 2 trường hợp thuộc diện Trung ương quản lý, 34 trường hợp thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy quản lý.

Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cũng chỉ đạo phát hiện, điều tra, xử lý dứt điểm nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, kể cả những vụ việc tồn đọng kéo dài, liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của địa phương. Từ đó, các cơ quan tố tụng địa phương đã khởi tố mới 444 vụ án, với 1.242 bị can về tội tham nhũng (tăng 25 vụ so cùng kỳ năm 2023).

Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã đưa 107 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo để tập trung xử lý. Ngoài ra, các cơ quan địa phương chuyển 124 vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra, xử lý theo quy định; chuyển 21 vụ việc liên quan sai phạm của cán bộ, đảng viên đến ủy ban kiểm tra để kiểm tra, xử lý.

Đáng chú ý, công tác giám định, định giá tài sản, thu hồi tài sản tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương thu hồi tài sản đạt tỷ lệ cao, như: Hà Giang, Nam Định, Bà Rịa - Vũng Tàu. Một số địa phương có vụ án thu hồi tài sản đạt tỷ lệ 100%, như: Điện Biên, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Hòa Bình, Nghệ An…

Tỉnh táo trước những luận điệu xuyên tạc

Tuy nhiên, bất chấp thực tế, các thế lực, phần tử thù địch, phản động, cơ hội chính trị vẫn không ngừng công kích, xuyên tạc công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta bằng nhiều luận điệu thâm độc, nham hiểm. Chúng xuyên tạc mục tiêu và bản chất đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cuộc “đấu đá nội bộ” nhằm “thanh trừng bè phái”, “đánh bóng tên tuổi”, chỉ mang tính chất “phong trào”.

Chúng ra sức phủ nhận những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Lợi dụng dư luận xã hội bức xúc về các vụ việc sai phạm, những hạn chế, khuyết điểm trong phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, các đối tượng phản động rêu rao rằng: “Tham nhũng là căn bệnh kinh niên của chế độ độc Đảng cầm quyền”, “nếu còn giữ thể chế chính trị như hiện nay thì không thể chống tham nhũng thành công”... Mục đích cuối cùng của chúng là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, thực hiện “diễn biến hòa bình” hòng lật đổ chế độ chính trị, kêu gọi đa nguyên, đa Đảng.

Thực tế chứng minh, những con số về xử lý kỷ luật của Đảng và xử lý hình sự trong các vụ án tham nhũng, kinh tế thời gian qua cho thấy “quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn”, “nói đi đôi với làm” của Đảng và Nhà nước ta trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là tuyên ngôn, “hô khẩu hiệu” mà trở thành quyết tâm chính trị và hành động thực tế của cả hệ thống chính trị.

Chưa bao giờ chúng ta xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ sai phạm, nhất là các cán bộ cấp cao như thời gian qua. Điều đó cho thấy, việc này không phải nhằm “che mắt thế gian”, “đấu đá, thanh trừng nội bộ”, “tranh giành quyền lực”, mà thực chất là răn đe, ngăn ngừa để không xảy ra sai phạm, “xử một vài người để cứu muôn người”.

Đảng ta chỉ có một mục tiêu duy nhất trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là vì lợi ích của Đảng, dân tộc, đất nước và Nhân dân, không phải vì lợi ích của bất cứ cá nhân hay phe cánh nào. “Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực, tham nhũng”; tăng cường công tác quản lý cán bộ, ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, bảo đảm “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ, kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút.

Đồng thời, khẳng định rõ sự đoàn kết, quyết tâm trong việc lựa chọn cán bộ đủ đức, đủ tài, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Nhất là làm cho “tham nhũng từng bước được đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm” nhưng vẫn thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, Nhân dân và góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Trong bối cảnh hiện nay, việc tăng cường công tác tuyên truyền vô cùng cần thiết và có ý nghĩa nhằm nhắc nhở, nâng cao nhận thức, củng cố tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, bản lĩnh của đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng thời, nâng cao nhận thức xã hội, tính tích cực chính trị - xã hội và vai trò của người dân trong tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục lan tỏa những nhận thức và suy nghĩ đúng đắn về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước, hạn chế những quan điểm lệch lạc, thiếu chính xác về cuộc đấu tranh này ở Việt Nam. Nâng cao và lan tỏa bầu không khí quyết tâm, dân chủ, thúc đẩy liêm chính trong toàn xã hội, từ đó tạo môi trường phòng, chống tham nhũng thuận lợi và hiệu quả hơn.

M.T