Nỗ lực đáp ứng nguyện vọng của nhân dân

14/07/2023 - 06:35

 - Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh An Giang khép lại, mở ra kỳ vọng đạt mục tiêu kế hoạch tăng trưởng năm 2023, khi dành thời gian bàn giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; công tác phối hợp hoạt động giữa từng sở, ngành, đơn vị trong triển khai chương trình; chia sẻ, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm với các tỉnh có kết quả triển khai tốt, để tìm cơ chế, giải pháp điều hành phù hợp tình hình thực tiễn và đặc thù của tỉnh.

Những quyết sách mới

Kỳ họp xem xét tờ trình, dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình; báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, nhằm giúp HĐND tỉnh có cơ sở thông qua nghị quyết đảm bảo chất lượng, khả thi, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Mong mỏi thu hút nguồn lực cho ngành y tế được “hóa giải” bằng Nghị quyết quy định chính sách thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025.

Theo đó, người có học vị tiến sĩ, thạc sĩ y học; bác sĩ chuyên khoa cấp I, II; bác sĩ nội trú; bác sĩ đa khoa hệ chính quy có địa chỉ thường trú trong và ngoài tỉnh (trừ trường hợp đang là công chức, viên chức đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức, cơ quan của Đảng, nhà nước trong tỉnh; bác sĩ hệ chính quy được đào tạo theo địa chỉ sử dụng của tỉnh) mong muốn làm việc tại cơ sở y tế công lập trực thuộc Sở Y tế hoặc Cơ sở cai nghiện ma túy công lập, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) được hưởng chính sách thu hút 1 lần, sau khi có quyết định tiếp nhận, tuyển dụng, mức từ 150 - 350 triệu đồng/người.

Ngoài ra, viên chức, người lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn tại trạm y tế cấp xã, ngoài được hưởng chế độ lương theo ngạch, bậc và phụ cấp quy định, còn được đãi ngộ 1,5 lần mức lương cơ sở/tháng (tốt nghiệp đại học trở lên); 1 lần mức lương cơ sở/tháng (tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng); 0,3 lần mức lương cơ sở/tháng (nhân viên y tế làm việc tại khóm thuộc phường, thị trấn).

Trong kỳ họp này, HĐND quyết định sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp 30 triệu đồng cho hộ gia đình, cá nhân thực hiện bố trí, ổn định dân cư, bao gồm: Di chuyển người và tài sản, nhà ở, lương thực (trong thời gian đầu tại nơi tái định cư), nước sinh hoạt (nơi không có điều kiện xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung). Nguyên tắc hỗ trợ là ưu tiên hộ bị mất nhà ở, đất ở, hộ có nguy cơ cao hơn (sống trong khu vực có mức độ nguy cơ sạt lở cao). Chỉ thực hiện chính sách hỗ trợ hộ có nhà ở riêng đã di dời khỏi vùng sạt lở đất, vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, sụt lún đất.

Cùng với đó, còn thông qua nhiều nghị quyết khác, như: Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhóm B sử dụng vốn đầu tư công; mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí bình tuyển, công nhận cây mẹ, cây đầu dòng, vườn giống cây lâm nghiệp, rừng giống; mức hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy, người làm công tác cai nghiện ma túy; bãi bỏ một phần nghị quyết về mức thu, nộp quản lý, lệ phí đăng ký cư trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ; hỗ trợ người dân tham gia học xóa mù chữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…

Những trăn trở hiện tại

Kỳ họp này tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn 3 nhóm vấn đề: Đào tạo nghề, giải quyết việc làm (đối với Giám đốc Sở LĐ-TB&XH); an ninh trật tự (đối với Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo); tài nguyên và môi trường, xử lý chất thải (đối với Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường). Đại biểu Nguyễn Trường Sơn (Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh) đặt vấn đề: “Công an tỉnh đánh giá, nguyên nhân tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp, gia tăng là do “nhiều người mất việc làm, không có nghề nghiệp ổn định dẫn đến nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội (KTXH), tham gia vào hoạt động phạm tội và vi phạm pháp luật”. Ngành LĐ-TB&XH quan tâm vấn đề này như thế nào?”.

Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Châu Văn Ly, thời gian tới, đơn vị chủ động phối hợp sở, ngành liên quan thường xuyên nắm tình hình thị trường lao động, việc làm để kịp thời kết nối cung-cầu lao động, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng xã hội, giúp người nghèo và đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Đồng thời, chú trọng đào tạo nghề theo địa chỉ, đơn đặt hàng của doanh nghiệp…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng nhận định: “Dân số đông khiến An Giang phải nỗ lực gấp đôi để đào tạo nghề, giải quyết việc làm, trong khi nguồn lực có hạn. Ngành LĐ-TB&XH giữ vai trò tham mưu chính, nhưng cả hệ thống chính trị, đặc biệt là gia đình và bản thân thanh niên phải vào cuộc, nỗ lực học tập để có nghề nghiệp ổn định”.

Buổi chất vấn còn tập trung phân tích giải pháp kéo giảm tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện vi phạm quy định pháp luật; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nhà máy xử lý rác, tiến tới đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm theo lộ trình… Chủ tọa kỳ họp nhận được 9 ý kiến của cử tri qua đường dây điện thoại trực tiếp; giao Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp, chuyển đến cơ quan chức năng xem xét, trả lời sau kỳ họp.

“HĐND tỉnh đánh giá cao sự cố gắng của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, sở, ngành tỉnh trong chỉ đạo, điều hành lĩnh vực phụ trách với những kết quả tích cực, góp phần vào sự phát triển KTXH của tỉnh. Đồng thời, cơ bản tán thành các giải pháp, cam kết của Chủ tịch UBND tỉnh, giám đốc 3 sở, ngành tại phiên chất vấn. Đề nghị triển khai đồng bộ giải pháp thiết thực, nhằm tạo chuyển biến tích cực đối với các lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý, những vấn đề vừa được chất vấn, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH của tỉnh, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng đề nghị.

Sáng 13/7, kỳ họp thứ 14 HĐND, tỉnh bế mạc sau khi hoàn thành đầy đủ nội dung chương trình đề ra; thông qua 20 nghị quyết lĩnh vực kinh tế - ngân sách, văn hóa - xã hội, pháp chế, dân tộc với tỷ lệ thống nhất cao. Đây là những nghị quyết quan trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân và sự phát triển của tỉnh. Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, nhanh chóng cụ thể hóa, triển khai thực hiện các nghị quyết, đảm bảo tính kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống

 

GIA KHÁNH