Khắc phục các điểm sạt lở đất trên tuyến đường từ trung tâm huyện Tây Giang về các xã.
Do ảnh hưởng bão số 5, từ tối 16 đến sáng 18-9, trên địa bàn huyện Tây Giang có mưa lớn trên diện rộng, lượng mưa đo được từ 250 đến 330 mm. Mưa lớn trên thượng nguồn đổ về đã gây sạt lở đất, ách tắc giao thông nghiêm trọng. Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam Văn Anh Tuấn cho biết, đợt mưa lũ vừa rồi đã làm cho các tuyến đường trên địa bàn huyện Tây Giang bị thiệt hại rất nặng nề. Tuyến ÐT.606 và ÐH1.TG (nối từ đường Hồ Chí Minh đi qua các xã: A Tiêng, Lăng, Tr’Hy, A Xan, Ch’Ơm) khối lượng lớn đất đá tràn lấp gây hư hỏng mặt đường, rãnh dọc. Theo thống kê sơ bộ, có khoảng 200.000 m3 đất sạt lở và 15.000 m2 mặt đường bị hư hỏng. Hệ thống đường huyện (ÐH) từ trung tâm huyện Tây Giang đi các xã đều bị sạt lở, gây ách tắc giao thông và cô lập các xã. Nước lũ cuốn trôi bảy cầu treo dân sinh nằm trên các tuyến đường liên thôn, liên xã; nhiều cầu cống trên các tuyến đường xã hư hỏng nặng.
Ðồng chí Bhling Mia, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, mưa lũ đã làm cho hệ thống đường giao thông, lưới điện, các công trình thủy lợi... trên địa bàn huyện bị sạt lở, hư hỏng nặng. Theo thống kê từ các xã, mưa lớn kéo dài trong cơn bão số 5, đã làm cho các tuyến đường bị sạt lở tại 130 điểm lớn nhỏ, với lượng đất đá hơn 600.000 m3; hàng chục trụ điện bị nước cuốn sạt lở, ngã đổ làm mất điện trên diện rộng; nhiều công trình thủy lợi, cầu treo dân sinh bị nước cuốn trôi; nhiều diện tích cây trồng, con vật nuôi... bị bùn đất vùi lấp. Ước tổng thiệt hại trên địa bàn khoảng hơn 170 tỷ đồng.
Ngay sau bão số 5, với sự hỗ trợ tích cực của Sở Giao thông vận tải và Công ty Ðiện lực Quảng Nam, huyện Tây Giang đã huy động lực lượng, phương tiện tập trung khắc phục các điểm sạt lở trên các tuyến đường giao thông huyết mạch; đồng thời khẩn trương sửa chữa hệ thống lưới điện. Sau gần năm ngày tập trung khắc phục, đến nay, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện Tây Giang đã bước đầu được khôi phục. Giám đốc Sở Giao thông vận tải Văn Anh Tuấn thông tin, các điểm sạt lở tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn huyện Tây Giang đã được Cục Quản lý đường bộ 3 tiến hành khắc phục, bảo đảm giao thông và tổ chức rào chắn các vị trí nguy hiểm. Còn tuyến ÐT.606 và ÐH1.TG, đã được Sở Giao thông vận tải huy động lực lượng, phương tiện tập trung khắc phục. Mỗi ngày, trên hiện trường có đến 12 máy đào, năm xe ben, hai máy ủi cùng hơn 30 công nhân và kỹ sư tham gia khắc phục các điểm sạt lở đất. Ngoài ra, huyện Tây Giang cũng đã huy động 17 máy đào và gần 50 công nhân tập trung khắc phục các điểm sạt lở, vùi lấp mặt đường. Nhờ đó, đến nay, đã thực hiện thông xe bước 1 trên tuyến ÐT.606 nối từ đường Hồ Chí Minh đến trung tâm huyện lên xã vùng cao A Xan và các tuyến đường từ trung tâm huyện về các xã. Hiện, các đơn vị thi công đang nỗ lực khắc phục, phấn đấu thông xe bước 1 đến xã biên giới Ch’Ơm trong vài ngày tới.
Cùng với đó, huyện Tây Giang đã chỉ đạo các lực lượng hỗ trợ nhân dân, các trường học xử lý bùn đất vùi lấp; khôi phục nhà cửa, sớm ổn định đời sống, sản xuất cho người dân và giúp các học sinh sớm được trở lại trường. Ðáng nói là đối với hệ thống điện lưới, dù đường sá đi lại bị ách tắc, nhưng ngành điện đã kịp thời huy động lực lượng và phương tiện tổ chức khắc phục sự cố mất điện. Phó Giám đốc Công ty Ðiện lực Quảng Nam Võ Anh Hùng cho biết, ngay sau bão số 5, đơn vị đã huy động lực lượng, phương tiện triển khai khắc phục sự cố mất điện ở huyện miền núi Tây Giang. Tuy nhiên, do tuyến đường huyết mạch lên vùng cao bị sạt lở nặng nên công tác triển khai khắc phục hệ thống điện ở khu vực này còn gặp nhiều khó khăn. Qua hơn bốn ngày huy động lực lượng tập trung sửa chữa, đến nay, hệ thống lưới điện nối từ đồng bằng lên trung tâm huyện Tây Giang đến xã biên giới A Xan đã được khắc phục và bắt đầu cung cấp điện trở lại cho người dân ở tám xã trên địa bàn huyện.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Lê Hoàng Linh cho biết, về giao thông, đến cuối giờ chiều 23-9, đã thông tuyến cơ bản được bảy xã (gồm: A Vương, Bhallê, A Tiêng, Lăng, Dang, Tr’ Hy và A Xan). Khó khăn nhất hiện nay của địa phương là tuyến giao thông đến xã A Nông và hai xã vùng cao: Ch’Ơm và Ga Ry bị sạt lở, chưa khắc phục kịp nên còn ách tắc giao thông. Dự kiến, trong vài ngày nữa mới thông tuyến đến ba xã này. Theo đó, việc khắc phục hệ thống điện cũng gặp nhiều trở ngại do chưa thể đưa phương tiện đến hiện trường để sửa chữa lưới điện do ngã đổ nên vẫn còn hơn 300 hộ dân ở xã Ch’Ơm và Ga Ry chưa được cấp điện trở lại. Ðể sớm khắc phục hệ thống giao thông, huyện đã xuất kinh phí dự phòng 1,5 tỷ đồng để sửa chữa tạm các tuyến đường giao thông từ trung tâm huyện đi các xã. Hiện UBND huyện đang chỉ đạo các cơ quan liên chức năng phối hợp với các địa phương tập trung lắp đường ống dẫn nước tạm cung cấp cho các khu dân cư và trường học; triển khai các giải pháp khôi phục lại sản xuất cho người dân, nhất là hệ thống thủy lợi, kênh mương; đồng thời tiếp tục rà soát phương án sắp xếp dân cư các nơi có nguy cơ sạt lở cao và các vùng trũng thấp đến nơi ở an toàn...
Theo TÂN NGUYÊN (Nhân Dân)